Một ngày với Đội sửa chữa “điện nóng”

11/09/2018 13:09

​Lâu nay, mỗi khi sửa chữa hoặc đấu nối trên hệ thống, Công ty Điện lực Kon Tum buộc phải cắt điện làm ảnh hưởng đến khách hàng, nhất là các doanh nghiệp. Nhằm khắc phục vấn đề này, từ giữa tháng 5/2018, Công ty Điện lực Kon Tum đưa vào sử dụng công nghệ sửa chữa điện nóng thì việc sửa chữa, bảo trì hệ thống điện trực tiếp ngay trên lưới điện mà không cần phải cắt điện.

Giám sát từng thao tác

Sửa chữa điện vốn là một nghề nguy hiểm. Sửa chữa nóng còn nguy hiểm hơn nhiều. Vì vậy, sau nhiều ngày mưa ròng rã, Đội sửa chữa điện nóng của Công ty Điện lực Kon Tum chọn một ngày trời có nắng để di dời lưới điện về trụ điện mới trước trụ sở của Viettel Kon Tum và đấu nối điện lưới vào trạm biến áp cho trụ sở mới của Vietinbank Kon Tum.

Khi chúng tôi đến đã thấy “xe gàu” đưa hai nhân viên của đội tiến gần tới đường dây 22kV đang có điện cách mặt đất hơn chục mét. Mặc dù đã được trang bị găng tay cách điện, nhưng hai công nhân trong gàu cẩn thận dùng lớp nhựa cách điện ốp vào đường dây, rồi dùng thêm thảm cách điện (cũng làm bằng nhựa) phủ lên những điểm hở đề phòng phóng điện. Sau đó, họ bắt đầu các thao tác tách đường dây điện để di dời.

Hai công nhân đang sứa chữa điện nóng. Ảnh: D.L

 

Đội trưởng Ngô Văn Bạo cho biết: Đội sửa chữa nóng của Công ty Điện lực Kon Tum có 8 người, là những công nhân từ bậc 4 đến bậc 6 của đơn vị đuợc cử đi đào tạo, huấn luyện về công tác sửa chữa nóng lưới điện tại Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung từ tháng 12/2017 đến tháng 5/2018. Qua nhiều lần thực hành trên lưới điện ở một bãi tập và được Tổng công ty Điện lực miền Trung tổ chức sát hạch bước 2, bước 3, đội mới chính thức được phép sử dụng phương pháp này để khắc phục các sự cố về điện trên địa bàn Kon Tum. Mỗi đợt xuất quân, bất kỳ sự cố lớn nhỏ gì đội cũng đi ít nhất sáu người để luân phiên thay thế cho nhau. Trong đó hai người thực hiện, hai người giám sát và hai người hỗ trợ. Mỗi công nhân chỉ ở trên thùng xe gàu chừng một tiếng là phải xuống đất thay người khác lên, tuyệt đối không ráng sức, nhằm đảm bảo các thao tác thực hiện luôn chính xác, đúng quy trình.

Biết nguy hiểm vẫn yêu nghề

Sau khi đi vào hoạt động, tính đến nay, đội đã có 72 lần lên lưới, trung bình mỗi ngày đội sửa chữa nóng nhận một công tác, từ thay thế, vệ sinh cho đến “phẫu thuật” trực tiếp trên đường dây; thành thử mối nguy hiểm mà công nhân trong đội đương đầu càng nhiều hơn. Khi đối mặt với những hỏng hóc không thể khắc phục trực tiếp được, đội mới đề xuất cắt điện để đảm bảo an toàn.

Anh Phan Quốc Việt - công nhân đội sửa chữa điện nóng chia sẻ: Trước đây, khi nhận tin báo có sự cố, chúng tôi phải đến kiểm tra, làm thủ tục, chờ cho phép cắt điện mới được tiến hành sửa chữa. Dù đường dây được bọc nhựa nhưng khi chạm tay vào đường dây thì vẫn có thể cảm giác được luồng điện chạy bên trong như dòng nước chảy mạnh trong đường ống. Để thực hiện các bước sửa chữa thật an toàn, người thợ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy phạm đã đưa ra. Sửa điện trong lúc đường dây vẫn còn có điện càng đòi hỏi mỗi một thao tác phải chuẩn, không thừa và công nhân phải có tay nghề cao và luôn tự tin.

"Khi tiếp cận đường lưới điện, chúng tôi chỉ tập trung vào những thiết bị điện đang được tách ra để chuyển dời sang trụ điện khác và không hề bận tâm tới xung quanh. Nhất cử nhất động của mỗi công nhân không được có động tác thừa hay “thích là với bên này, nhoài bên kia đâu”. Sửa đường dây nóng phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc giữ khoảng cách tối thiểu 0,7m giữa người, thiết bị mang trên người với đường dây mang điện. Chỉ cần nhoài ra khỏi “vùng an toàn” là có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào. Biết là nguy hiểm, nhưng chúng tôi vẫn yêu nghề" - anh Phan Quốc Việt giải thích thêm.

Giảm thời gian cắt điện

Theo ông Nguyễn Phong Lưu - Giám đốc Điện lực Kon Tum thì Đội sửa chữa điện nóng có nhiệm vụ vệ sinh rửa sứ bằng nước cách điện áp lực cao, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý sự cố trên đường dây đang tải điện. Việc sửa điện trực tiếp trên “đường dây nóng” sẽ ngăn ngừa và loại trừ nhanh chóng các nguy cơ sự cố trên lưới điện. Công ty Điện lực Kon Tum đưa Đội sửa chữa điện nóng vào hoạt động sẽ giải quyết nhiều vấn đề trên lưới điện như, trước đây khi thi công đấu nối cho một khách hành trên hệ thống có thể phải cắt điện, ảnh hưởng đến nhiều khách hàng khác trong vòng vài tiếng đồng hồ thì nay các đội này vào thi công không cần cắt điện. Do đó, thời gian cắt điện trong năm của khách hàng sẽ ngắn hơn, nâng cao được chất lượng cung cấp điện và sự hài lòng của khách hàng...

Toàn đội giám sát từng thao tác của hai công nhân trên gàu. Ảnh: D.L

 

Một ngày bên những người thợ điện nóng, tôi ghi nhận rất nhiều điều. Đúng là các công nhân có “tinh thần thép”, dù quanh mình là dòng điện, chỉ cần một giây lơ là vung tay, nhoài người vượt ra khỏi vùng an toàn là “mất mạng như chơi”. Các công nhân trong đội đều hiểu, làm việc trong môi trường có điện trường cao, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe. Nhưng điều tôi cảm thấy đáng quý nhất là chính ở lời nói thể hiện tình yêu nghề của các anh: “Đã chọn nghề thì phải yêu lấy nghề”.  

                                                                   Dương Lê

Chuyên mục khác