Măng Bút đi lên từ gian khó

26/09/2021 06:13

Những năm tháng kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, người dân ở xã Măng Bút (huyện Kon Plông) một lòng đi theo cách mạng, theo Đảng, góp phần đánh thắng các thế lực xâm lược, giải phóng quê hương. Sau ngày đất nước thống nhất cho đến nay, nhân dân nơi đây tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt khó, đoàn kết chung sức xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, phát triển.

Cựu thanh niên xung phong Y Hồng, thôn Đăk Lanh (xã Măng Bút) kể, những năm tháng quê hương Kon Tum kháng chiến chống giặc, gia đình bà theo cán bộ, theo bộ đội vào rừng để tham gia lao động sản xuất, đêm xuống thì ra đường lớn làm đường giao thông, đào hầm hào phục vụ cuộc kháng chiến. Khoảng năm 1960, ngay tại nhà bà, nhiều đêm cán bộ về hội họp, địch phát hiện cho máy bay quần suốt 1 tuần liền. Sau đó, giặc dùng máy bay thả bom cháy cả làng, bà con và gia đình bà Hồng phải dắt nhau vào tận rừng sâu ẩn núp, hoạt động bí mật cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975.

Tiếp lời bà Hồng, ông A Liêm cũng là cựu thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ cho biết, ở xã Măng Bút, nhiều thế hệ như ông theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ làm cách mạng, đi bộ đội, làm giao liên, thanh niên xung phong… góp sức đánh giặc bảo vệ quê hương. Bản thân ông là thanh niên xung phong năm 1964 phục vụ tại mặt trận H40 (huyện Đăk Glei), với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực, làm đường phục vụ cho bộ đội chiến đấu. Năm 1972 -1974, ông được điều động trở lại chiến trường Măng Bút (huyện Kon Plông), tham gia cùng bộ đội địa phương bao vây địch với chiến thắng Măng Bút lịch sử vào 6 giờ ngày 20/8/1974. Măng Bút được giải phóng, cùng với chiến thắng ở các địa phương trong tỉnh đã giúp cách mạng giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông Bắc Kon Tum; tạo bàn đạp tấn công giải phóng Kon Tum, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những cựu thanh niên xung phong ở xã Măng Bút kể chuyện tham gia phục vụ kháng chiến. Ảnh: MT

 

Sau ngày giải phóng, ông Liêm, bà Hồng xuất ngũ về làm cán bộ ở xã Măng Bút. Họ là những cán bộ đi đầu, luôn tin tưởng vào Đảng, tuyên truyền, vận động bà con ở rừng sâu về xây dựng cuộc sống mới. “Lúc bấy giờ đời sống bà con vô cùng khó khăn, do hậu quả chiến tranh để lại. Nhà cửa trước bị bom mìn đốt cháy, ruộng rẫy bỏ hoang, lương thực thực phẩm không có dùng hàng ngày, trẻ em không có trường lớp để học hành…” - bà Hồng nhớ lại.

Qua trò chuyện, bà Y Sao – Bí thư Đảng ủy xã Măng Bút cũng chia sẻ, sau khi giải phóng Măng Bút, người dân bước vào xây dựng lại quê hương  trong điều kiện gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng có Đảng lãnh đạo, cán bộ các cấp về địa phương động viên, hướng dẫn bà con bắt tay vào xây dựng đời sống mới. Nhiều hộ gặp khó khăn về cây giống, con giống… được chính quyền hỗ trợ để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Bí thư Đảng ủy xã còn cho biết, ở Măng Bút, ông Liêm, bà Hồng là những điển hình lao động sản xuất, gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhiều năm liền, con cháu tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Đi lên từ gian khó, đến nay, Đảng bộ xã Măng Bút có 18 chi bộ trực thuộc với tổng số 242 đảng viên; 100% số thôn đều có chi bộ đảng, phát huy tốt vai trò đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ. Đặc biệt, thời gian qua, phát huy truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, các tầng lớp nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo đó, đến nay, xã phát triển hơn 110ha cây lâu năm (cây cà phê, cây ăn quả); đàn gia súc 4.900 con. Ngoài ra, bà con còn nhận quản lý, bảo vệ 7.498,67ha rừng trên địa bàn.

Riêng giai đoạn 2015-2020, toàn xã được đầu tư hơn 150 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn lồng ghép của các dự án, chương trình Trung ương, tỉnh và huyện. Qua đó, góp phần thay đổi toàn diện diện mạo nông thôn và xã đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 12/12 thôn ở xã có hệ thống điện lưới quốc gia, với tỷ lệ trên 98% số hộ trên địa bàn được sử dụng điện; 100% hộ trên địa bàn được sử dụng nước sạch.

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, hàng năm, trẻ em trong độ tuổi ra lớp được huy động đạt trên 98%; công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được quan tâm. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm còn 28,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm.  

Phát huy truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo Đảng bộ, sự quan tâm của chính quyền, người dân xã Măng Bút chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới ngày một ấm no, quê hương ngày càng phát triển.

Mai Trâm

Chuyên mục khác