Mặt trận các cấp phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

30/12/2018 06:59

​Cuối năm 2018, UBMTTQVN tỉnh đã tổng kết và khen thưởng 11 tập thể có nhiều thành tích xuất sắc sau 5 năm triển khai Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI). Trong đó, UBMTTQVN huyện Kon Rẫy và UBMTTQVN thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) là hai đơn vị có nhiều kinh nghiệm, sáng kiến tham gia giám sát, phản biện xã hội tiêu biểu, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh.

Tạo đồng thuận, đoàn kết trong dân

Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, UBMTTQVN thị trấn Đăk Hà đã có nhiều hình thức giám sát, phản biện xã hội gắn với thực tế đạt hiệu quả cao.

Bà Trần Thị Mai – Phó Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Đăk Hà, kiêm Trưởng Ban Thanh tra nhân dân, Trưởng Ban Giám sát đầu tư cộng đồng nói: Muốn làm tốt công tác giám sát, phản biện đạt hiệu quả, cán bộ đảm nhiệm chức vụ công tác Mặt trận và thành viên các Ban của Mặt trận cấp xã phải là người uy tín, do bà con tín nhiệm giới thiệu và cấp trên xem xét, thống nhất. Đồng thời, cán bộ Mặt trận phải lắng nghe nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng thiết thực từng công tác xây dựng Đảng, đến chính quyền.

Với cách làm như thế, 5 năm qua, Mặt trận thị trấn Đăk Hà đã có 28 thành viên của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thị trấn đến từ 15 tổ dân phố, thôn làng có trách nhiệm, tận tâm công tác được giao. Các thành viên hệ thống Mặt trận khu dân cư đã tham gia tích cực tuyên truyền, lấy ý kiến và vận động nhân dân bê tông hoá tổng chiều dài 4,87km, đối với các tuyến đường giao thông trên địa bàn khu dân cư. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện các công trình này 3,4 tỷ đồng, bao gồm từ hỗ trợ của Nhà nước 2,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1 tỷ đồng. Sau thời gian thi công, các công trình bê tông hóa giao thông đều được đánh giá hoàn thành đúng theo thiết kế ban đầu, đáp ứng đi lại và không có khiếu nại, khiếu kiện trong nhân dân.

Trao Bằng khen của UBMTTQVN tỉnh cho đại diện các đơn vị thực hiện xuất sắc Quyết định số 217 và Quyết định số 218. Ảnh: M.T

 

Năm 2017, UBMTTQVN thị trấn còn được nhân dân đánh giá cao trách nhiệm giám sát về tình trạng thu chi nguồn xã hội hóa giáo dục ở trường học. Trước đó, bà con phản ánh khá gay gắt, đề nghị thanh kiểm tra về mức thu xã hội hóa ở trường học chưa thỏa đáng, với nhiều nơi thu khác nhau trên cùng địa bàn thị trấn và việc chi tiêu khoản này chưa phù hợp, chưa thông qua ý kiến đa số phụ huynh.

Sau khi nắm thông tin từ nhân dân, Mặt trận thị trấn có đoàn giám sát tại 8 trường ở địa phương về thực hiện quy chế dân chủ và công tác thu chi các nguồn quỹ xã hội hóa giáo dục. “Sau gần 1 tháng kiểm tra, giám sát, đoàn có kết luận đúng phản ánh của nhân dân, có trường học thực hiện nguồn kinh phí xã hội hóa chưa có sự chỉ đạo của các cấp; thủ tục hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán tài chính mục xã hội hóa chưa đúng theo quy định. Từ các tồn tại này, UBMTTQVN thị trấn đã đề xuất và được Đảng ủy, UBND thị trấn thống nhất dừng thu nguồn xã hội hóa giáo dục ở trường học năm 2017 đến nay”, bà Mai chia sẻ câu chuyện Mặt trận thị trấn tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh chính đáng từ nhân dân.   

Hiệu quả hơn nữa, năm 2018, qua công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận đối với công trình xây dựng Trạm Y tế thị trấn Đăk Hà chưa phù hợp thực tế, các cấp, các ngành đã về lắng nghe ý kiến đóng góp, có sự điều chỉnh hồ sơ thiết kế xây dựng đáp ứng điều kiện địa phương.

Cụ thể, tháng 3/2018, công trình Trạm Y tế thị trấn được khởi công, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thị trấn đã tiến hành giám sát và phát hiện hồ sơ thiết kế công trình bị chủ dự án cấp tỉnh “bỏ quên” khảo sát, lấy ý kiến ban đầu nền móng cốt của Trạm chỉ cao mức 0,45m, trong khi địa hình thực tế vùng này thấp trũng sâu 0,5m và mùa mưa thường bị ngập úng cục bộ, không có lối thoát nước.

Bà Mai nói: “Bằng thực tế báo cáo của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư công địa phương, Thường trực Mặt trận thị trấn đã có báo cáo cho Đảng ủy thị trấn, UBND huyện Đăk Hà kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét, Ngay sau đó, kiến nghị của Mặt trận đã được các đơn vị liên quan khảo sát lại, điều chỉnh xây dựng nền móng công trình lên 0,75 m. Đến nay, Trạm Y tế thị trấn đã hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào hoạt động”.

Nâng cao vai trò, uy tín Mặt trận ở cơ sở

Đóng góp xuất sắc trong công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua còn có UBMTTQVN huyện Kon Rẫy.

Ông Huỳnh Minh Trung – Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN huyện Kon Kẫy khẳng định, 5 năm qua, hệ thống Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở 7 xã và thị trấn Đăk Rve đã thực hiện tốt công tác đổi mới, nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội, đưa những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng tích cực hơn.

Cụ thể giai đoạn 2013 - 2018, hệ thống Mặt trận trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã chủ trì 20 cuộc giám sát chuyên đề; phối hợp với phòng ban, thành viên tổ chức đoàn thể thực hiện 87 cuộc giám sát đa ngành, đa lĩnh vực ở cơ sở; các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện 95 cuộc giám sát; tổ chức góp ý đạt hiệu quả cao 103 dự thảo văn bản và 3 hội nghị góp ý, phản biện xã hội...

Chẳng hạn như giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, năm 2018, Thường trực UBMTTQVN huyện Kon Rẫy đã tiến hành ở 56 khu dân cư, thời gian kéo dài gần 1 tháng. Kết quả giám sát, 100% khu dân cư đều có tổ hòa giải hoạt động, hòa giải trực tiếp thành công 51/57 vụ việc phát sinh trên địa bàn - chủ yếu là tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình. Công tác giải quyết tốt hòa giải từ cơ sở, đã giúp chính quyền địa phương ổn định trật tự khu dân cư, đảm bảo an ninh trên địa bàn. Mặt khác, không để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu kiện, khiếu nại của người dân vượt cấp lên huyện, tỉnh.

Tuy nhiên, từ công tác giám sát, Ủy ban MTTQVN huyện đã báo cáo Huyện ủy, UBND huyện Kon Rẫy chỉ đạo rà soát, khắc phục một số tồn tại công tác hòa giải cơ sở như: công tác kiện toàn nhân sự chưa kịp thời; việc thực hiện chi hỗ trợ hoạt động các tổ hòa giải ở cơ sở còn chậm; lưu trữ hồ sơ vụ việc chưa khoa học, chưa đảm bảo theo quy định; kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải đến hòa giải viên, nhân dân trên địa bàn chưa được chú trọng, nên vẫn có vụ việc hòa giải ở khu dân cư chưa giải quyết thấu đáo.

Nổi bật hơn nữa, năm 2017, UBMTTQVN huyện Kon Rẫy thực hiện công tác giám sát, tham mưu địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, thực hiện quy định pháp luật an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể tháng 8/2017, đơn vị đã tổ chức chuyên đề giám sát thực hiện công tác trên ở 7 xã, thị trấn Đăk Rve, với thời gian kiểm tra gần 1 tháng, tại 387 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm, các điểm bán hàng quy mô nhỏ và vừa tại khu dân cư.

Từ các hoạt động giám sát, một số xã và thị trấn Đăk Rve được nêu “đích danh” cần khắc phục hạn chế như: Tăng cường công tác quản lý, vệ sinh môi trường khu vực trung tâm thương mại thị trấn, khu vực chợ; tổ chức sắp xếp lại các quầy hàng chưa khoa học, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, giữa việc bố trí các quầy hàng thực phẩm tươi sống xen kẽ (hoặc bố trí quá gần) nơi kinh doanh thực phẩm đã chế biến chín. Mặt khác, công tác xử lý các chủ hộ kinh doanh thực phẩm ở địa phương chưa nghiêm, không đưa người giúp việc đi tập huấn, khám sức khỏe định kỳ; chưa ký cam kết kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ông Trung cho biết, thông qua các công tác trên, Mặt trận huyện đều có báo cáo Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo. Theo đó, một số cơ quan, đơn vị được nhắc đến các sai sót, tồn tại đã kịp thời vào cuộc, tăng cường công tác quản lý lĩnh vực chuyên môn được giao tích cực hơn.

Từ hiệu quả giám sát và phản biện xã hội tích cực của hệ thống Mặt trận và tổ chức đoàn thể ở thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) và huyện Kon Rẫy trong 5 năm qua, đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương. Những mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm được người dân gìn giữ, đoàn kết yên tâm lao động sản xuất, góp phần thi đua cùng các cấp xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng phát triển.

Mai Trâm

Chuyên mục khác