13/05/2019 06:52
“Lão bà bà” lái xe taxi
Lái xe taxi lâu nay được xem là công việc của nam giới, thế nhưng, chị Lê Thị Kim Dung - tài xế nữ duy nhất của hãng taxi Mai Linh lại là “thần tượng” của nhiều tài xế nam. Cứ nhắc đến chị, mọi người lại trầm trồ: “lão bà bà” đó lùn lùn mà lái xe siêu lắm, ngày nào cũng nườm nượp khách, doanh thu cao nhất nhì, anh em tui đọ không lại”.
Cũng vì quá đông khách nên sau nhiều lần hẹn, chị Dung mới tranh thủ được lúc bảo trì xe để gặp chúng tôi. “Mấy hôm nay toàn khách quen gọi chở đi xa nên chị không có thời gian rảnh. Họ tin tưởng mình, mình phải chở tận tình, chu đáo, như vậy mới tạo được niềm tin và giữ chân khách hàng” - chị nói.
Trước đây, chị Dung ở nhà chăn nuôi và buôn bán, tuy nhiên, vì mê lái xe nên chị quyết tâm đi học bằng lái. Tay lái cứng, chị làm hồ sơ và được hãng taxi Mai Linh nhận vào làm. “Lúc đó, cũng có nhiều người nói ra nói vào, họ bảo nữ mà lái xe taxi cái gì, chắc vô làm cho vui, vài ba hôm lại nghỉ. Mê nghề quá nên tôi gạt qua hết, tâm niệm cố gắng làm thật tốt, lái xe an toàn nhất để phục vụ khách hàng” - chị Dung tâm sự.
Khách đi taxi, trăm người trăm tính, may mắn gặp người đàng hoàng, cú chạy êm xuôi nhưng những lúc gặp khách say xỉn, người cộc tính… chị cũng phải linh hoạt xử trí văn minh, phù hợp. “Có nhiều trường hợp muốn quỵt tiền taxi, có ý đồ cướp của nhưng tôi nhanh trí đoán được và tự gỡ vây. Có trường hợp tôi vừa mới đến đón, thấy nữ lái xe, họ đã xua tay, không chịu đi. Lúc đó, tôi cũng thoáng buồn, nhưng tôi tôn trọng họ và gọi tổng đài để điều xe khác. Dù họ là ai, họ có như thế nào thì khách hàng vẫn là thượng đế. Tôi luôn dặn mình phải bình tĩnh để phục vụ chu đáo nhất có thể” - chị Dung bộc bạch.
Theo nghề lái xe, chị chấp nhận ăn, ngủ trên xe và gần như phần lớn thời gian rong ruổi trên những cung đường. Lái xe là nam đã vất vả, là nữ còn vất vả trăm bề. Nhất là đêm hôm, khi xe gặp sự cố, chị phải bình tĩnh xử lý đảm bảo an toàn cho hành khách và cho chính bản thân mình.
Không chỉ chở khách trong tỉnh, chị còn chở khách đi tận TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hà Nội… Có lần 10 giờ sáng chị đón, chở khách đi TP. Hồ Chí Minh. Vừa đến nơi, 1 giờ 30 sáng chị quay trở về Kon Tum để tiếp tục công việc. “Mọi người đặt biệt danh cho mình là “TP. Hồ Chí Minh quay đầu”, “lão bà bà” là vậy… Nhiều người ban đầu nghĩ mình lái xe “non”, nhưng bây giờ thì phục lắm rồi” - chị Dung cười.
Trách nhiệm với nghề, hơn nữa, vì cơm, áo, gạo, tiền nên chị Dung rất siêng năng. Có hôm chị chạy từ sáng sớm đến khuya muộn mới về, không có thời gian ăn trưa, nghỉ ngơi. Đầu căng như dây đàn, mắt phải làm việc liên tục, lưng mỏi, tay rã rời nhưng lúc nào chị cũng lạc quan, vui vẻ, yêu đời. Đặc biệt, mỗi khi nhắc đến gia đình, ánh mắt chị lại vui khôn tả. Chị kể: “Mình không may mắn, đổ vỡ trong hôn nhân nhưng bù lại 2 người con rất chăm ngoan, học rất giỏi. Lúc 2 cháu mới vào đại học, mình phải chạy ngày, chạy đêm để có đủ tiền cho các con đóng học phí. Làm mệt rã rời nhưng cứ nghĩ đến các con, mình lại có thêm động lực để cố gắng”.
Một thân một mình phải lo cho 2 con ăn học, chị vắt sức làm gấp đôi, gấp ba. Mồ hôi mẹ đổ xuống, giấc mơ con được ươm mầm, đến bây giờ, con trai của chị đã tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội và con gái cũng đang là sinh viên năm 3 tại một trường Đại học ở Quy Nhơn. Chị rất tự hào về 2 con và ngược lại, 2 con cũng rất tự hào, luôn khoe với bạn bè rằng mẹ theo nghề lái xe taxi.
Chị bảo, cả đời của chị, làm lụng bao nhiêu cũng chỉ để cho con; được lo cho con là niềm vui, niềm hạnh phúc của một người mẹ. “Dù có khổ thế này hay khổ hơn nữa thì tôi cũng chấp nhận, chỉ cần các con tôi vui vẻ, hạnh phúc là tôi mừng lắm rồi” - chị Dung bộc bạch.
|
25 năm làm phụ hồ
Chiều muộn, cô Cao Thị Thanh đạp chiếc xe đạp cọc cạch về để lo bữa cơm tối cho con trai. Kết thúc một ngày phụ hồ, tay chân ê ẩm, lưng đau buốt nhưng cô vẫn nở nụ cười rạng ngời: “Hôm nay, đi làm có tiền nên tôi mua thêm ít đồ ăn ngon. Công việc vất vả mà có tiền lo cho con là tôi vui rồi”.
Cô Thanh dáng người nhỏ, lưng còng. 58 tuổi, tóc của cô đã bạc hơn nửa. Vừa rồi, cơn đau nặng khiến cô phải nhập viện. Ấy vậy mà vừa xuất viện trở về, cơ thể chưa kịp hồi phục, cô đã vội vàng nhận công đi phụ hồ. Cái nghề nặng nhọc những tưởng chỉ dành cho đàn ông, vậy mà 25 năm nay lại trở thành nguồn mưu sinh, giúp cô trang trải, lo cho con trai học hành đàng hoàng.
Đúng là gian nan như nghề phụ hồ. Trưa nắng, cô loay hoay đủ việc: đẩy cát, đẩy xi măng, khuân vác gạch, trộn hồ, bốc đá… Việc này vừa xong, lại tiếp việc khác, cô cứ luôn tay luôn chân. Mặc dù tôi đã xin chủ thầu cho cô nghỉ ngơi vài phút nói chuyện, vậy mà cô cứ nóng ruột: “Cháu hỏi mau nhé! Cô nhiều việc lắm, phải tranh thủ làm cho kịp thợ xây nữa”.
Giơ đôi tay đã bị mất một đốt ngón giữa (do tai nạn nghề nghiệp) quẹt những giọt mồ hôi trên trán, cô Thanh nghẹn giọng: “Bất đắc dĩ mới phải làm cái nghề này, nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm lắm. Ngày nào cũng đẩy xe rùa cát, đẩy gạch nặng đến 40-50kg nên cô bị thoái hóa cột sống. Ban ngày đi làm vậy thôi chứ tối về đau buốt khắp người”.
|
Là mẹ đơn thân, cuộc sống của cô vô cùng khó khăn. Để đủ tiền lo cho con ăn học, bất kể mưa nắng, cô chẳng dám nghỉ ngày nào. Có thời điểm, cô còn xin làm thêm, đến 10 giờ tối mới về. “Hồi đó, đạp xe về đến nhà, cơm nước xong là hơn 1 giờ sáng, vừa chợp mắt được tí lại phải lò dò dậy lo cơm nước đi làm. Tháng đó, tôi làm được 40 công, có thêm tiền sắm sửa đồ đạc trong nhà” - cô Thanh kể.
Nhiều lúc thấy cô làm mệt, ốm yếu, thương mẹ, con trai cô bảo sẽ nghỉ học sớm để phụ đỡ đần nhưng cô nhất quyết không cho. Cô bảo, dù có đói, có nghèo, có vắt sức ra làm cũng không thể để con nghỉ học giữa chừng.
Cuộc sống vất vả, cô Thanh càng cố gắng. Dù mỗi ngày làm mệt mỏi nhưng về nhà, thấy con trai vui vẻ, khỏe mạnh, chăm ngoan là cô lại có động lực để tiếp tục. Mắt nhìn về xa xăm, cô bảo: “Sắp đến, cháu vào lớp 10, tôi đang tằn tiện, kiếm tiền mua cho nó chiếc xe để đi học. Tội nghiệp, mẹ nghèo quá nên phải thiệt thòi nhiều so với đám bạn”.
Khi được hỏi về ước mơ, cô Thanh liền cười buồn: Tôi mong sao có sức khỏe để đi làm. Nay tôi cũng lớn tuổi rồi, tôi lo sợ một ngày nào đó đau ốm, không làm được, không biết ai sẽ lo cho con.
Nói rồi, cô quệt nước mắt, tiếp tục đội mũ ra đẩy chiếc xe rùa…
HOÀI TIẾN