Măng Đen khi mùa xuân về

17/02/2018 12:51

Tôi lang thang giữa núi đồi Măng Đen trong một chiều xuân. Măng Đen giờ đây như nàng sơn nữ ngủ quên giữa đại ngàn đã thức giấc. Bằng chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền huyện Kon Plông, bằng bàn tay, khối óc của con người, Măng Đen nay đã đổi thay quá đỗi. Đi giữa bộn bề của các công trình cơ bản đang xây, đi giữa Măng Đen đang ngày đêm hình thành và phát triển, tôi nghe như rạo rực con tim khi tìm về một tương lai xán lạn.

Tâm sự với tôi, ông Võ Kim Thạch - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kon Plông cho biết, Măng Đen bây giờ đã có quan hệ khá thuận lợi với các vùng du lịch trong cả nước. Bởi từ nơi đây đến các bãi biển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi khoảng từ 120-150km và các trung tâm du lịch của Đà Nẵng, Hội An, Quảng Nam khoảng 250-300km theo Quốc lộ 24 và đường Hồ Chí Minh, còn cách thành phố Đà Lạt khoảng 400km theo đường Trường Sơn Đông.

Măng Đen có diện tích tự nhiên 138.116ha, nằm ở độ cao trung bình từ 1.000 - 1.500m so với mực nước biển, cư dân chủ yếu là người Xơ Đăng, Hre… đoàn kết sinh sống với những nét văn hóa truyền thống hết sức phong phú và đa dạng.

Góc phố Măng Đen

 

Măng Đen có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 16-200C, độ ẩm trung bình từ 82-84%, có rừng nguyên sinh bao bọc xung quanh với độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên, có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều hồ thác, suối đá và cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc tại chỗ độc đáo.

Ngoài ra, Măng Đen có nhiều hệ động vật, thực vật quý hiếm sinh sống, nhiều hồ thác như: Đăk Ke, Pa Sỹ, Lô Ba và hồ Toong Đam, Toong Zơri, Toong Pô… Vì thế, đây là tiềm năng thuận lợi để phát triển trở thành trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cấp quốc gia gắn với nghiên cứu khoa học.

Ông Lê Thành Diễn - Tổ trưởng Tổ xúc tiến đầu tư huyện Kon Plông giải thích: Măng Đen có vị trí quan trọng về giao lưu kinh tế, đặc biệt là vị trí trung chuyển của các tỉnh duyên hải miền Trung trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Thông qua cửa khẩu này, du khách có thể tới các khu du lịch khác tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung Việt Nam, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan...

Vì thế, Măng Đen được nhìn nhận là điểm khởi đầu của tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, được kết nối với tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” để hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia.

Đặc biệt, từ Măng Đen, “Con đường xanh Tây Nguyên” sẽ vượt qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y để hình thành tuyến du lịch “Con đường di sản Đông Dương” nối các di sản thế giới của Việt Nam với các di sản thế giới của 2 nước bạn Lào và Campuchia… Do đó, Măng Đen đã và đang thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

Măng Đen hôm nay vừa là vùng bảo tồn sinh thái, rừng quốc gia, vừa là vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển sinh thái, và là vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía đông bắc của tỉnh.

Thế nên, Măng Đen sẽ thu hút đầu tư một số sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá cộng đồng, du lịch mạo hiểm gắn với thể thao và dã ngoại, du lịch văn hoá và tâm linh. Ngoài ra, Măng Đen còn có nhiều tiềm năng để phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tượng đài chiến thắng Măng Đen

 

Đến nay, Khu Du lịch sinh thái Măng Đen đã thu hút được trên 80 dự án triển khai thực hiện, trong đó có các dự án lớn đang được triển khai như: Dự án Quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen với quy mô 1.350ha có tổng mức đầu tư 5.100 tỷ đồng; Dự án Nông trại hữu cơ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Kon Tum Bellest liên doanh với Hàn Quốc với quy mô 100ha có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; Dự án Nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Kon Plông Agri-Tourism liên doanh với Úc có tổng mức đầu tư trên 5 triệu AUD; Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đông Phương liên doanh với Nhật Bản đang được triển khai thực hiện và trong thời gian tới Công ty Vin Eco thuộc Tập đoàn Vin Group đầu tư Dự án Nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 1.000ha có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Ngoài những dự án đang triển khai thực hiện nói trên, hiện nay, UBND huyện đã quy hoạch 130ha đất để thành lập Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Măng Đen; đồng thời, mở rộng diện tích phát triển rau, hoa, củ, quả xứ lạnh từ 1.392ha lên 3.000ha để tiếp tục kêu gọi đầu tư vào vùng du lịch sinh thái Măng Đen…

Đây là những tiềm năng lợi thế của một vùng đất vàng lý tưởng cho các nhà đầu tư kinh doanh, đồng thời đưa Măng Đen trở thành vùng du lịch sinh thái tầm cỡ trong tương lai.

Bài và ảnh: Vĩnh Hà

Chuyên mục khác