11/06/2017 08:21
Thực tế cho thấy lực lượng lao động trong nông nghiệp ở Kon Tum chiếm tỷ lệ còn cao. Những năm qua, cùng với sự nỗ lực xây dựng nông thôn mới của các cấp, các ngành, ngành LĐTB&XH tỉnh đã dốc sức thực hiện mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Tuy vậy, đến cuối năm 2016, kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg chỉ đạt 87,05%.
Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH, nguyên nhân là do việc giao chỉ tiêu chậm; nguồn kinh phí dành cho đào tạo nghề của tỉnh còn thấp; công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên và hiệu quả nên tuyển sinh không đủ số lượng học viên/lớp để bố trí khóa đào tạo. Công tác chỉ đạo, điều hành ở cấp xã còn yếu. Nhiều người đã đăng ký nhưng không theo học hoặc bỏ học giữa chừng nên không đạt được chỉ tiêu đề ra.
Thực tế còn cho thấy, chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT còn thấp và nhiều bất cập. Đối với người học nghề phi nông nghiệp hầu hết không sống được với nghề, bởi học xong khóa học từ 3-4 tháng nên tay nghề chưa thành thạo, không đảm bảo được năng lực làm việc ở các doanh nghiệp, hoặc nếu tự làm ra sản phẩm thì sản phẩm cũng không đủ sức cạnh tranh về chất lượng.
Mặt khác, người LĐNT chưa thay đổi lối suy nghĩ, chưa có tác phong lao động công nghiệp, chấp hành kỷ luật tại các công ty, cơ sở sản xuất không nghiêm nên họ ít có cơ hội làm việc và nếu có cũng không giữ được lâu. Đối với lao động trẻ ở nông thôn đang ở độ tuổi lao động vàng nhưng họ thiếu ý thức về học nghề và lập nghiệp; thiếu sự nhiệt tình, say mê và kiên nhẫn học tập nên họ thường bỏ học mà hiện nay chúng ta chưa có chế tài xử lý…
Để đến năm 2020, có 67,6% số LĐNT có nhu cầu được đào tạo nghề, trước hết chúng ta phải xác định rõ đào tạo nghề cho LĐNT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
|
Muốn vậy, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nhân dân, nhất là những người trong độ tuổi lao động hiểu đầy đủ về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc học nghề gắn với việc lập thân và lập nghiệp. Có như vậy, họ mới ý thức được trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó, họ kiên nhẫn học tập, say mê với nghề, sống được bằng nghề, thoát nghèo và vươn lên làm giàu cũng bằng nghề.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển KT-XH ở từng địa phương và xây dựng nông thôn mới, trong đó xác định rõ nguồn lao động cần phải đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển cho từng địa phương và trong từng giai đoạn phát triển; thực hiện đầy đủ liên kết trong đào tạo nghề.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực nên cũng cần lao động lành nghề. Vì vậy, chúng ta cần rà soát trình độ, nguyện vọng, sở trường, sở thích của từng đối tượng lao động trước khi liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nghề theo địa chỉ để tránh lãng phí và làm cho người học nghề sống được bằng nghề.
Đối với đào tạo lao động nông nghiệp thì tiếp tục gắn thực nghiệm đầu bờ từ các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, phù hợp với đất đai, khí hậu và thổ nhưỡng của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh để hướng dẫn, dạy nghề cho lao động nông nghiệp, cho người nông dân.
Đồng thời, tỉnh cần có cơ chế, chính sách cho đội ngũ giáo viên dạy nghề cập nhật kịp thời kiến thức và sự phát triển của công nghệ; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong đào tạo nghề cho LĐNT; thu hút nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại tỉnh; hình thành thị trường cung ứng nguồn nhân lực và mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này để chúng ta có lực lượng lao động dồi dào với trình độ tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Làm tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT sẽ góp phần thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra là đến năm 2020 có 36,5% lao động trong tỉnh được đào tạo nghề.
Tài Lương