Mãi trong tôi một tình yêu

19/06/2020 13:02

Nếu có cơ hội để chọn lại nghề, tôi vẫn chọn nghề báo. Lý do đơn giản là vì nghề báo đã cho tôi nhiều thứ vô cùng quý giá, cho tôi được sống với niềm đam mê của chính mình. Với tôi, ngòi bút, trang giấy, những dòng tin, những bài viết khi còn là phóng viên, hay bây giờ đã lui về để lo chuyện “bếp núc” của tòa soạn, đều là phần không thể thiếu trong cuộc sống này. Và dù có lúc, tưởng chừng khó khăn làm tôi gục ngã, nhưng đến bây giờ và mai sau, vẫn vẹn nguyên trong tôi một tình yêu với nghề mình đã chọn.

Tôi không nhớ mình đã rơi nước mắt bao lần kể từ khi vào nghề. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi bài báo của mình được đăng tải mang lại niềm vui cho bao người, đã giúp được phần nào khó khăn cho những mảnh đời bất hạnh; hay giọt nước mắt nặng trĩu nỗi buồn khi chứng kiến những mảnh đời, những số phận thương tâm hoặc những khó khăn, vất vả từ nghề mang đến.

Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng vậy! Tôi biết có nhiều người còn chấp nhận hy sinh nhiều thứ để được làm nghề, được sống với nghề... Tôi từng chứng kiến chị bạn đồng nghiệp bấm bụng “nhốt” con ở nhà (con chị khi đó học lớp 2) vì không có ai trông nom để đi đưa tin sự kiện quan trọng. Đến khi về nhà, chị hốt hoảng không thấy con đâu, cuối cùng mới tìm thấy cháu đang nằm ngủ dưới chiếc bàn máy vi tính... Tôi đã từng chứng kiến giọt nước mắt của người bạn đồng nghiệp nữ có con nhỏ nhưng vì công việc phải đi công tác xa nhà để rồi căng bầu sữa mẹ, lâu lâu lại lén ra nhà vệ sinh vắt sữa bỏ đi, trong khi con mình ở nhà đang đói.

Bản thân tôi cũng đã vài lần đối mặt với hiểm nguy vì tai nạn nghề nghiệp, vì những lần trượt ngã trên các cung đường lầy lội hay vượt qua suối sâu, dốc cao khi tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Cũng từng đối mặt trước những đề nghị mang đầy cám dỗ vật chất - mà bạn bè đồng nghiệp tôi thường gọi vui là “viên kẹo bọc đường” để đổi lại một lần “uốn cong” ngòi bút. 

Nhưng rồi, trước những khó khăn, hiểm nguy, cám dỗ ấy, tôi và các đồng nghiệp của mình đều đã và đang cố gắng vượt qua tất cả để bám trụ với nghề.

Hội nghị gặp mặt và tuyên dương người làm báo tiêu biểu do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: XB

 

Chắc sẽ không ít người đặt câu hỏi: Nghề báo có gì để mà những người làm báo như chúng tôi yêu đến thế?

Qua 13 năm công tác tại Báo Kon Tum, dù chưa phải là dài so với các nhà báo đàn anh, đàn chị đi trước, nhưng tôi suy nghĩ rằng: Nghề báo tuy khó khăn, vất vả nhưng mang một sứ mệnh hết sức cao cả. Và chính những khó khăn, vất vả của nghề đã cho những người làm báo chúng tôi có được nhiều thứ quý giá mà giá trị của nó không thể mua bằng tiền. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết để làm gì?, “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?”. Lời dạy của Người tuy giản dị nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, giúp người làm báo nhận thấy rõ mục đích, động cơ làm báo; xác định rõ đối tượng phản ánh, tuyên truyền của báo chí và phương pháp làm báo. Theo Người, viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Và hơn ai hết, chúng tôi - những người làm báo - luôn nhận ra được đó chính là sứ mệnh cao cả của nghề báo.

Còn về những thứ quý giá mà nghề đã cho chúng tôi thì nhiều vô kể. Quý giá nhất đó là nghề đã rèn cho chúng tôi có được một bản lĩnh. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, người làm báo chân chính cũng luôn giữ cho “bút sắc, lòng trong”, có một cái đầu lạnh và một trái tim ấm để bảo vệ cái đúng, lên án cái sai, cái chưa đúng, góp phần tạo nên một xã hội công bằng hơn. Và đặc biệt, có bản lĩnh, nhà báo mới vượt qua những khó khăn; cạm bẫy, cám dỗ của xã hội, nhất là trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay.

Phóng viên phỏng vấn Chỉ huy đảo Phan Vinh. Ảnh: VP

 

Thứ vô vàn quý giá nữa mà nghề đã mang lại cho những người làm báo đó là cơ hội được học tập. Người ta thường nghĩ, đã gọi là nhà báo thì cái gì cũng biết. Nhưng kỳ thực không phải như vậy. Nhà báo cũng là một con người và nghề báo cũng là một nghề trong xã hội. Trong khi xã hội thì rộng lớn, bao la; các vấn đề trong đời sống xã hội thì vô cùng tận. Bởi vậy, nhà báo khi đứng trước các vấn đề của đời sống xã hội không thể hiểu biết hết mà buộc phải tìm hiểu, phải nghiên cứu, cả lý luận và thực tiễn. Công việc đã đặt nhà báo vào một tình thế là phải học, phải đọc, phải tìm hiểu; học từ sách vở, học từ đồng nghiệp, học từ bạn bè, học từ thực tiễn cuộc sống...

Và một điều nữa là nghề báo luôn cho chúng tôi có những trải nghiệm hết sức thú vị. Mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện trong một bài báo đều được những người làm báo trải nghiệm bằng những chuyến đi. Thực tế cuộc sống đã giúp chúng tôi có khả năng phân tích sâu sắc hơn về một vấn đề nào đó trong xã hội; có góc nhìn bao dung, sẻ chia hơn với những lỗi lầm; có tình yêu thương, lòng nhân ái và đồng cảm hơn với những khó khăn của người khác.

Để thực hiện sứ mệnh cao cả của nghề báo, để giữ mãi tình yêu với nghề, tôi nghĩ ngoài nhiệt huyết và niềm đam mê của bản thân thì người làm báo cần không ngừng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó “trung thực” và “dấn thân” là những điều kiện cần và đủ không thể thiếu với một người làm báo trong thời đại ngày nay. Trung thực ở đây là trung thực trong từng tác phẩm báo chí của mình. Dấn thân ở đây là sự dũng cảm, dám hy sinh; không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy của nhà báo.

Mới đây, tại Hội nghị gặp mặt và tuyên dương người làm báo tiêu biểu do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân và Đài Truyền hình Việt Nam vừa tổ chức (trong 2 ngày 12-13/6) tại Hà Nội, 2 từ “trung thực” và “dấn thân” được Hội nghị và các đại biểu tham dự Hội nghị nhắc đến khá nhiều, như “kim chỉ nam” để nhắc nhở mỗi người làm báo, mỗi nhà báo cùng hành động.

Nghề nào cũng có được và mất, cống hiến và hy sinh. Tuy nhiên, với nghề báo, đã chấp nhận dấn thân thì cũng đồng nghĩa với chấp nhận nhiều khó khăn, vất vả, hiểm nguy.

Tháng 6 về, xin chúc cho tất cả các đồng nghiệp của tôi khó khăn nào cũng vượt qua, bây giờ và mãi mai sau, vẫn vẹn nguyên trong tim một tình yêu với nghề mình đã chọn.

Tú Quyên

Chuyên mục khác