Mát lành dưa rẫy

05/08/2023 06:56

Mùa này, đến Kon Tum, bạn có thể thưởng thức một loại cây trái rất độc đáo, ăn một lần sẽ nhớ mãi cái vị mát lành, giòn, ngọt- đó là dưa rẫy.

“Trên chặng đường gió bụi, bỗng bên đường xuất hiện một cái sạp bằng tre nứa đập dập, che một cây dù, bên trên sạp xếp đầy những trái dưa rẫy to bằng bắp tay, vỏ xanh điểm vàng bắt mắt và tươi mát như mời gọi. Lúc này, còn gì thú vị bằng việc dừng chân để thưởng thức, để đắm mình trong cảm giác mát lành, giòn ngọt, thoảng hương vị núi rừng của những trái dưa”.  

Một người bạn từ phương xa tới đã viết như vậy, khi được ăn dưa rẫy!

Mùa này, đến Kon Tum, bạn có thể thưởng thức một loại cây trái rất độc đáo, ăn một lần sẽ nhớ mãi cái mát lành, giòn, ngọt- đó là dưa rẫy.

Anh A Phát (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) cho biết, không biết giống dưa này có từ khi nào, nhưng từ khi sinh ra, lớn lên ở làng, anh đã thấy giống dưa này. Mỗi khi đi rẫy, bà con thường hái ăn vừa chống đói, vừa đỡ khát nước.

Một sạp hàng bán dưa rẫy bên đường. Ảnh: S.C

 

Đúng với tên gọi, dưa rẫy chỉ thích hợp trồng trên… đất rẫy, thường được xuống giống vào khoảng từ tháng 3 hoặc tháng 4 (tùy điều kiện thời tiết) hàng năm. Khi vừa đốt rẫy xong và những cơn mưa đầu mùa vừa đến, đất  rẫy được phủ một lớp tro màu mỡ, bà con tiến hành xuống giống các loại cây trồng như lúa rẫy, bắp, mì và không quên chọc lỗ thả những hạt giống dưa rẫy.

Sau khi được gieo xuống đất, hạt dưa nảy mầm, cựa mình hứng những giọt mưa từ thiên nhiên, đón chút nắng trời. Chẳng cần giàn trụ, cũng chẳng cần công làm cỏ, tưới nước, bón phân, phun thuốc diệt trừ sâu bệnh, những ngọn dưa vươn ra bò dài trên mặt đất và lớn lên từng ngày, đơm hoa, kết trái.

Có lẽ vì thế mà dưa rẫy mang đậm hương vị của nắng mưa, núi rừng, không có hóa chất độc hại.

Khoảng tầm tháng 7, tháng 8 dưa rẫy cho thu hoạch quả. Có lẽ vì phù hợp với khí hậu vùng đồi núi nên dù không phải chăm sóc, phòng sâu bệnh nhưng dưa rẫy vẫn cho nhiều quả. Một số gia đình trồng nhiều dưa, ăn không hết thì mang đi bán.

Quả dưa rẫy thường có hai màu, màu xanh pha sọc (giống màu dưa leo) và màu trắng. Dưa rẫy có lớp vỏ dày, ruột đặc, nhiều nước, có mùi thơm dịu nhẹ. Mỗi khi đến mùa, bà con đi rẫy thường hái quả ăn cho đỡ cơn đói bụng hoặc khát nước. Dưa rẫy ăn ngon nhất khi dưa không non quá, cũng chưa đến độ già quá, khi ấy hạt dưa bên trong ruột vẫn còn mềm, lớp vỏ bên ngoài vẫn còn hơi sần sùi thì ăn rất mát lành, giòn, ngọt.

Khi già, dưa rẫy ngả màu vàng, vỏ dưa nhẵn nhụi, láng bóng. Bà con thường chọn những quả già, to và tròn đều, cắt ra lấy hạt, đem phơi khô để giống cho vụ sau.

Dưa rẫy chấm với muối ớt. Ảnh: SC

 

Anh A Phát cho biết, ngoài giúp chống đói và khát nước mỗi khi đi rẫy, muốn ăn ngon hơn, bà con còn hái dưa rẫy mang về rửa sạch, gọt vỏ, cắt khoanh rồi chấm với muối ớt, khi ăn cho vị đậm đà hơn. Bởi dưa cho thu hoạch quả đúng vào dịp hè nên bà con thường ăn sống như vậy.

Đến Kon Tum, mùa này, về các làng đồng bào DTTS, chắc chắn bạn sẽ được mời thưởng thức món dưa rẫy chấm muối ớt hoặc trong các bữa cơm gia đình không thể thiếu món rau dưa này. Những miếng dưa mát lành, giòn ngọt chấm chút nước mắm ớt thơm nồng, cay cay, đưa cơm phải biết.

Còn nếu muốn mua về để dùng trong gia đình hoặc làm quà cho người thân, khi di chuyển trên Quốc lộ 24, Quốc lộ 14 qua địa bàn các xã của huyện Kon Rẫy, Ngọc Hồi, có rất nhiều sạp hàng của bà con đồng bào DTTS bày bán hai bên đường.

Giá dưa rẫy cũng ở mức phải chăng, dao động từ 20-30 ngàn đồng/kg. Một ký dưa rẫy tầm 2-3 quả (tùy kích cỡ). Mùa dưa rẫy, mỗi khi đi qua các điểm bán dưa rẫy này, tôi không quên ghé vào mua dưa rẫy về để ăn sống, nấu canh, có khi học cách làm dưa món để thưởng thức cũng rất ngon.

Chị Y Lam (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) - chủ một sạp hàng chuyên thu mua và bán dưa rẫy cùng các loại rau rừng, bầu, bí được bà con đồng bào DTTS trồng ở rẫy, chia sẻ: “Mùa dưa rẫy, sạp hàng của tôi khá đắt khách, đa phần là khách vãng lai, di chuyển trên tuyến quốc lộ, thấy có cây trái lạ, muốn khám phá nên ghé vào. Có người một lần ghé đến, mua ăn thử thấy ngon, đặc biệt là tự tin về thực phẩm sạch nên có dịp đi ngang qua đây lại ghé mua tiếp. Mỗi khách trung bình mua từ 3 đến 5 ký, có khách ở xa ăn thử thấy ngon, mua cả chục ký”.

Chị Y Lam cũng cho biết, mỗi ngày chị thu mua hàng trăm ký dưa của bà con ở các xã trong huyện, có khi ở tận huyện Đăk Glei chở về. Dưa rẫy thu mua về đến đâu thường bán hết trong ngày đến đó. “Có nhiều khách quen ở thành phố Kon Tum, không lên tận nơi mua được thì gọi điện, tôi sẽ gửi hàng về trong ngày”- chị nói.

Mặc dù thơm ngon, mát lành, giòn ngọt, nhưng điều đáng tiếc nhất hiện nay là dưa rẫy chỉ được trồng theo cách truyền thống của bà con ở các làng đồng bào DTTS với diện tích không lớn lắm và mỗi năm chỉ có một mùa vụ thu hoạch.

Khi nhắc đến một vùng đất, người ta thường nghĩ ngay đến những đặc sản của vùng đất đó. Hy vọng cùng với việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), rồi đây, dưa rẫy ở Kon Tum cũng sẽ được các địa phương trong tỉnh nghiên cứu, nếu phù hợp, sẽ giúp bà con mở rộng diện tích trồng trọt, đăng ký sản phẩm OCOP, từ đó giới thiệu rộng rãi hơn trên thị trường về loài cây trái đặc trưng này.  

Sông Côn

Chuyên mục khác