21/06/2017 08:03
Y Hnhưm là thôn trưởng thôn Kon Hra Ktu (xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum) cứ 3 lần 1 tuần vào khoảng đầu giờ chiều các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu chị lại được nhân viên bưu điện mang báo Kon Tum đến phát và 1 tháng 3 lần chị được cấp báo ảnh nữa. Sau khi nhận báo, chị tranh thủ đọc, thấy nội dung nào thiết thực, hay, phù hợp thì ghi lại trong sổ để đến sáng thứ Hai lúc chào cờ tuyên truyền cho bà con trong làng.
Y Hnhưm chia sẻ: Thông qua đọc báo mình mới nắm bắt được các vấn đề thời sự, định hướng của Đảng, Nhà nước, sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn tỉnh để có thể truyền đạt lại cho bà con biết, nhất là với những vấn đề như thực hiện Luật Giao thông đường bộ, hôn nhân gia đình, bạo lực trẻ em...; đồng thời nêu những gương người tốt, việc tốt, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để bà con tham khảo, áp dụng trong làng mình.
|
Ở làng Kon Hra Ktu, không chỉ nghe cán bộ đọc báo rồi phản ánh lại mà nhiều người còn trực tiếp tới nhà xin và tìm đọc báo. Theo lời Y Hnhưm, chị cứ đọc báo xong là bà con hàng xóm lại hỏi xin, chuyền tay nhau xem.
Cũng như ở làng Kon Hra Ktu, ở các thôn, làng của xã Sa Bình, báo Kon Tum cũng đã trở thành người bạn đồng hành trong cuộc sống của người dân, góp phần nâng cao về kiến thức, giúp định hướng về nhận thức, tư tưởng, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần.
Khi báo được cấp về các thôn, thôn trưởng, già làng và những cán bộ mặt trận, đoàn thể sẽ chuyền tay nhau đọc, sau đó họ sẽ phổ biến, tuyên truyền lại cho bà con trong thôn, làng mình. Với những vấn đề hay, mô hình làm kinh tế hiệu quả, những kiến thức mới trong sản xuất nông lâm nghiệp, những cách thức xây dựng bảo vệ đời sống văn hoá, tinh thần luôn được các cán bộ thôn truyền đạt kỹ lưỡng và được người dân rất quan tâm.
Chủ tịch UBND xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) - Nguyễn Minh Thuận cho rằng: Báo chí, đặc biệt là báo Đảng có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, giúp người dân, nhất là giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giảm nghèo. Đồng thời, báo là kênh thông tin quan trọng để tuyên truyền, cổ vũ, định hướng người dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp của văn hóa truyền thống, vận động bà con xây dựng cuộc sống mới, xóa bỏ những hủ tục, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Chưa kể, đọc báo còn giúp một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với vốn từ ngữ phong phú hơn, tiếng Việt chuẩn xác hơn...
Không chỉ ở Chư Hreng hay Sa Bình, mà ở hầu hết các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, người dân đều rất trân trọng, nâng niu các tờ báo Kon Tum. Nói như thôn trường A Nghĩu (làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy): Báo đã mở ra cả một thế giới mới với biết bao thông tin, bao kiến thức, bao điều hữu ích hay để tôi biết, tôi học rồi tôi nói lại với bà con. Nếu không có báo chí thì cái nhìn của mình cũng như người dân ở đây chỉ bó hẹp trong phạm vi làng mình, xã mình; làm sao biết được sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác ra sao, làm sao nắm bắt được chính sách, pháp luật của Nhà nước, không thể tiếp cận được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật... Thế nên, dân mình rất yêu thích các tờ báo của tỉnh mình.
Theo đánh giá của bạn đọc, báo Kon Tum ngày càng có nhiều nội dung phong phú, định hướng rõ ràng, phản ánh đúng vấn đề thời sự của tỉnh, hơi thở của cuộc sống. Báo cũng vừa phản ánh, nêu những kinh nghiệm tốt, những cách làm hay trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa phát hiện và cảnh báo những vấn đề bất cập, nổi cộm trong xã hội để các cấp, các ngành chức năng nắm bắt và kịp thời điều chỉnh. Riêng với đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài ấn phẩm báo Kon Tum thường kỳ và báo cuối tuần, báo ảnh có vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Các thông tin trên báo ảnh với dung lượng ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm theo; nội dung cô đọng, có bản dịch tiếng Ba Na, Xê Đăng nên rất phù hợp trình độ, bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số... Mỗi số báo thực sự là món ăn tinh thần của người dân mang lại thông tin bổ ích, đúng đắn để người dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; khơi dậy trong mỗi người dân ý thức tự giác vươn lên, tương trợ lẫn nhau, đoàn kết xây dựng cộng đồng dân cư no ấm, tiến bộ.
Có thể nói, Báo Kon Tum đã và đang là người bạn đồng hành trong đời sống văn hoá, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, để Báo Kon Tum tiếp tục với sứ mệnh là nhịp cầu ý Đảng, lòng dân, ngoài nỗ lực của đội ngũ những người làm báo thì một trong những điều không kém phần quan trọng đó là việc nâng cao hiệu quả công tác phát hành báo ở cơ sở để đưa thông tin đến với người dân một cách kịp thời nhất, hiệu quả nhất.
Thuỳ Hương