Mong mỏi một cây cầu

24/11/2020 06:04

Cơn bão số 9 vừa qua đã cuốn trôi cây cầu treo duy nhất nối nơi cư ngụ, sản xuất của hơn 220 hộ dân (thôn 11 và 14) xã Đăk Ruồng với trung tâm huyện Kon Rẫy khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Hơn bao giờ hết, người dân đang mong mỏi các cấp, các ngành sớm đầu tư làm lại cầu mới.

Lũ cuốn trôi cầu

Cầu treo Kon Tuh - Kon Bo Deh bắc qua sông Đăk Bla được xem là huyết mạch nối khu sản xuất tập trung rộng hơn 2.000 ha của xã Đăk Ruồng với bên ngoài. Nhiều năm qua, hơn 220 hộ dân bên kia sông ra trung tâm xã, huyện nhờ cây cầu treo này.

Năm 2009, khi cơn bão số 9 vào Đăk Ruồng, tại vị trí này từng có một cây cầu treo bị lũ cuốn trôi. Sau lũ, chính quyền các cấp trong tỉnh Kon Tum đã đầu tư làm một cầu treo mới kiên cố với móng trụ đúc bê tông cốt thép, cầu sắt cao hơn mặt nước sông Đăk Bla gần chục mét. Tuy nhiên, khi lũ qua, lòng sông rộng ra, cầu mới nối 2 bờ dài đến 170 mét nhưng chỉ có 2 nhịp mỗi đầu. Có cầu treo mới được thi công sớm, giúp dân ổn định lại cuộc sống sau lũ.

Hơn 10 năm qua, với hàng trăm hộ dân bên kia sông Đăk Bla ở xã Đăk Ruồng, đi qua cầu treo là con đường ngắn, an toàn, thuận lợi nhất khi lưu thông, mua bán nông sản, con cháu học hành… Có cầu, người dân chỉ di chuyển khoảng 300 mét, với đường bê tông đẹp, rất thuận lợi để qua sông đến xã, huyện. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 10 vừa qua, cơn bão số 9 lại “quét” qua Đăk Ruồng. Khi bão về, mặt sông Đăk Bla hiền hòa trở nên hung dữ. Nước sông dâng cao cả chục mét so với bình thường và cuốn trôi cầu treo Kon Tuh - Kon Bo Deh một lần nữa.

Cầu treo Kon Tuh-Kon Bo Deh đã bị lũ cuốn trôi. Ảnh: C.N

 

Thẫn thờ đứng bên sông, anh A Tơi- trưởng thôn 11 (xã Đăk Ruồng) than thở: Nhiều năm qua, người dân mong chính quyền sớm xây dựng cây cầu mới vĩnh cửu để dân an tâm mỗi khi mưa lũ về. Tuy nhiên, khi ước mơ của dân làng chưa thành hiện thực thì bão số 9 lại cuốn trôi cầu treo duy nhất nối thôn làng với bên ngoài. Bão lũ đã gây thiệt hại nhiều, giờ cầu đã trôi không biết khi nào người dân mới có cầu mới để đi, giảm bớt khó khăn.

Ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết: Sau cơn bão số 9/2009, cầu treo được dựng lại, tuy nhiên, khi bão lũ, lòng sông rộng ra, cầu treo dài đến 170 mét, không an toàn theo quy chuẩn mới. Cách đây 5 năm, tỉnh và huyện đã có dự án làm cầu bê tông 6 nhịp, vĩnh cửu nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa thực hiện. Nhiều năm qua, chính quyền và người dân địa phương vẫn mong mỏi từng ngày.

Khó khăn chồng chất

Ngay sau khi cầu treo Kon Tuh-Kon Bo Deh bị lũ cuốn trôi, huyện Kon Rẫy đã huy động lực lượng san ủi, làm lại con đường đất cũ đi vòng để giúp người dân lưu thông. Để về xã, lên huyện hay đi học, người dân phải di chuyển quãng đường dài hơn 30km. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, di chuyển bằng xe máy mất khoảng 30 phút để đến xã. Tuy nhiên, dù đường mới san ủi nhưng dọc tuyến đường xuất hiện hàng loạt ổ voi, ổ gà, vũng nước… Hiện người dân bắt đầu vào vụ thu hoạch mì, cà phê…, các phương tiện chở nông sản đi vào đã phá nát tuyến đường; một số điểm bị sạt lở bên taluy dương do mưa.

Thầy Lê Đình Hiên - giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản dạy tại điểm trường làng Kon Tuh cho biết: Trước đây, chúng tôi chỉ phải đi khoảng 300 mét, qua cầu treo là đến điểm trường, nhưng nay do lũ cuốn trôi cầu treo nên chúng tôi phải đi rất xa, hơn 30km, mới đến nơi. Do đường xa nên các thầy cô không thể về nhà mà phải ở lại trường để dạy ca chiều. Các em học sinh cũng ở lại điểm trường, ngành giáo dục và chính quyền địa phương đã quan tâm tạo điều kiện cho các em học và ăn, ở nội trú nên các em bớt khó khăn.

Buồn vì cầu treo Kon Tuh-Kon Bo Deh bị cuốn trôi làm cuộc sống bị đảo lộn, chị Y Rôi ở làng Kon Tuh cho biết thêm: Thời gian qua con cháu học cấp II, III được huyện tạo điều kiện theo học nội trú. Trước đó các cháu tự đi xe đạp đến trường mỗi ngày, giờ sáng thứ 2, tôi phải phải dậy sớm để chở con đi học. Mình là phụ nữ, chạy xe chậm, đường xấu nên đi lâu. Cuối tuần lại ra đón con về. Mấy đứa nhỏ bậc mầm non, tiểu học thì học tại thôn làng. Hiện việc sản xuất, mua bán cũng gặp khó khăn nhiều. Nông sản làm ra như mì, cà phê khi bán đều bị tư thương ép giá.

Hiện tại, người dân ở khu vực bên kia sông Đăk Bla đang vào vụ mì, cà phê nhưng rất ít người thu hoạch. Theo tính toán của chị Y Rôi, trước khi cầu treo Kon Tuh-Kon Bo Deh bị trôi, dân bán 1.900 đồng/kg mì, nay tư thương chỉ thu mua 1.500 đồng/kg. “Sau đó họ còn tính chi phí vận chuyển, trừ nhiều thứ lắm, chỉ còn khoảng 1.300 đồng/kg thôi. Biết bị ép giá nhưng vẫn phải nhổ mì bán”- chị Y Rôi nói.

Trước những khó khăn do cầu treo bị cuốn trôi, trưởng thôn  A Tơi kiến nghị: Bà con chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành sớm quan tâm đầu tư xây dựng cầu mới, giúp bà con ổn định cuộc sống, sản xuất.

Cao Nguyên

Chuyên mục khác