Mồ hôi nhỏ xuống, công trình mọc lên

27/10/2017 07:00

​Dù cho trời dịu mát hay nắng gắt, trên gương mặt những người thợ xây (thợ hồ, thợ nề) lúc nào cũng lấm lem những giọt mồ hôi mặn chát, những vôi vữa, bụi bám... Những giọt mồ hôi của họ nhỏ xuống để có nhiều hơn những ngôi nhà mới, khang trang mọc lên...

Nhọc nhằn

Hôm mới khởi công xây dựng nhà, khi đồng hồ mới khoảng 7h kém 10, nhìn chục người thợ xây cả chính lẫn phụ đứng trước công trình, anh Phương (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cảm thấy ngỡ ngàng về kỷ luật công việc của họ.

Nhưng, đâu phải chỉ mỗi hôm đầu đó. Quan sát cả 5 - 6 tháng trời,

Người thợ xây phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy nhưng họ lại không được chủ thầu đóng bào hiểm tai nạn. Ảnh: N.P

y nào cũng vậy, mặc cho nắng cháy, mặc cho mưa bay lâm thâm, cứ đúng 7h sáng, thợ chính lẫn thợ phụ bắt tay vào làm, mỗi người mỗi việc cho đến đúng 11h trưa mới về. Và chiều lại thế, đúng 13h vào làm, 17h mới về.

 

 

8 tiếng đồng hồ luôn chân luôn tay, nhọc nhằn là vậy nhưng mức thu nhập của mỗi người cũng chưa phải là nhiều. Tùy theo tay nghề (người có tay nghề cao biết đọc bản vẽ, biết làm cốt nhà, tô trần, đóng cốt pha…; người tay nghề thấp hơn chút chủ yếu là xây, không có tay nghề là thợ phụ chủ yếu là trộn hồ, đào móng…) mà có mức tiền công khác nhau. Hiện nay, thợ phụ từ 150-200 nghìn đồng/người và thợ chính vào khoảng 240-300 nghìn đồng/người.

Nghe mức công thợ như vậy, nhiều người khen cao thế, nhẩm cả tháng 5-9 triệu đồng/người, hơn mức lương tối thiếu cho các cử nhân ra trường. Nhưng có ai hiểu rằng, mấy khi họ làm đủ trọn 30 ngày/tháng. Hôm thì trời mưa, hôm gia đình có chút việc, rồi làm quần quật giữa mưa giữa nắng vậy thì sức đâu, có khi mới làm vài ba hôm mắc trận mưa to không kịp trú, ốm đau mất mấy ngày, tiền thuốc bù vào tiền men.

Chị Thừa ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum theo nghề phụ hồ cả chục năm nay chia sẻ rằng, chị phụ hồ, chồng chị thợ xây, mỗi tháng cũng được trên chục triệu đồng. Nhưng rồi, chi phí sinh hoạt gia đình và nuôi 3 đứa con ăn học nên chẳng dư dả.

“Khổ vậy đó nhưng hai vợ chồng đều cố gắng để nuôi các con ăn học nên người. Cũng mừng là trong 3 đứa con, con gái đầu đang học cao đẳng, cậu con trai thứ hai đang học lớp 11 học rất giỏi, con gái thứ 3 đang học lớp 6” - chị Thừa chia sẻ

Khó khăn là vậy nên dù bôn ba khắp mọi nơi để xây không biết bao nhiêu ngôi nhà khang trang nhưng chính họ lại loay mãi với chuyện nhà cửa. Người thì ở nhà thuê như anh Tùng, người ở nhờ nhà bố mẹ như anh Mai, ai khấm khá hơn có ngôi nhà thì cũng chẳng thể nào khang trang nổi như chị Thừa, anh Phong...

Anh Mai ở xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum theo nghề thợ xây khi chưa đến 20 tuổi. Thâm niên hơn 15 năm trong nghề nhưng đến nay vẫn chưa xây được nhà riêng, phải ở nhờ nhà bố mẹ.

Anh kể rằng, anh cũng như những thợ xây khác đều tay ngang mà đi, đầu tiên học việc, rồi phụ hồ, dần dà học hỏi từ những người đi trước, được chủ thầu hướng dẫn thêm mà thành thợ. Để từ phụ lên thợ cũng là quá trình mất vài năm, ai sáng ý học nghề nhanh và làm nghề giỏi thì được chủ thầu tăng lương nên đều cố gắng.

Anh chị em thợ xây bảo rằng, nghề này cũng trông mưa, trông nắng như làm nông vậy. Ngày nắng mệt nhưng đỡ hơn những ngày mưa. Mùa mưa hôm làm hôm nghỉ, cả tháng kém tiền, bao nhiêu thứ phải chi tiêu, cả nhà mất vui.  Ai cũng mong sao chủ thầu kiếm được nhiều công trình để có công việc đều đặn, rồi có việc tăng ca đêm thêm chút thu nhập.

Quần quật với công việc, mức thu nhập chỉ đủ chi tiêu, đến khi đổ ốm đau phải xoay xở đủ bề. Chị Thừa kể rằng, có chị từng phụ hồ với chị nay bị ung thư. Đi khám, thuốc thang mấy lần phải xoay xở đủ nơi; nay không đủ sức nữa, mượn cũng chẳng có chỗ, đành thôi, ở nhà tự thuốc thang, kiếm lá uống xem đỡ hơn tí nào hay tí đó. Rồi như chồng chị, quần quật làm thợ xây từ thanh niên, đến khi lấy vợ cũng theo nghề, nay đã gần 45 tuổi, đau ốm nằm mấy tháng trời ở Bệnh viện Trung ương Huế, chị phải bỏ việc theo chăm. Không làm, không có tiền công, chị phải ngược xuôi vay mượn. Vừa từ Huế về, hôm sau chị đã tất tả đi gặp các chủ thầu để xin; anh Tân – chồng chị thương vợ con, chưa khỏe hẳn phải vội đi làm lại.

“Em xin đi làm lại nhà thầu ỉ ôi kêu ít việc không nhận. Còn chồng em, họ bảo sức khỏe ốm yếu vậy thì làm được gì. Cũng may anh Ngân – chủ thầu hiện tại thương tình nhận vợ chồng em vào làm. Vậy là như ân tình, vợ chồng em gắn bó với anh ấy 7 - 8 năm nay” - chị Thừa kể.

Bình, nay đã 25 tuổi ở phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum lại khác. Đi phụ hồ từ năm 18 tuổi, nay thành thợ, vừa làm vừa học hỏi thêm. Hỏi đùa khi nào cưới vợ, Bình bảo rằng, em cố gắng làm nuôi em gái học đại học xong đã mới tính chuyện lo cho mình. Với mức công như vậy, nếu không ốm đau, mưa gió nhiều, một mình em thì khỏe. Nhưng vì ba mẹ già yếu không thể nuôi em ăn học, em chi tiêu nhín nhịn, vậy mà nuôi em gái em được 3 năm học rồi.

Còn chị Y Chiếu ở xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum đi làm phụ hồ 3 năm nay. Thấy chị có thêm thu nhập từ nghề này, bà con trong làng hỏi thăm đến gặp chủ thầu xin theo. Chị còn kêu thêm 3 đứa em ruột của chị đi học nghề, phụ việc.

“Vất vả thật nhưng gặp chủ thầu nhận được nhiều công trình công việc khá ổn định. Cũng nhờ đi phụ hồ mà em mua sắm được vài vật dụng đắt tiền trong nhà, chứ trước đây làm gì có. Có chủ nhà còn thương, có nhà mới, các vật dụng cũ như tủ lạnh, máy giặt, ti vi, áo quần… đem cho. Cũ người mới mình mà, cũng đỡ lắm chị” – Y Chiếu bộc bạch.

Đâu chỉ có mồ hôi…

Đang lúi húi vác bao xi măng, sợi dây ròng rọc cùng chiếc xe rùa từ trên tầng 3 thả xuống, chị Thừa nhanh nhảu tháo chiếc xe rùa không ra, rồi móc một xe rùa khác chất đầy gạch vào ròng rọc, bấm nút đẩy ròng rọc lên. Trên cao, chị Y Chiếu đón xe rùa ngang tầm, đứng trên giá đỡ chỉ chống tạm bằng tấm ván và mấy cây bời lời hì hụi kéo…

Cả hai chị và cả những người thợ xây đang đứng trên giàn giáo tầng 3 ấy cứ mải miết với công việc mà dường như không để ý đến những hiểm nguy rình rập.

Như đã nói, những người thợ xây đều tay ngang, từ học việc lên thợ phụ rồi thợ chính. Ai có kinh nghiệm, có vốn, có mối quan hệ chuyển sang nhận thầu. Chính vì vậy, tất cả đều tuân theo “chủ nghĩa kinh nghiệm” và tự bảo vệ lấy mình là chủ yếu. Chủ thầu chỉ chuẩn bị các dụng cụ như: cuốc, xẻng, xà beng, máy dầm, máy cắt uốn sắt, giàn giáo… để phục vụ cho công việc. Khi nhận thợ, chủ thầu chỉ yêu cầu về sức khỏe, chăm chỉ và biết việc hay chưa mà thôi. Vậy nên cả chủ thầu lẫn thợ chính, thợ phụ ngoài các dụng cụ phục vụ cho công việc thì chẳng có thêm bất cứ phương tiện bảo hộ lao động nào khác.

Cứ thế, công trình này xong lại đến công trình khác, cánh thợ xây quanh năm phơi mình giữa nắng mưa, gió bụi. Nhiều người cứ thế mải miết làm, chẳng mấy quan tâm đến những giàn giáo cốp pha lắp ráp sơ sài, lơ lửng cao hàng chục mét mà không có lưới an toàn.

Anh Tùng – một thợ xây chuyên được chủ thầu phân công tô hai đầu xông nhà kể rằng, xây nhà cấp 4 còn đỡ, chứ xây nhà cao tầng lần đầu bước lên giàn giáo tô tường có người không dám đứng, nói gì đến chuyện ngắm, chuyện tô. Hãi quá đành xin bỏ nghề đi làm công việc khác.

Vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng hầu hết những người theo nghề thợ xây đều không được chủ thầu mua bảo hiểm tai nạn, nói gì đến chuyện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Dẫm đinh, tay chân chảy máu… trở thành chuyện thường ngày. Nhẹ thì băng bó tí mai lại đi làm, kẻo nghỉ là mất ngày công; nặng hơn chút thì nghỉ vài ngày; nặng nữa thì nằm viện, chủ thầu, chủ nhà hỗ trợ cho ít chi phí rồi thôi.

Dãi dầu giữa mưa nắng, ăn uống kham khổ, tiết kiệm, những ai theo nghề này đều trông già hơn so với tuổi. “Chủ nhà bữa nay thường cho tiền ăn xế vào mức khoán nên ít cho thêm ăn giữa buổi. Nhưng có nhà thấy làm vất vả nên thương vẫn mua cho ít thức ăn nhẹ. Còn có nhà cứ cho là trọn gói rồi, đến xin ít đá uống cho mát cũng chẳng có. Nhiều hôm làm mệt quá, chúng em đói run cả người. Than thở chút, chủ thầu mắng mỏ, ép công, lắm lúc thấy tủi lắm chị à” – chị Y Him, một phụ hồ ở xã Chư Hreng tâm sự.

Với tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều công trình xây dựng. Những công trình này kéo theo sự tham gia của hàng ngàn thợ xây, thợ phụ. Những giọt mồ hôi của họ nhỏ xuống, những hiểm nguy (những tưởng không quan tâm) họ phải đối mặt hầu như đều để dành cả vào cơm gạo áo tiền, vào các khoản tiền học, vào niềm hy vọng đầu tư tương lai cho con cái. Và cũng chính những giọt mồ hôi ấy nhỏ xuống còn để có nhiều hơn những ngôi nhà mới, những công trình khang trang mọc lên, góp phần xây dựng nên diện mạo của tỉnh nhà.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác