13/04/2020 06:06
Sau gần một tuần làm việc tại nhà, vì muốn thay đổi không khí, một buổi chiều đầu tuần vừa rồi, tôi dắt xe máy đi dạo một vòng quanh phố thị Kon Tum. Phố xá vắng vẻ, thưa thớt trong những ngày thực hiện cách ly xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan. Những người vì có công việc cần thiết phải ra đường cũng mau chóng hoàn thành để trở về. Cái tên Covid-19 hiện hữu qua từng câu chuyện mọi người trao đổi với nhau. Từng bản tin trải dài khắp các mặt báo, trên ti vi, trên hệ thống loa truyền thanh đã đi vào đời sống thường nhật của mỗi người, mỗi gia đình.
Kinh doanh quán cà phê tại nhà, chị Dung (phường Trường Chinh) phải tạm đóng cửa quán theo chủ trương chung nhằm thực hiện cách ly xã hội, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 và chỉ bán cho những khách quen mua mang về. Khi tiếp xúc với khách, chị Dung luôn trang bị khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Anh Chương thuê mặt bằng mở quán nhậu hải sản trên một con đường ở phường Thắng Lợi vào giữa năm 2019. Tiền lãi ngân hàng vẫn phải đóng đủ, tiền thuê nhà vẫn không được thiếu, vì vậy kinh tế gia đình anh rơi vào tình trạng “khó khăn chồng chất khó khăn”. Anh Chương cho biết: Mong dịch sớm được dập để cuộc sống trở lại bình thường. Nếu cứ thế này kéo dài tới tháng 5, tháng 6, có lẽ tôi cũng phải phá hợp đồng thôi, chứ không thể ráng được nữa.
|
Không chỉ riêng chị Dung, anh Chương, mà hàng nghìn hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, các công ty lớn, nhỏ… đang phải chịu cảnh khốn đốn, lao đao kinh tế vì dịch bệnh Covid-19.
Nhiều năm qua chị Hà, chuyên mua bán rau ở “chợ trời” phường Quyết Thắng. Bình thường mỗi sáng, chị dậy từ 4 giờ chở rau ra chợ bán, lời được trên dưới 100 nghìn đồng chăm lo miếng ăn cho cả nhà 4 người. Từ khi đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, tình hình buôn bán giảm sút. “Chồng làm thuê, công việc không ổn định. Mùa dịch ít việc nên ở nhà hoài, hiện chỉ trông chờ vào gánh rau của chị, nhưng bây giờ buôn bán khó quá, cuộc sống vốn đã khó bây giờ lại càng khó khăn thêm” - chị Hà bộc bạch.
Trước dịch bệnh Covid-19, ông Sơn - một người bán vé số ở phường Quang Trung, mỗi ngày cũng kiếm được trên 100.000 đồng để phụ giúp cho gia đình 6 miệng ăn. Từ đầu tháng 4, Chính phủ thực hiện dừng kinh doanh vé số, ông mất việc và mất luôn nguồn thu nhập, gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn. “Mong sao dịch bệnh Covid-19 sớm qua mau để mình đi làm trở lại kiếm tiền chăm lo cho cuộc sống gia đình...” - ông Sơn chia sẻ.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lan tới từng hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ. Nếu như tháng 1/2020, các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê giảm doanh thu từ 10%-20%, thì trong tháng 2, tháng 3 con số đó đã lên đến 50%-70%. Từ ngày 1/4, tất cả các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê phải đóng cửa theo yêu cầu của Chính phủ, ít nhất tới ngày 15/4, đồng nghĩa với doanh thu về 0.
Dù vắng khách hay phải đóng cửa không hoạt động trong mùa dịch, các hộ kinh doanh vẫn phải trả phí thuê mặt bằng từ vài triệu đồng đến khoảng trên dưới chục triệu mỗi tháng. Sức ép trả tiền thuê mặt bằng, lại thêm lo ngại sau dịch kết thúc thì nhu cầu ăn uống của mọi người sẽ giảm - một phần vì kinh tế mỗi gia đình, doanh nghiệp đều ảnh hưởng, phần vì thói quen trong “tiêu pha” thường ngày của từng gia đình thay đổi, đã khiến cho nhiều nhà hàng ăn uống đã tính đến chuyện trả lại mặt bằng, cho nhân viên nghỉ việc, chấp nhận bỏ đi từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng đã đầu tư trước đó.
Để cầm cự trong trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh, một số hộ kinh doanh như anh Chương, chị Dung... chuyển sang hình thức kinh doanh online.
Không chỉ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các công ty, doanh nghiệp, khách sạn... cũng rơi vào thế khó. Rất may là vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thông qua “gói” chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp về hoãn, giảm thuế; giảm lãi suất vay vốn, giảm tiền điện, tiền nước, tiền thuê đất...
Người dân cũng mong mỏi chính sách an sinh xã hội của Chính phủ sớm hỗ trợ cho người nghèo, người bị thất nghiệp, người kinh doanh buôn bán nhỏ... để họ vượt qua khó khăn trong thời điểm đại dịch Covid-19.
Hơn bao giờ hết, trong lúc này câu nói “không ai bị bỏ lại phía sau” cần được biến thành những hành động thực tế, không chỉ trong hệ thống chính trị, trong mỗi cơ quan, doanh nghiệp mà trong cộng đồng xã hội. Chúng ta đang rất cần ở mọi người, mọi gia đình sự sẻ chia với những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Chính phủ cũng đã kêu gọi đồng bào cả nước cùng chia sẻ khó khăn với người nghèo, hỗ trợ họ bữa cơm ăn, một chút tiền động viên và sự sẻ chia đó cũng rất cần các tổ chức tín dụng, cơ quan thuế… hướng đến cả các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước rủi ro kinh tế vì dịch bệnh Covid-19 bằng những chính sách phù hợp của Nhà nước.
Chỉ mong dịch bệnh Covid-19 sớm đi qua, trả lại nhịp sống bình thường. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết và nỗ lực vượt khó, đất nước ta sẽ “chiến thắng” dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế đất nước sẽ phục hồi, phát triển.
Quang Định