24/10/2017 06:00
Chị Rơ Châm Lê - Phó Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, Ban chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới, trực thuộc Ban Dân tộc tỉnh và các thành viên là Hội Phụ nữ xã Mô Rai; 2 Tổ tư vấn lưu động ở các làng, gồm: bí thư chi bộ, già làng, thôn trưởng, chi hội trưởng phụ nữ và 80 hộ dân là hội viên phụ nữ.
Theo chị Lê, năm 2011 đến nay, mô hình thí điểm về bình đẳng giới triển khai ở làng Xộp và làng Le, cán bộ cấp tỉnh đến xã định kỳ hàng tháng về nói chuyện với bà con, tuyên truyền pháp luật của nhà nước, các chính sách chế độ dân tộc, công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, giáo dục - chăm sóc và bảo vệ trẻ em, sức khỏe sinh sản và Luật Hôn nhân gia đình, trong đó nhấn mạnh về việc xử lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
|
Ban chỉ đạo và Tổ tư vấn còn động viên 80 gia đình hội viên phụ nữ ở các làng tham gia mô hình có đóng góp ý kiến, cùng xây dựng công tác tuyên truyền, sinh hoạt, thực hiện việc bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trong gia đình. Bản thân các chị cũng được hỗ trợ, tư vấn pháp lý và truyền đạt kinh nghiệm làm tuyên truyền viên thực hiện chính sách dân số, hòa giải viên trong quan hệ gia đình, đi đầu gương mẫu và vận động bà con làm kinh tế hộ, quan tâm chăm sóc nhiều hơn đến trẻ em gái…
Chị Y Bưởi - Chi hội Phụ nữ làng Le cho biết, trước năm 2011, nhiều ông chồng nghiện uống rượu, hay gây sự với vợ con và phó thác việc làm kinh tế gia đình cho vợ, trong lúc vợ có mang hoặc đang chăm sóc con nhỏ. “Tôi nhớ năm 2009, ở làng có tới 15 vụ vợ chồng hục hặc chỉ vì chuyện chồng không chịu giúp vợ việc nhà, chè chén như thế”, chị Bưởi nói.
Sau khi có mô hình thí điểm thực hiện, nhờ các cán bộ tỉnh đến xã về thường xuyên, không khí sinh hoạt của bà con ở làng rất sôi nổi, dần dà có chuyển biến theo hướng tích cực. Những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của chị em phụ nữ như, các chị gặp cảnh người chồng thường uống rượu say, không chăm lo làm kinh tế gia đình; bố mẹ có thanh thiếu nhi hư hỏng, bỏ học liên tục… được ưu tiên tư vấn, giúp đỡ. Chủ hộ là nam giới, lẫn người thân rơi vào trường hợp bạo hành phụ nữ đều được mời lên nói chuyện. Bản thân nam giới còn được thôn trưởng, già làng răn đe bằng hương ước, quy ước ở thôn gây mất trật tư …Trường hợp hộ nghèo bất hòa, nguyên nhân khó khăn đời sống do điều kiện sản xuất không có, cán bộ thôn sẵn sàng đứng ra kêu gọi họ hàng cho mượn cây con giống, vật tư sản xuất. Các em trong độ tuổi lười học, bỏ học do mất căn bản về kiến thức văn hóa, được thôn trưởng báo cáo với thầy cô ở trường và đề nghị giúp đỡ. Cứ thế, từng trường hợp và hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống của người dân dần được tháo gỡ…
Nhận xét về mô hình này, chị Y Men - Chủ tịch Hội LHPN xã Mô Rai nói: Sau 7 năm thực hiện, so với 9 thôn (làng) khác trong xã, thì người dân của làng Le và Xộp đã có nhiều mặt tiến bộ hơn. Trong đó, 391 hộ ở hai làng DTTS này đã hỗ trợ, giúp nhau làm kinh tế gia đình, với số hộ nghèo còn 69 hộ (theo tiêu chí mới về nghèo đa chiều), so với năm 2011 có 112 hộ nghèo. Đồng thời, trẻ em trong độ tuổi học phổ thông không bỏ học giữa chừng, không kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống và không tệ nạn xã hội. Nhiều chị em phụ nữ cũng được tạo cơ hội sinh hoạt, tham gia hoạt động phụ nữ, phong trào thi đua khác ngoài xã hội.
Tuy nhiên, cán bộ triển khai mô hình thí điểm trên cũng trăn trở, hiện nay công tác tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân ở hai làng tham gia các nội dung tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới có chuyển biến rõ nét. Nhưng về lâu dài, khi kinh phí triển khai mô hình tạm dừng (đến năm 2018), thì công tác phối hợp và bàn giao tiếp tục duy trì các yếu tố tích cực ở cơ sở rất khó. Do đó, tỉnh cũng sớm có cơ chế, giải pháp chỉ đạo để mô hình được nhân rộng nhiều địa phương, góp phần giảm tình trạng bạo lực giới, bạo lực gia đình và nâng cao vai trò, vị thế chị em phụ nữ.
Mai Trâm