Mở cửa nhà rông Kon Klor phục vụ du khách tham quan

03/03/2019 17:00

Thực hiện chủ trương của UBND thành phố Kon Tum, từ ngày 2/2/2019 đến nay, nhà rông Kon Klor (thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi) đã được mở cửa để đón du khách đến tham quan. Kết hợp việc mở cửa nhà rông với việc triển khai các hoạt động giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống, điểm du lịch nhà rông Kon Klor đã thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Nói đến du lịch Kon Tum không thể không nhắc tới nhà rông Kon Klor và cầu treo Kon Klor (thuộc phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum). Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan tâm trong những năm qua đó là khi du khách đến thành phố Kon Tum ghé thăm 2 địa điểm này chỉ dừng lại ở việc chụp vài tấm ảnh kỷ niệm trong phút chốc sau đó lại lên xe đi về...

Tôi cũng đã từng bắt gặp sự phàn nàn của rất nhiều du khách từ xa lặn lội đến Kon Tum để tham quan nhà rông Kon Klor, biểu tượng văn hóa vùng miền và là nhà rông lớn nhất tỉnh Kon Tum nhưng không thể nào vào bên trong để tham quan mà chỉ đứng chụp ảnh từ xa và cảm thấy rất nuối tiếc.

Một điều tiếc nuối nữa cũng tại điểm du lịch này là hiện nay vẫn chưa có hoạt động giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống, trong khi đó, tại thôn Kon Klor hiện tại có rất nhiều hộ gia đình giữ nghề truyền thống làm rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm nhưng chỉ buôn bán rải rác tại nhà khiến cho du khách chưa tiếp cận được hoặc nếu có tiếp cận cũng chưa tạo được niềm tin về giá cả và chất lượng sản phẩm…

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết, trước thực trạng trên, thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, UBND thành phố Kon Tum đã cho chủ trương giao UBND phường chủ trì, phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố, Trung tâm Văn hóa-Thể thao thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng phương án quản lý và phát huy giá trị sử dụng của nhà rông văn hóa Kon Klor và nhà trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống nằm trong khuôn viên nhà rông (theo hình thức xã hội hóa).

Triển khai thực hiện chủ trương của UBND thành phố, đến nay, UBND phường Thắng Lợi cũng đã mời các đơn vị có liên quan để phối hợp xây dựng phương án. Trong thời gian chờ xây dựng phương án hoàn chỉnh trình UBND thành phố phê duyệt, để đảm bảo phục vụ và giới thiệu sản phẩm đặc trưng đến du khách tham quan trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và cũng xem như một cách thử nghiệm ban đầu, UBND phường đã đề nghị UBND thành phố cho chủ trương triển khai mở các gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công truyền thống, rượu cần; giới thiệu và dịch vụ ẩm thực gà nướng, cơm lam; gian hàng nước uống phục vụ khách tham quan.

Du khách thuê trang phục thổ cẩm chụp ảnh lưu niệm tại nhà rông Kon Klor

 

Được sự thống nhất của UBND thành phố Kon Tum, những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhà rông Kon Klor đã chính thức được mở cửa để phục vụ du khách đến tham quan.

Theo phản ánh của ông Lưu Thảo Nguyên - Chủ khách sạn Kon Klor, đơn vị được UBND phường Thắng Lợi chọn triển khai thực hiện thử nghiệm các hoạt động tại nhà rông Kon Klor, trong những ngày trước, trong và sau Tết, nhà rông Kon Klor đã thu hút khá đông du khách đến tham quan. Du khách rất phấn khởi khi nhà rông Kon Klor được mở cửa cho khách vào tham quan. Vì là công trình văn hóa cộng đồng nên du khách đến đây ai nấy đều rất ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ nhà rông và cảnh quan môi trường. Đơn vị nỗ lực đầu tư một số cơ sở vật chất như dựng cổng nhà rông, khu trưng bày các gian hàng bằng các vật liệu tre nứa theo truyền thống và cũng đã kêu gọi, giúp đỡ 4 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống như rượu cần, thổ cẩm, cơm lam, gà nướng của các nghệ nhân ở làng Kon Klor vào tham gia. Trên tinh thần hướng dẫn, giúp đỡ bà con làm du lịch nên tất cả các khoản đầu tư tại đây đơn vị đều không tính phí.

Chị Y Thoai - chủ gian hàng rượu cần và dệt thổ cẩm trong khuôn viên nhà rông Kon Klor chia sẻ: “Việc kêu gọi các hộ dân làm nghề truyền thống trong thôn vào giới thiệu sản phẩm du lịch trong khuôn viên nhà rông Kon Klor thật ý nghĩa, giúp bà con có nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, truyền thống của đồng bào Ba Na, qua đây giúp bà con giữ nghề truyền thống tốt hơn. Mong sao trong thời gian tới việc làm này sẽ được tạo điều kiện duy trì để nhà rông Kon Klor trở thành điểm đến thu hút nhiều khách du lịch”.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhà rông Kon Klor là công trình văn hóa của cộng đồng nên đi kèm với việc phát huy giá trị sử dụng của nhà rông văn hóa Kon Klor và nhà trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống nằm trong khuôn viên nhà rông, phường Thắng Lợi đặc biệt quan tâm chỉ đạo đơn vị triển khai thí điểm làm tốt công tác quản lý thời gian mở cửa, quản lý nhà rông để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ; triển khai thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc quản lý, sử dụng nhà rông trên địa bàn tỉnh (Công văn 3358/UBND-KGVX ngày 12/12/2017). Về lâu dài, sau khi phương án được phê duyệt và triển khai thực hiện, nếu cá nhân, tổ chức nào chính thức được chọn thực hiện công việc này phải có cam kết chặt chẽ trong vấn đề phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Thanh Mân - Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, việc mở cửa nhà rông Kon Klor phục vụ du khách đến tham quan gắn với hoạt động giới thiệu các sản phẩm du lịch Kon Tum tại nhà rông Kon Klor là hết sức cần thiết, nhưng để việc làm này có thể duy trì, phát huy và mang lại hiệu quả cần phải có phương án phù hợp, nhất là vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; việc đầu tư cơ sở vật chất; tổ chức các hoạt động giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống...

“Mặc dù trên tinh thần xã hội hóa, nhưng nhà rông là công trình của cộng đồng nên phải làm sao phát huy được tính cộng đồng trong việc nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; không tác động làm phá vỡ không gian văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan nhà rông sạch đẹp là hết sức quan trọng” - ông Nguyễn Thanh Mân nhấn mạnh.

Theo đó, sắp tới, thành phố chỉ đạo phường Thắng Lợi trên cơ sở các hoạt động thử nghiệm thành công sẽ quy hoạch, sắp xếp lại các khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống phù hợp; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các hộ gia đình làm nghề thủ công truyền thống sinh sống tại địa bàn thôn Kon Klor có năng lực và tâm huyết phối hợp với phường để đưa các sản phẩm truyền thống trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại nhà rông, vừa giúp bà con xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm truyền thống, vừa tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Để quản lý các hoạt động tại nhà rông được tốt, thành phố cũng đã hướng đến việc gắn trách nhiệm của chính các hộ dân trong thôn đăng ký kinh doanh dịch vụ, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống tại nhà rông tham gia quản lý, bảo vệ nhà rông hoặc theo hình thức kinh doanh các hoạt động có thu phí như tổ chức biểu diễn tiết mục văn nghệ cồng chiêng, đốt lửa trại, múa xoang về đêm để phục vụ du khách sau đó trích kinh phí để thuê người bảo vệ.

Với bà con dân làng Kon Kor, nhà rông chính là công trình của bà con dân làng và được xem như hồn cốt của làng nên ai nấy đều nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ và phát huy.

          Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác