Một lần đến Điện Biên Phủ

06/05/2020 13:06

Năm 2014, chúng tôi có dịp đến Điện Biên Phủ trong chuyến hành trình lên Tây Bắc của Đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 - một trong những quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Đã nghe nói nhiều nhưng đến khi được tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới hiểu hơn sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông để làm nên những chiến công lừng lẫy.

Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 có 644 ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ, nhưng chỉ có 4 ngôi mộ lớn có bia khắc đủ họ tên là của các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót và Trần Can, còn lại hầu hết là các ngôi mộ vô danh. Trong nghĩa trang còn có nhà bia - nơi ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên phủ.

Nghĩa trang liệt sĩ A1 là 1 trong 3 nghĩa trang cấp quốc gia của tỉnh Điện Biên. Năm 2013, nghĩa trang được tu sửa nâng cấp. Từ khi được xây dựng đến nay, Nghĩa trang luôn được trông nom, chăm sóc, bảo vệ, hương khói quanh năm. Du khách có thể đến đây thắp hương cho vong linh các anh hùng liệt sĩ; tham quan, tìm hiểu, truyền thống cách mạng của mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ.

Đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ. Ảnh: LN

 

Khi đứng trước những ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ nơi đây, thành kính dâng nén hương thơm, mỗi người một tâm trạng, một suy nghĩ, nhưng có lẽ mỗi người con đất Việt đều mong các liệt sĩ an nghỉ và cầu mong đất nước luôn hòa bình, toàn dân tộc muôn đời ấm no, hạnh phúc, mãi mãi trường tồn.

Cách đồi A1 chừng vài cây số đường chim bay là sào huyệt của quân Pháp. Hầm tướng Đờ Cát là sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân viễn chinh Pháp. Những khối bê tông rất dày được đắp lên căn hầm, những tấm thép ri dày có lỗ tròn được làm vách và trần bên trong căn hầm cùng với nhiều tầng lớp bảo vệ bên ngoài khiến nơi đây thật khó để công phá. Thế nhưng vào lúc 17 giờ, ngày 7/5/1954, tổ xung kích do đồng chí Tạ Quốc Luật, Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 chỉ huy tiến vào bắt sống tướng Đờ Cát và bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ.

Rời Hầm tướng Pháp Đờ Cát, chúng tôi đến thăm Khu di tích lịch sử Mường Phăng - là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/5/1954).

Để đến được vùng đất Mường Phăng, từ thành phố Điện Biên Phủ, theo Quốc lộ 279 đi về phía Đông 25km bằng con đường ngoằn nghèo, khúc khuỷu. Dừng xe dưới chân núi Pú Ðồn, chúng tôi bắt đầu rảo bước theo cô gái Thái có dáng người mảnh mai - một hướng dẫn viên du lịch tại điểm di tích. Hầm Ðại tướng nằm tít trong rừng sâu, con đường dẫn vào hầm nhỏ xíu, ngoằn ngoèo, lọt thỏm giữa rừng già. Tôi bước chậm lại để ngầm khẳng định là mình đã đến nơi đây thật chứ không còn là “mơ” nữa.

Tại căn cứ Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng dọc theo con suối nhỏ trong rừng Mường Phăng, chạy quanh chân núi, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90km2. Nơi đây được bà con địa phương  trìu mến gọi là “rừng Đại tướng,” và gọi vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thuở ấy là “già bản Võ Nguyên Giáp”.

Các công trình của Sở Chỉ huy được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bí mật và an toàn. Đến nay, khu di tích Mường Phăng vẫn lưu giữ được các công trình có giá trị lịch sử tiêu biểu như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến - nơi giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy, hội trường nơi diễn ra các hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy triệu tập đến trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại... 

Đặc biệt, đường hầm xuyên núi dài 96m, nối lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cũng được thắp sáng cho du khách vào tham quan. Ngoài ra, gần Sở Chỉ huy ở Mường Phăng còn có đài quan sát trên đỉnh đồi cao, có thể nhìn bao quát thung lũng Mường Thanh.

Trong 2 ngày ngắn ngủi trên mảnh đất Điện Biên Phủ, chúng tôi không thể đi hết những địa điểm lịch sử. Chia tay Điện Biên Phủ, tôi cũng như các thành viên trong đoàn luôn mong muốn có một ngày gần nhất được quay trở lại nơi đây.

Lê Nga

Chuyên mục khác