Một mùa về rất mới

26/01/2023 14:07

Di tích lịch sử Điểm cao 1015, những ngày đầu Xuân sau 50 năm cuộc chiến khốc liệt trong Mùa hè đỏ lửa 1972. Gió không chỉ hát bài ca bi tráng năm xưa, mà còn hát về một mùa Xuân rất mới.

Tôi trở lại Sạc Ly những ngày đầu Xuân. Trời biên giới nắng và trong xanh như vẫn từng xanh.

Trên đỉnh đồi cao hơn 1.000m, tôi thành kính thắp nén nhang thơm trước Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ. Trong gió xuân reo, tôi như thấy một thời khói lửa vọng về, với những đợt bom rung chuyển núi rừng; tiếng hô xung phong khàn đặc bởi khói súng và bước chân rầm rập đạp lên lớp cỏ cháy.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhắc đến Sa Thầy, không thể không nhắc đến những chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta trên các cứ điểm 995, 1015 và 1049.

Trong đó, có thể nói trận đánh chiếm Điểm cao 1015, tức Charlie (hay Sạc Ly) là khúc tráng ca bi tráng nhất.

Từ những năm 1960, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã xây dựng một cứ điểm quân sự tại Điểm cao 1015 nhằm kiểm soát, khống chế cả vùng rộng lớn nơi ngã ba Đông Dương.

Các em học sinh xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy nghe cựu chiến binh kể về trận đánh Điểm cao 1015. Ảnh: HH

 

Trong Mùa hè đỏ lửa 1972, Điểm cao 1015 là nơi đóng quân của tiểu đoàn 11 nhảy dù Việt Nam Cộng hòa để bảo vệ phía trái đường 14; án ngữ toàn bộ đường vào Đăk Tô-Tân Cảnh từ phía Tây, chặn đường tiến đánh Kon Tum của bộ đội ta từ ngã ba biên giới.

Ta quyết tâm phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô, thuộc tuyến phòng ngự vòng ngoài của căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh, nên từ cuối tháng 3/1972, tại Điểm cao 1015 và 1049 (tức Delta) đã diễn ra các trận đánh vô cùng khốc liệt giữa bộ đội ta (gồm Trung đoàn bộ binh 64, 52, 48 và Tiểu đoàn 19 đặc công thuộc sư đoàn 320A) với lực lượng đóng giữ của quân lực VNCH có sự chi viện của pháo binh, máy bay.

Đặc biệt, từ ngày 12 – 15/4/1972, Trung đoàn bộ binh 64 do Trung tá Khuất Duy Tiến chỉ huy đã cùng quân và dân địa phương kiên cường chiến đấu, chấp nhận hy sinh để diệt gọn tiểu đoàn nhảy dù 11 Việt Nam Cộng hòa, chiếm và kiểm soát hoàn toàn Điểm cao 1015.

Chỉ ít ngày sau, Đăk Tô – Tân Cảnh được giải phóng, làm thay đổi cục diện trên chiến trường Bắc Tây Nguyên.

Đã 50 năm trôi qua kể từ trận chiến khốc liệt ấy, nơi từng được gọi là “đồi máu” bởi sự khốc liệt của chiến sự, từng là hiện diện của chết chóc đã thành biểu tượng của sự hồi sinh.

Nơi từng không một bóng cây, chỉ lơ thơ cỏ cháy úa vàng nay đã xanh mát rừng thông. Những cây thông mạnh mẽ vươn cao, xòe tán, ngày đêm che nắng che mưa, rì rào hát ru giấc ngàn thu của các liệt sĩ.

Tháng 5/2018, Nhà bia tưởng niệm được khánh thành trên Điểm cao 1015; tháng 3/2019, Điểm cao 1015 được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (cùng Điểm cao 1049). Tháng 1/2022, cả 2 điểm cao được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh.

Đó vừa là để thể hiện sự tri ân của Nhà nước đối với những người con đã hy sinh máu xương cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; vừa là điểm tìm về của mọi người Việt Nam để tưởng nhớ những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự bình yên và hạnh phúc của dân tộc.

Những ngày lễ, tết, dòng người lại tìm về đây thắp nén nhang thơm viếng anh linh các liệt sĩ. Ai cũng nhẹ bước vì biết rằng lớp đá sỏi đã nhuộm máu của các anh trong những ngày chịu bom napan đốt trận địa, chịu pháo bầy, chịu B52, chịu khát, nhịn đói ôm súng đánh địch để mở toang cánh cửa tiến vào Đăk Tô - Tân Cảnh.

Gió xuân trên Điểm cao 1015 ngày nay không chỉ hát bài ca bi tráng năm xưa, mà còn hát về một mùa Xuân rất mới. Qua lâu rồi những đau thương, cũng là khi đất đổi thay từng ngày.

Chiến tranh là phải có hy sinh. Và sự hy sinh của cha anh được đền đáp xứng đáng, khi quê hương này khác đi, từng ngôi nhà, từng con người, từng số phận khác đi.

Giờ là lúc để kể câu chuyện hiện tại và tương lai!

Một góc thị trấn Sa Thầy hôm nay. Ảnh: HH

 

Không ồn ào, mạnh mẽ, vồ vập, sự đổi thay hiện diện ở từng mái nhà, từng gian bếp, từng mảnh vườn, từng mâm cơm một cách chậm rãi, chắc chắn. Một con số rất đáng tự hào là trong năm 2022, huyện Sa Thầy đã giảm được giảm khoảng 6,7% số hộ nghèo, vượt kế hoạch đề ra, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 13,24%.

Khó có thể diễn tả hết bằng lời niềm vui, lòng tự hào của cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy trong những ngày Xuân này. Khi năm 2022 khép lại với những con số ấn tượng: Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện (giá so sánh năm 2010) ước đạt 4.431,72 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch;  thu nhập bình quân đầu người đạt 35,67 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 139,32 tỷ đồng, đạt 118,3% dự toán tỉnh giao và 107,3% dự toán huyện giao.

Hệ thống giao thông từ tỉnh về huyện, từ huyện đến làng đã được quan tâm đúng mức, bảo đảm đi lại thông suốt 2 mùa, từng bước phá thế ngõ cụt của huyện. Diện mạo đô thị khang trang hơn, nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân đã được cải thiện qua việc đầu tư mạnh mẽ điện lưới, thông tin liên lạc, cấp nước, thương mại-dịch vụ.

Bên mâm cơm, người dân không chỉ có bàn tính làm gì để thoát nghèo, mà câu chuyện đã reo vui âm hưởng làm giàu.  

Một ngày đầu Xuân, người lính già run run thắp nhang cho đồng đội đã ngã xuống mà nhớ về chặng đường dài đã đi qua. Ký ức chiến tranh còn rõ lắm, nhưng không phải để đau thương, mà để luôn nhắc nhớ con cháu rằng: Nơi đây, máu của cha anh đã đổ, rất nhiều, để hôm qua, hôm nay và mãi về sau luôn tươi thắm nụ cười.

Khắc cốt ghi tâm điều ấy, mỗi người dân Sa Thầy luôn nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm, góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh, xứng đáng với những người đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Nhìn từ Điểm cao 1015, dưới tầm mắt người lính già hiện lên những xóm thôn trù phú, yên bình. Những gam màu sáng đang đầy hơn ở Sa Thầy, như màu xanh của cây rừng lấp dần công sự, hố bom. Đất và người đều ngời sắc xuân tươi.

Một mùa về rất mới trên vùng đất đã thấm máu cha anh!/.

HỒNG HẢI

Chuyên mục khác