22/06/2020 13:02
Còn nhớ, chiều 8/3, ngay sau khi có thông tin tiến hành cách ly tập trung 2 trường hợp ở xã Hòa Bình (TP Kon Tum) và cách ly tại nhà một số lái xe, hành khách đi chung chuyến xe với 2 trường hợp trên, người dân ở các địa phương trong tỉnh đã đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm dự trữ. Khi đó, một số mặt hàng lương thực thực phẩm, đặc biệt là mì tôm không chỉ bị đẩy giá lên cao mà còn cháy hàng, kiểu có tiền cũng không mua được. Chưa hết, chiều 31/3, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19, tình trạng trên lại một lần nữa tái diễn…
Khi đọc bài báo phản ánh cảnh bán – mua thịt heo ở một chợ huyện trong ngày 9/3, chẳng biết ngon dở thế nào đã hết vèo trong nháy mắt, thì đến ngày 10/3, chợ vắng, người mua lác đác, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự hoang mang, thiếu tìm hiểu, kiểm chứng thông tin của một số người dân. Và khi nhìn bức ảnh đường Lê Hồng Phong đoạn ở khu vực Trung tâm thương mại tỉnh chiều 31/3 nườm nượp người, xe như ngày 30 Tết nguyên đán được báo chí, mạng xã hội đăng tải, ai nấy chen nhau mua, đèo bòng đủ các loại hàng hóa, ước chừng khuân vác về nhà được nhiều hơn có thể, nhiều người lại một lần nữa không thể không giật mình…
Cho tới hôm nay, một chị từng ở trong “đội quân” chen lấn mua hàng những hôm đó khi nhắc lại có chút tiếc nuối, ngượng ngùng. Chị thú thật: Khi đó đang “thấm đẫm” bởi những tin đồn - không chỉ dừng lại ở dạng truyền miệng mà còn được chia sẻ, lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Mà có phải như tin đồn đâu, sau đó qua đọc báo, nghe đài mình hiểu ra và thực tế cũng đã chứng minh, nhịp sống vẫn diễn ra bình thường, lương thực thực phẩm ở các chợ, cửa hàng, siêu thị… vẫn ăm ắp. Chỉ có nhà mình đến tận giờ gạo, mì tôm… vẫn còn; ăn gạo để lâu quá, chồng, con còn chê mất đi vị ngon, thơm.
Hiện nay, mỗi người dùng mạng xã hội đều trở thành một “nhà báo công dân” và mọi người đều có thể là người đầu tiên biết thông tin (trước đây, nhà báo thường là người đầu tiên biết thông tin), thì việc tiếp nhận, xử lý thông tin là vấn đề đáng lưu tâm. Với lượng thông tin ngồn ngộn, tốt có, lành mạnh có, chuẩn xác có, xấu có, thiếu chuẩn xác theo kiểu “thấy cây mà không thấy rừng” có, thậm chí không có chút nào sự thực vì đó là sản phẩm của trí tưởng tượng nhằm mục đích câu like cho vui cũng có…, nếu người tiếp nhận thông tin thiếu đi sự tỉnh táo sẽ dễ dẫn đến hoang mang, có biểu hiện thiếu chuẩn mực, lệch lạc về nhận thức, hành vi.
Bởi vậy, trong đại dịch Covid -19, trước thông tin truyền miệng hoặc đăng tải trên mạng xã hội kiểu: Toang rồi các bác ạ, đã có 2 người cách ly; mua trữ hàng đi kẻo không có mà dùng… đã được một số người hoặc chủ động có dụng ý, trục lợi, hoặc vô tình tiếp tục loan tin, vô tình tiếp tay cho những thông tin chưa được kiểm chứng bao phủ diện rộng hơn và đẩy sự việc đi xa hơn. Hệ lụy của kiểu tin đồn thiếu kiểm chứng trên dẫn đến tình trạng hơn một lần người dân trên địa bàn tỉnh hấp tấp chen lấn mua, tích trữ lương thực thực phẩm. Họ chẳng cần biết thông tin đó đúng hay sai, bản thân mình làm như vậy có ảnh hưởng đến bao nhiêu người khác không, chỉ miễn sao nhà mình dư thừa lương thực thực phẩm, có thể dùng dần trong một thời gian dài là được…
|
Không để sự việc kéo dài, cùng với các cấp, các ngành, báo chí nói chung, báo chí trên địa bàn tỉnh nói riêng đã kịp thời phát huy vai trò định hướng dư luận xã hội, làm chủ thông tin. Nhà báo cũng xem những thông tin kiểu truyền miệng, thông tin lan truyền trên mạng xã hội như một nguồn tin. Nhưng, không phải theo kiểu, thấy sao phản ánh vậy. Bằng trách nhiệm và bản lĩnh của người làm báo, từ tiếp nhận thông tin ban đầu, đã tiến hành xác minh, xử lý nguồn tin, phản ánh một cách chính xác. Còn gì ấm lòng hơn khi trong đại dịch Covid-19, nhiều tin, bài, ảnh cập nhật kịp thời, minh bạch các trường hợp cách ly có xét nghiệm âm tính, các bệnh nhân dương tính được điều trị khỏi; cách thức phòng bệnh; phân tích, phản ánh về tâm lý đám đông khi đổ xô mua hàng; phỏng vấn ngành chức năng để người dân hiểu, biết nguồn lương thực, thực phẩm luôn đảm bảo, không để xảy ra tình trạng khan hàng, nâng giá; sự hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ; những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp của các tập thể, cá nhân kịp thời hỗ trợ cho những người trên tuyến đầu chống dịch, những mảnh đời khó khăn trong đại dịch Covid -19…
Người dân nhờ đó đã phần nào giải tỏa được những băn khoăn, trăn trở kiểu tâm lý đám đông, không để những thông tin xấu kéo dài và ngày một lan rộng. Người dân bình tĩnh, tiếp nhận chọn lọc hơn và có ý thức kiểm chứng bằng cách đón đọc thông tin được đăng tải trên các trang báo chính thống. Người dân cũng nhận ra, cùng với việc không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh thì cũng không nên hoang mang tới mức đổ xô đi mua cùng lúc vài thùng mì tôm, vài chục cân gạo, hàng triệu đồng tiền thịt, tiền cá để chất đầy trong tủ lạnh...
Rõ ràng, tiếp nhận thông tin là một chuyện, xử lý thông tin lại là một chuyện khác. Xu hướng tiếp nhận thông tin kiểu “thấy cây không thấy rừng” rồi hấp tấp phán xét, hấp tấp hành động sẽ dễ có các biểu hiện lệch lạc về hành vi, khó kiểm soát. Những lúc như vậy rất cần thông tin chính xác, kịp thời để định hướng dư luận. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19 vừa qua là ví dụ điển hình. Trong bối cảnh đó, báo chí nói chung, mỗi một nhà báo nói riêng bằng mệnh lệnh của trái tim đã không quản ngại khó khăn, xông pha ở khắp mọi nơi, mọi lúc để có những thông tin chính xác nhất, kịp thời nhất, thực hiện tốt nhất vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của một người làm báo.
Nguyên Phúc