Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN): ​Tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng dạy và học

17/10/2017 06:17

​Năm học mới (2017-2018) đã diễn ra ra hơn một tháng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn không thôi lo lắng khi con em theo học mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN).

Phụ huynh lo lắng

Chị Hoàng Nguyễn Mai Huệ (ở phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) tâm sự: Tôi có con trai đang theo chương trình học VNEN ở  một trường tiểu học ở thành phố Kon Tum có cơ sở vật chất được đầu tư mới rất khang trang. Cháu đã học chương trình giáo dục theo mô hình này được 3 năm, nhưng tôi cảm thấy vốn kiến thức cơ bản của cháu rất yếu, học càng ngày càng nhanh quên. Vốn dĩ cháu nhút nhát, nên ngại giao tiếp, tham gia ý kiến với các bạn ở lớp. Tôi thấy chương trình giáo dục mới, chủ yếu để các cháu tự tìm tòi trong khi học tập, nhưng học sinh tiểu học còn nhỏ tuổi chưa có tính tự giác, nên khả năng này ít phát huy.

Thêm ý kiến của chị Trần Lệ Nguyệt có con gái đang học lớp 9 ở một trường THCS theo chương trình VNEN: Tôi đang lo lắng con gái sẽ bị đuối, khi việc chuẩn bị bài vở theo hướng tự giác tự học. Trong khi năng lực học tập của cháu đạt ở trung bình khá hàng năm. Hơn nữa, bản thân gia đình đều làm nông quanh năm, con gái là chị lớn trong nhà đôi lúc cũng giúp bố mẹ chăm em…

Theo chị Nguyệt, nhiều lúc đi học về, con gái kêu ca các bạn trong lớp mất trật tự, nói chuyện nhiều. Lúc cô kiểm tra bài cũ, có bạn quên không chịu tự học…, cô giáo lại quay sang kiểm điểm cả lớp, thế là thời gian 45 phút trên lớp gần như trôi qua 1/4 thời gian. Chị Nguyệt phát biểu, như thế chương trình học mới có nên tiếp tục hay không, chưa kể thi chuyển cấp, liệu khi thi tuyển vào trường trung học phổ thông chung đề với các học sinh khác có ổn, có công bằng?

Một lớp học theo chương trình học VNEN. Ảnh: M.T

 

Chưa hết, nhiều phụ huynh còn lo lắng như: Tư thế ngồi học không đúng với quy định, ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống, vai và thị lực. Các cháu tiếp thu chương trình học không đồng đều, kết quả kiểm tra cuối học kỳ không khả quan (vẫn đạt điểm 5,6 nhiều). Học sinh ở lứa tuổi tiểu học không thể tự học hay tự thảo luận…Đã có mẹ của học sinh tiểu học chia sẻ: So với các bạn, cháu quá chậm. Gia đình đã phải cho cháu đi học kèm vào buổi đêm ở nhà người thân, để bổ sung kiến thức, rất vất vả và tốn kém….

Bởi vậy, nhiều phụ huynh kiến nghị, ngành GD&ĐT cần có các giải pháp tháo gỡ, tránh để những hạn chế, bất cập của mô hình ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Tập trung nâng chất lượng dạy và học    

Trước các phản ánh bức xúc của cha mẹ học sinh về chương trình VNEN, trước mùa khai giảng năm học mới, ông Nguyễn Phúc Phận - Giám đốc Sở GD&ĐT đã khẳng định, năm học này không mở rộng thêm trường lớp thực hiện mô hình VNEN. Đơn vị cũng đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT cấp huyện tuân thủ sự chỉ đạo của ngành, không thực hiện luân chuyển giáo viên cốt cán và đang tham gia giảng dạy chương trình giáo dục mới ở một số trường điểm sang các trường khác, cũng như ngược lại.

Mặt khác, các trường vốn đã có mô hình VNEN thì tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bổ sung bàn ghế phù hợp ở lớp học, giảm tải số lượng học sinh trên lớp… đảm bảo giữ vững, nâng cao chất lượng tiếp thu kiến thức học tập của các em.

Thực tế một vài cơ sở giáo dục thực hiện mô hình trường học VNEN, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên vẫn thực hiện nghiêm túc việc dạy, nâng cao chất lượng dạy học, học cho học sinh.

Tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (thành phố Kon Tum), cô Vũ Thị Vân - Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Đối với khu vực nội thành, mô hình VNEN có triển khai thuận lợi hơn. Trong đó, trường lớp được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ngày càng tốt hơn, đáp ứng cơ bản việc dạy và học. 100% giáo viên ở trường đều tham gia bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về phương pháp, mô hình giảng dạy mới. Tuy nhiên nếu có ý kiến phản ảnh của người thân học sinh về bất cập của mô hình VNEN, nhà trường sẽ tiếp thu và từng bước khắc phục phù hợp.

“Chẳng hạn như, học sinh học theo mô hình với năng lực khác nhau, tôi vẫn nhắc nhở các cô giáo đứng lớp phải chịu khó di chuyển, hỗ trợ, can thiệp giúp đỡ các em có tính nhút nhát, ít hòa đồng...” - cô Vân nói.  

Cô Vân cho biết thêm, ngoài công tác giảng dạy ở lớp, đầu năm học mới, nhà trường còn tổ chức họp phụ huynh, động viên, kêu gọi phụ huynh cố gắng phối hợp với giáo viên, học sinh trong học tập mô hình VNEN. Đây là vấn đề mà các bậc cha mẹ kêu nhiều, vì chương trình học tập của các cháu mới, khác cách học của họ ngày xưa, nên họ ngại va chạm, ngại học cùng con cái.

Còn cô Lê Thị Hồng Liên - Phó hiệu Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum cho biết: Mô hình VNEN vẫn thực hiện rất nghiêm túc ở trường. Học sinh lớp 2 - 5 vẫn theo học chương trình giáo dục mới, còn học sinh lớp 1 học chương trình tiếng Việt Công nghệ. Mỗi lớp học, nhà trường bố trí dưới 30 em, nhằm tránh sự quá tải giáo viên quản lý và các em có không gian học tập thoải mái hơn. Khuôn viên bên trong lớp cũng được trang trí, sắp xếp bàn ghế học theo nhóm phù hợp. Học sinh có thay đổi chỗ ngồi, phân công nhiệm vụ linh hoạt, liên tục tránh ảnh hưởng tư thế ngồi lâu, quan sát thụ động. Hàng tuần, học sinh còn được nhà trường tổ chức kiểm tra nhanh 5-10 phút, trên các phương diện: nghe, nói, đọc, viết kiến thức cũ đã học. Từ đó có đánh giá, theo dõi cơ bản khả năng tiếp thu kiến thức, ghi nhớ bài học của học sinh. Trên cơ sở này, có điều chỉnh, tổ chức đóng góp ý kiến, giúp đỡ giáo viên đứng lớp.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hàng tuần, tháng và quí, các trường học theo mô hình mới còn mở chuyên đề thảo luận, hỗ trợ, tư vấn, rút kinh nghiệm cho giáo viên. Cô Liên khẳng định: Hiện tại, các đơn vị giảng dạy chương trình VNEN vẫn bám sát kế hoạch, định hướng phương pháp giáo dục học sinh đã đề ra. Quá trình thực hiện của các cô giáo đều có nhà trường đồng hành, không để bất kỳ người đứng lớp nào phải “tự bơi”, thì tất yếu những cách dạy theo kiểu đối phó, hình thức sẽ không có chỗ đứng”.

Mai Trâm

Chuyên mục khác