Mô hình lớp học thông minh

21/11/2023 13:11

Sau 3 tháng triển khai, mô hình lớp học thông minh tại Trường Tiểu học - THCS Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum), bước đầu được giáo viên và học sinh đánh giá tích cực, giúp các giờ học thêm sinh động, hiệu quả, tăng kỹ năng tương tác đa chiều giữa giáo viên với học sinh và học sinh với học sinh.

Lớp học thông minh được trang bị các thiết bị hiện đại, phục vụ công tác dạy và học, như tivi thông minh, máy tính bảng, phần mềm dạy học và quản lý lớp học. Tất cả các thiết bị đều được kết nối, tích hợp đầy đủ các dữ liệu cần thiết, như sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử bộ môn theo đúng chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kho học liệu số giúp tăng khả năng tương tác trực tuyến và trực tiếp giữa giáo viên và học sinh.

Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên Trường Tiểu học-THCS Trần Hưng Đạo thực hiện mô hình lớp học thông minh từ khối 5 đến khối 9. Học sinh sẽ tiếp cận với mô hình ở những môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh, địa lý, hoá học và vật lý. Các tiết học đều diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, máy tính bảng kết nối với hệ thống dữ liệu lớp học, học sinh được tham gia tương tác với giáo viên.

Học sinh sử dụng máy tính bảng để tương tác trực tiếp và trực tuyến tại lớp học thông minh. Ảnh: NS

 

Khởi động bài học “Thủy văn Việt Nam” của môn địa lý, 31 học sinh lớp 8A, Trường Tiểu học-THCS Trần Hưng Đạo tham gia trả lời 10 câu hỏi trên hệ thống Plickers. Chỉ trong thời gian ngắn tất cả học sinh hoàn thành phần kiểm tra bài cũ, giáo viên cũng đánh giá được khả năng tiếp thu, ghi nhớ kiến thức của các em.

Bước vào bài học, thay vì đọc, viết kiến thức lên bảng để học sinh ghi chép, cô Bùi Thị Kim Ngân cho các em làm bài tập nhóm bằng hình thức quét mã QR trên phần mềm Padlet.

“Mặc dù đã sử dụng thành thạo công nghệ thông tin nhưng thời gian đầu khi chuẩn bị bài giảng cho mô hình lớp học thông minh, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn, vất vả. Bên cạnh việc lựa chọn nội dung phù hợp với kiến thức, độ tuổi học sinh, giáo viên còn phải chắt lọc thông tin để đủ dung lượng tiết dạy. Trong giờ học, giáo viên tích hợp thêm các ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin, video, hình ảnh với góc nhìn 360 độ, biên soạn và phân phát tài liệu số, phiếu bài tập trực tiếp qua máy tính bảng cho từng học sinh”- cô Ngân cho hay.

Để học sinh tiếp thu và ghi nhớ kiến thức trên lớp một cách nhanh chóng, cô Ngân tổ chức cho các em trả lời câu hỏi trên hệ thống Plicker. Chỉ cần giáo viên có điện thoại thông minh và lớp có máy tính bảng kết nối mạng Internet, mỗi học sinh sẽ được phát một thẻ in trên giấy. Thẻ của học sinh tương ứng là mã của từng em, 4 cạnh của thẻ có mã là 4 đáp án A, B, C, D. Khi các em đọc câu hỏi trên màn hình và chọn đáp án nào thì giơ cạnh có chữ đó lên trên. Tại đây, giáo viên dùng điện thoại để quét đọc đáp án của học sinh trên thẻ và tự động nạp vào hệ thống. Sau khi học sinh trả lời bộ câu hỏi, Plicker có phần hiển thị điểm, tổng hợp kết quả.

Với tiết học thông minh, em Lê Phạm Ngọc Diễm - học sinh lớp 8A hào hứng nói: “Lớp học thông minh sinh động, khác hoàn toàn với các tiết học ở lớp học truyền thống. Điều thú vị nhất là, thay vì cô hỏi và trò trả lời như các lớp học truyền thống, thì tất cả các bạn trong lớp liên tục được tham gia trả lời các câu hỏi trên máy tính bảng, chúng em thích thú lắng nghe bài giảng hơn, cạnh tranh nhau để trả lời câu hỏi, giải bài tập đạt kết quả cao nhất”.

Giáo viên và học sinh sử dụng phần mềm học tập để tương tác thông minh. Ảnh: NS

 

Theo cô Nguyễn Thị Hoàn- Hiệu trưởng nhà trường, thời gian qua, đơn vị đã đầu tư, mua sắm thiết bị thiết yếu cho phòng học thông minh và chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên. Quá trình triển khai sẽ giúp cho giáo viên, học sinh nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, tìm kiếm dữ liệu - tài nguyên trên Internet, làm việc theo nhóm. Ngoài ra, nhà trường tận dụng máy tính bảng được hỗ trợ từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” để đưa vào dạy học, tránh lãng phí.

“Thông qua mô hình này học sinh được nâng cao năng lực tin học, biết sử dụng các phần mềm làm bài tập, hỗ trợ trực quan thí nghiệm ảo. Từ đó nâng cao hiệu quả giao tiếp hai chiều giữa giáo viên và học sinh. Công tác kiểm tra, đánh giá và nhận xét sản phẩm của nhóm thuận lợi hơn và nhận được kết quả ngay. Đặc biệt, hiệu quả công tác dạy - học cũng từng bước được nâng lên”- cô Hoàn chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Vinh - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cho biết, Trường Tiểu học-THCS Trần Hưng Đạo là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai mô hình lớp học thông minh. Việc dạy và học theo cách tiếp cận mới mà lớp học thông minh giúp cải thiện sự tập trung, kích thích khả năng tư duy, say mê khám phá của học sinh. Mô hình này được kỳ vọng tạo những đột phá trong giáo dục đào tạo, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục căn bản, toàn diện.                  

Nay Săt

Chuyên mục khác