Màu áo xanh giữa đại ngàn biên giới

08/10/2018 07:17

​Cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, Bộ đội Biên phòng còn tham gia giúp đồng bào các xã biên giới phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới, thoát nghèo bền vững…

Sau khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại (năm 1991), đời sống đồng bào các dân tộc trên biên giới còn rất nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Trước tình hình đó, mặc dù Bộ đội Biên phòng Kon Tum cũng vừa mới được thành lập (tháng 8/1991), nhưng với tình cảm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động tham mưu giúp người dân ở các xã biên giới phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Với tinh thần đó, từ năm 1991 đến nay, màu áo xanh của người lính Biên phòng luôn hiện diện trên khắp các nẻo đường biên giới xa xôi. Những người lính mang quân hàm xanh đã về tận các thôn, làng hẻo lánh giữa ngút ngàn biên cương để hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc có chuồng trại; hướng dẫn nhân dân ăn chín uống sôi, vệ sinh nhà cửa, thôn xóm; hướng dẫn và giúp dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao... giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bộ đội Biên phòng đã xây dựng nhiều mô hình, phong trào với mục tiêu hướng đến là giúp người dân phát triển kinh tế bền vững và tham gia bảo vệ biên giới như mô hình xây dựng thôn, làng “No đủ, vững mạnh, an toàn”; giới thiệu đảng viên tham gia sinh hoạt với chi bộ thôn, làng và giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn thoát nghèo; trồng lúa nước hai vụ; chương trình: quân dân y kết hợp; phối hợp dạy xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; kết nghĩa đồn - trạm và thôn - bản hai bên biên giới; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”... với hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân trên địa bàn 13 xã biên giới tham gia.

Đại tá Lê Minh Chính - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ: Ngoài tham gia, hướng dẫn giúp người dân đảm bảo cái ăn, cái mặc, Bộ đội Biên phòng còn quan tâm đến việc làm sao để đảm bảo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở các xã biên giới. Vì vậy, các đơn vị Biên phòng đứng chân trên địa bàn các xã biên giới, bằng nhiều hình thức khác nhau, đã tích cực tham gia các hoạt động đưa văn hóa, thông tin về cơ sở, phát huy cụm loa truyền thanh ở các đồn Biên phòng và các thôn, làng biên giới, kịp thời đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; đồng thời chuyển tải các chương trình văn hóa văn nghệ, pháp luật, khoa học kỹ thuật vào đời sống của người dân để vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc trên biên giới đối với Đảng, Nhà nước.

Nhiều năm qua, hình ảnh “người thầy giáo”, “thầy thuốc”, “những chiến sĩ tuyên truyền văn hóa”... mang quân hàm xanh đã được đồng bào các dân tộc trên biên giới hết lòng tin yêu quý mến.

Bộ đội Biên phòng giúp người dân xã Bờ Y dọn dẹp vệ sinh thôn làng. Ảnh: Đ.N

 

Tính riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã tham gia 1.675 ngày công lao động để giúp dân sản xuất, chăm sóc, thu hoạch các loại cây trồng, vệ sinh thôn, làng, nhà văn hóa… Các đơn vị Biên phòng đứng chân trên các xã biên giới còn trực tiếp phát quang, sửa chữa 21 km đường liên thôn; nạo vét 25,5 km kênh mương thủy lợi; thu hoạch, chăm sóc trên 23,5ha hoa màu; xây dựng mới 30m2 chuồng trại nuôi heo (mô hình giúp dân của Đồn Biên phòng Sa Loong); khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.267 lượt người…

Ngoài ra, trong dịp tết cổ truyền năm 2018, các đồn Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương 13 xã biên giới, tổ chức thành công chương trình “Ngày hội bánh chưng xanh cho người nghèo nơi biên giới”. Bằng nguồn kinh phí tăng gia sản xuất của mình, các đơn vị Biên phòng đã tặng 2.294 cặp bánh chưng, trị giá 210 triệu đồng; trong chương trình “Nâng bước em tới trường” đã trao các phần quà tổng giá trị 441 triệu đồng cho 76 em học sinh (trong đó có 6 em phía ngoại biên đối diện); nhận đỡ đầu 2 cụ già cao tuổi mỗi tháng 200.000đ/người; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khởi công xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa, 2 mái ấm tình thương tại 2 huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy...

Mới đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 và đã được triển khai thực hiện ở 5 xã biên giới. Theo đó, phụ nữ ở 5 xã này được các đơn vị kết nghĩa, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 1 ngôi nhà tình thương, 10 bộ quần áo học sinh, 10 nhà vệ sinh, 10 xe đạp cho học sinh nghèo và 1 con bò giống với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng.

Ngoài ra, các đơn vị Biên phòng còn chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”,  tổ chức phát động hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đem lại hiệu quả cao ở các xã biên giới…

Những việc làm thiết thực của những người lính mang quân hàm xanh ở giữa đại ngàn biên giới đã trở thành chiếc cầu nối vững chắc giúp củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và Bộ đội Biên phòng. Và cũng chính sự hy sinh thầm lặng ấy đã giúp bà con đồng bào ở các xã biên giới phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương biên giới ngày càng giàu đẹp và cùng với lực lượng Biên phòng bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc…

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác