20/10/2018 07:53
Với vườn rau thủy canh chỉ rộng khoảng 400m2 nhưng mỗi tháng đem lại cho chị Nguyễn Thị Hiệp ở thôn 2, thị trấn Sa Thầy 6 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Với chị Hiệp, buôn bán là chính, trồng rau thủy canh chỉ phụ thêm nhưng khoảng 2 năm nay, chính nghề phụ này đã giúp cuộc sống gia đình chị thêm khấm khá.
Cách đây 3 năm, qua sách vở, internet, nhận thấy việc trồng rau thủy canh phù hợp với nơi ít quỹ đất và có thể mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình có nguồn rau sạch để đảm bảo sức khỏe nên vợ chồng chị Hiệp đã quyết định thử nghiệm mô hình.
|
“Với số vốn ban đầu bỏ ra để đầu tư cho mô hình khá lớn, hơn 200 triệu đồng, nên vợ chồng tôi cũng gặp nhiều ý kiến can ngăn. Tuy nhiên, sau khi đã tìm hiểu kỹ, hai vợ chồng vẫn quyết tâm thực hiện. Vừa làm vừa rút được kinh nghiệm, cuối cùng vợ chồng tôi cũng đã gặt hái được thành công”- chị Hiệp chia sẻ.
Trồng rau đã khó nhưng thời điểm đó do nhiều người chưa biết đến rau thủy canh nên sức mua còn yếu, vì giá thành đắt đỏ. Dần dà “hữu xạ tự nhiên hương”, người này ăn ngon đã giới thiệu người khác. Đến nay, chẳng cần ra chợ bán, cứ sáng sớm, nhiều người đã tìm đến tận nhà chị Hiệp để mua những bó cải, xà lách, rau dền… đảm bảo không thuốc, không hóa chất.
Ngắm nhìn những luống rau xanh mơn mởn, chị Hiệp nói trong niềm vui: Mỗi ngày tôi dành vài tiếng để chăm sóc vườn rau. Vườn rau tạo không gian thoáng mát, thoải mái trong gia đình, vừa tạo niềm vui và giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập kha khá. Thời gian gần đây cũng có nhiều chị em đến tham quan mô hình để học hỏi kinh nghiệm và tôi cũng rất sẵn lòng chia sẻ những gì mình hiểu biết để chị em cùng nhân rộng mô hình, tăng thu nhập cho gia đình.
Không chọn hướng trồng rau thủy canh, chị Ngô Thị Kim Liên ở thôn 4, thị trấn Sa Thầy tranh thủ thời gian sau giờ hành chính về nhà để nuôi gà bằng giun quế.
|
Chị Liên cho biết, năm 2016, với quyết tâm tìm thêm nghề phụ để giúp tăng thu nhập cho gia đình nên vợ chồng chị đã bàn bạc mua 5.000m2 đất tìm hướng chăn nuôi. Qua theo dõi chương trình “Bạn nhà nông” trên truyền hình, thấy mô hình nuôi gà bằng giun quế hay, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên vợ chồng chị quyết học theo.
“Hồi giờ chưa nuôi giun quế bao giờ nên vợ chồng tôi đã phải tìm hiểu kỹ trên mạng, qua sách báo để làm theo. Thử nghiệm nuôi giun quế được 3 tháng, thấy ổn, vợ chồng tôi mới đầu tư làm chuồng trại để nuôi gà”- chị Liên nói.
Thời gian đầu, chị Liên nhập 800 con gà ta giống (gà 1 ngày tuổi) từ một công ty giống có uy tín ở Hải Phòng về nuôi. Theo hướng dẫn của đơn vị cung ứng giống, tháng đầu tiên, chị Liên cho gà con ăn cám công nghiệp. Khi con giống hơn 1 tháng tuổi, chị mua cám bắp, ủ lên men, trộn với cỏ voi và giun quế để cho gà ăn và thực hiện việc phòng bệnh nghiêm ngặt.
Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng cộng thêm hàm lượng dinh dưỡng cao từ giun quế nên đàn gà của gia đình chị Liên phát triển nhanh. 8 tháng kể từ ngày chăn nuôi, chị Liên xuất lứa đầu tiên và đã kiếm lời được 40-50 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí.
Chăn nuôi lứa đầu thành công, chị Liên tiếp tục vệ sinh khử trùng chuồng trại và mua về 500 con gà giống để phát triển chăn nuôi lứa tiếp theo. Sau 6 tháng, lứa gà thứ 2 đã mang lại cho gia đình chị thêm nguồn lợi nhuận 30 triệu đồng… Bây giờ, chị Liên đang nuôi lứa gà thứ 4 với 700 con gà và dự kiến khoảng hơn 2 tháng nữa sẽ xuất chuồng.
“Với mức giá trung bình ngoài thị trường 100.000 đồng/kg, việc nuôi gà không tốn nhiều thời gian nhưng cho thu nhập khá ổn” - chị Liên nói.
Hiện tại, ngoài bán lẻ, chị Liên thường nhập sỉ gà cho các nhà hàng, khách sạn hoặc bỏ mối tại các chợ. Việc nuôi gà bằng giun quế, không cám tăng trọng nên được nhiều người chuộng. Về lâu dài, vợ chồng chị Liên dự định sẽ tự nhân giống, chăn nuôi khép kín để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mô hình phát triển kinh tế khá mới mẻ của chị Liên và chị Hiệp sẽ có nhiều chị em phụ nữ khác cùng học hỏi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Bài, ảnh: Bình An