Mãi sáng ngời khí phách Nam Bộ kháng chiến

23/09/2021 06:03

Đã 76 năm trôi qua, kể từ ngày quân và dân Nam Bộ nhất tề đứng dậy, nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, cứ mỗi độ thu về, chúng ta lại được sống trong khí thế hào hùng về ngày Nam Bộ kháng chiến; như đang nghe tiếng hát vang dội hào hùng: “Mùa thu rồi ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”.

Bản hùng ca bất hủ

Ngày 2/9/1945, trong khi quân dân Sài Gòn-Chợ Lớn tổ chức mít tinh chào mừng ngày độc lập, thực dân Pháp đã nổ súng vào đám đông, làm 47 người chết và nhiều người bị thương. Ngày 6/9/1945, quân Anh tiến vào Sài Gòn, theo gót quân Anh là quân Pháp.

Rạng sáng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam Bộ, âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm Nam Bộ làm bàn đạp để chiếm cả Việt Nam và  toàn cõi Đông Dương.

Đứng trước tình thế đó, sáng 23/9/1945, các đồng chí Hoàng Quốc Việt (Thường vụ Trung ương Đảng), Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng... đã họp và quyết định vừa gửi điện xin chỉ thị của Bác và Trung ương Đảng, vừa phát động nhân dân đứng lên chống quân xâm lược. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được thành lập do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.

Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Những đoàn quân Nam tiến chi viện Nam Bộ kháng chiến. Ảnh Tư liệu: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Quân và dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui hòa bình, độc lập, tự do bao lâu thì lại phải bắt đầu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Phía sau là sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình.

Ngày 26/9/1945, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác Hồ gửi lời kêu gọi: Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm (…). Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ (…) Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vị cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng.

Ngày 24/9, Chính phủ ra lời hiệu triệu đồng bào cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Công cuộc chuẩn bị trường kỳ kháng chiến, chi viện Nam Bộ được xác định là trọng tâm công tác của Chính phủ và của toàn dân.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào ủng hộ Nam Bộ, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến diễn ra sôi nổi trên toàn quốc với nhiều hình thức phong phú. Hàng vạn thanh niên nô nức tòng quân; các đoàn quân Nam tiến được thành lập, gấp rút lên đường vào Nam chi viện. Toàn dân tộc tỏ rõ ý chí quyết tâm chống Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Kon Tum hướng về Nam Bộ

Ở Kon Tum, dù trong những ngày đầu giành chính quyền bộn bề khó khăn, song với uy thế bừng bừng cách mạng, với hào khí thắng lợi vừa giành được, đặc biệt là uy tín rộng lớn, triệt để và toàn diện của chính quyền cách mạng, mọi mặt đời sống xã hội nhanh chóng ổn định, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum hân hoan, phấn khởi, hăng hái đóng góp nhân tài vật lực xây dựng quê hương.

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong ngày 25/9/1945, tại sân vận động Kon Tum đã diễn ra một cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của đông đảo nhân dân trong thị xã và đại biểu nhân dân trong toàn tỉnh về dự để biểu thị quyết tâm sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ kháng chiến.

Cũng nhân dịp này, Kon Tum khẩn trương củng cố chính quyền non trẻ, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống ngoại xâm. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, Tỉnh ủy Kon Tum lâm thời được thành lập (tháng 1/1946), lãnh đạo mọi mặt hoạt động. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng được quan tâm thường xuyên; khẩn trương củng cố chính quyền các cấp, sắp xếp bộ máy chính quyền hoạt động đồng bộ, thông suốt; phát triển lực lượng vũ trang để bảo vệ thành quả cách mạng; đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, chăm lo sức khỏe cho nhân dân…

Trong thời gian này, tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, chiến tranh đã lan rộng ra toàn quốc. Tiếng súng kháng chiến lan ra Nam Trung Bộ; quân địch đã tiến đến ranh giới giữa Gia Lai và Đăk Lăk, ảnh hưởng của chiến tranh ngày một đến gần Kon Tum. Ở trong tỉnh, đám tay sai của thực dân Pháp bắt đầu toan tính ngóc đầu dậy.

Phong trào toàn dân ủng hộ kháng chiến được phát động rộng khắp. Các đội cứu thương, tải thương, tiếp tế, liên lạc được hình thành và tích cực luyện tập. Lực lượng vũ trang của tỉnh đã trực tiếp tham gia chiến đấu, tiêu hao và giam chân địch trên chiến trường Tây Nam Gia Lai.

Nhân dân tỉnh Kon Tum, cùng với nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử đất nước ta như một bản anh hùng ca bất hủ, thể hiện tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất cao độ của nhân dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

76 năm đã trôi qua. Ý chí hào hùng của những ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn vang vọng, thúc giục, động viên chúng ta bền gan vững chí theo Đảng dẫn lối chỉ đường xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh.  

Hồng Lam

Chuyên mục khác