Mai này, phía Tây

22/12/2020 13:07

Nhiều hơn nỗi mong đợi, tôi nhận thấy sự háo hức lấp lánh tươi sáng của rất nhiều người dân vùng Vinh Quang, Đoàn Kết khi nói về dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum. Dường như giữa những bộn bề vui buồn của cuộc sống, họ cảm nhận một tương lai khác đang đến rất gần với cuộc đời mình, với quê mình bởi một con đường.

Tất nhiên, cái ngày mà cung đường phía Tây ấy “hiện diện” vẫn còn xa, nhưng có hề chi, người dân vùng Tây chờ được, và sẵn sàng chờ đợi, vui vẻ chờ đợi với tràn trề hy vọng về cái ngày vùng Tây chuyển mình.

Hỏi ra mới biết, thường thì người ta lấy sông Đăk Bla làm ranh giới để chia thành phố Kon Tum thành 2 nửa Nam – Bắc mà quên mất một cách “chia” khác, ấy là đường Hồ Chí Minh xuyên qua trung tâm, ngăn thành phố thành 2 phía Đông – Tây. Và người dân các xã, phường như Nguyễn Trãi, Đoàn Kết, Ia Chim, Đăk Năng, Vinh Quang nhận mình là dân vùng Tây.

Còn cái vụ “ghen tị” với dân cánh Đông, như Chư Hreng, Đăk Rơ Wa, thì tôi phải gạn hỏi mãi ông Sáu mới chịu nói. Hóa ra, trong một lúc thảnh thơi, vui cuộc cờ, ly rượu nào đó, có ông khoe mới chạy xe sang bên Chư Hreng, Đăk Rơ Wa coi mấy con đường mới mà “đã con mắt”. Đường trải nhựa láng o, mịn màng, rộng thênh, xe lướt ro ro mà bắt ham. Nhìn là thấy hướng phát triển rồi.

Hẳn là mấy ông đang nhắc đến tuyến tránh thành phố Kon Tum và tuyến kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 24 đấy.

Cần một tuyến đường trục chính để thúc đẩy vùng đất phía Tây thành phố Kon Tum phát triển. Ảnh: H.L

 

Nghe bạn già nói chuyện mà mấy ông thấy nôn nao trong người chỉ muốn xách xe chạy ngay sang bên đó để “mục sở thị”. Rồi lại xúm vào bàn tán, và thấy sao mà thiệt thòi cho vùng Tây, biết đến bao giờ mới có những con đường như vậy. Bao lâu nay, suốt dọc Đăk Năng, Ia Chim, ra đến Đoàn Kết, Nguyễn Trãi vẫn chỉ bám theo Tỉnh lộ 671 mỏng manh để ra Quốc lộ 14, nào còn lối đi nào khác? 

Có lẽ ước mơ về một con đường đã đi theo người dân vùng Tây trong mỗi câu chuyện, cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Như chiều nay, tôi ghé nhà ông Sáu chơi, đúng lúc mấy ông đang bàn về “thì tương lai” vùng đất rộng hàng chục nghìn ha phía Tây này sẽ phát triển thế nào nếu có một con đường như “đường tránh bên kia”.

Ờ mà phải chi Nhà nước đầu tư một con đường lớn chạy suốt cánh Tây này nhỉ, đảm bảo sẽ phát triển nhanh chóng cho mà xem. Lợi thế của mấy xã phía Tây này thì rõ rồi, nói không ngoa, cứ gọi là ăn đứt “mấy anh” bên Đông, vốn đồi núi lô nhô, đất đai cằn cỗi, đâu có được những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những rừng cao su ngút tầm mắt. Bao đời nay, nghèo thì có, nhưng chỉ cần siêng năng, cần cù thì không sợ đói- một ông hăng hái nói.

Nhắc đến chuyện lợi thế của vùng đất này, mấy ông tạm thời quên đi cái vụ “thiệt thòi” kia mà hào hứng giới thiệu cho tôi nghe về những đổi thay nơi đây. Vùng Tây thành phố Kon Tum bây giờ giống như một bức tranh đầy nét tươi mới, với hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được qui hoạch hợp lý, được bê tông hóa; máy móc thay sức người trong sản xuất nông nghiệp. Đêm về, đèn đường bừng sáng không khác gì phố xá.

Nhưng điều đáng quý là trong làn gió đổi mới ấy, vùng Tây vẫn đem lại cho người ta cảm giác thanh bình, vẫn nồng ấm tình người, tình đất.

Nơi đây, bên ngoài thềm nhà vẫn là xóm làng mênh mông, nghĩa tình thơm thảo, người với người cởi mở, chân thành. Đi lòng vòng cả buổi, bạn sẽ không gặp một nét mặt thăm dò, không nhìn thấy sự dè dặt, nghi kỵ, không có ai dõi mắt theo, không một tiếng động nào chát chúa. Bình yên nằm ở từng mái nhà, từng mâm cơm, trong bộ điệu lừng khừng, chậm chạp của chiếc công nông chở lúa trên đường, hay đàn gà giành ăn bên gốc mít.

Khung cảnh bình yên phía Tây thành phố Kon Tum. Ảnh: H.L

 

Còn nhớ cách đây chưa lâu, tôi dẫn bạn đồng nghiệp về Đoàn Kết tìm tư liệu viết bài. Đang đi ngon ơ thì gặp mưa, thế là ghé vô một nhà bên đường cửa mở toang. Gọi mãi mới thấy một cô ló đầu ra ngó, cười tươi, chỉ chỉ bộ bàn ghế giữa nhà (ý bảo ngồi ở đó) rồi lại biến mất, bên trong tiếng trẻ con ríu ran. Ngay cả chú chó nằm cạnh cửa cũng chỉ ngóc đầu lên ngó rồi lại lim dim ngủ. Lạ thế- bạn nói. Tôi chỉ cười. Quen rồi.

Nhưng nếu nhìn lại “bức tranh” với những gam màu sáng ấy vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Và Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Hữu Hùng là người giúp tôi tìm ra cái “thiếu thiếu” ấy.

Trong một lần trò chuyện, chỉ lên tấm bản đồ hiện trạng giao thông toàn tỉnh, với chi chít, ngoằn nghèo những mạch đường kẻ chì xanh, đỏ, anh trầm tư: Đây, chúng ta đã có những tuyến đường huyết mạch từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam; đã có những tuyến tỉnh lộ đi các huyện..., nhưng ở vòng cung phía Tây thành phố Kon Tum rộng lớn thì còn thiếu hẳn một “cánh tay” đủ mạnh để nâng đỡ vùng đất này phát triển. Một con đường, chúng ta cần một con đường nối liền vòng cung này, đánh thức vùng đất này.

Chính vì sự cần thiết ấy, chính vì ý nghĩa ấy mà từ năm 2018, Ban quản lý các dự án 98 tỉnh đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum. Tháng 3/2019, báo cáo đề xuất được hoàn thành thì đến tháng 4/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án.

Cho nên, trước niềm mong ước của những lão nông tri điền đã gần hết đời người gắn bó với vùng đất này, tôi không giấu được, và cũng không có ý định giấu diếm về một dự án sẽ được triển khai trong nay mai.

Nhưng ông Sáu Binh liếc tôi, ra ý bảo im lặng rồi thủng thẳng nói: Nghe cán bộ xã nói, dự án có rồi, HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết về triển khai dự án rồi. Nghe nói vốn lên đến hơn 1.400 tỷ đồng, Rõ là hoành tráng nhé. Dân vùng cánh Tây như ta sẽ không còn ngó sang cánh Đông kia mà ghen tị, mà ao ước có được con đường đẹp như bên ấy.

Tiếng cười nói râm ran hẳn lên! 

Nhiều hơn nỗi mong đợi, tôi nhận thấy sự háo hức lấp lánh tươi sáng của rất nhiều người dân vùng Vinh Quang, Đoàn Kết khi nói về dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum. Dường như giữa những bộn bề vui buồn của cuộc sống, họ cảm nhận một tương lai khác đang đến rất gần với cuộc đời mình, với quê mình bởi một con đường.

Tất nhiên, ông Sáu Binh và bạn ông đều biết con đường ấy không thể hiện diện ngay được. Nhưng họ sẵn sàng chờ, vì cũng như bao người dân khác, mọi người ở đây biết giá trị của sự chờ đợi ấy!

Đã vui thì phải vui cho trọn vẹn, tôi đành chiều các cụ mà “tiết lộ” chút xíu thông tin về con đường. Rằng dự án được giao cho Ban quản lý các dự án 98 tỉnh làm chủ đầu tư; thời gian triển khai dự án khoảng 5 năm (2020-2024).

Rằng theo thiết kế, tuyến đường dài khoảng 20,5km; tổng mức đầu tư hơn 1.490 tỷ đồng. Điểm đầu (km0) là điểm giao với đường Hồ Chí Minh tại km1542+750 (trùng với điểm đầu dự án tuyến tránh thành phố Kon Tum). Điểm cuối (km20+500) tại điểm giao với đường Hồ Chí Minh tại km1562+250 (trùng với điểm cuối dự án tuyến tránh thành phố Kon Tum).  Mặt đường bằng bê tông nhựa, nền đường rộng 14m (trong đó, giải phân cách giữa rộng 2m; mặt đường gồm 2 làn xe cơ giới rộng 7m và 2 làn xe thô sơ rộng 4m; lề đường rộng 3m).

Ngoài ra, trên tuyến còn có 4 cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm cầu qua suối Tân Điền, cầu qua sông Đăk Bla và 2 cầu cạn. Các công trình phụ trợ khác như hệ thống thoát nước, taluy, nút giao thông và an toàn giao thông.

Dự án được đầu tư sẽ giảm tải áp lực về giao thông tuyến đường Hồ Chí Minh hiện hữu đoạn qua thành phố Kon Tum, góp phần làm giảm mật độ lưu lượng tham gia giao thông, tăng năng lực thông hành và giảm thiểu tai nạn giao thông. Kết nối các khu công nghiệp, các khu đô thị và dân cư, khu du lịch sinh thái, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sân bay Kon Tum. Hoàn chỉnh trục giao thông chính cho khu vực phía Tây thành phố Kon Tum, góp phần phục vụ nhu cầu vận tải của người dân.

Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần khai thác được quỹ đất rộng lớn bên bờ phải sông Đăk Bla, phía Tây và Tây Nam thành phố Kon Tum để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung cũng như tại khu vực tuyến dự án đi qua.

Khi viết đến đoạn này, bất chợt tôi hình dung ra cảnh ông Sáu Binh cùng các bạn già của ông rủ nhau chạy xe máy trên tuyến đường mới và thôi phàn nàn rằng “cánh Tây mình thiệt thòi hơn cánh Đông”.

Không thể nghi ngờ, một khi tuyến đường trục chính phía Tây được đầu tư, đưa vào sử dụng, cùng với tuyến tránh thành phố Kon Tum, tuyến giao thông kết nối Quốc lộ 24 với đường Hồ Chí Minh, sẽ tạo nên “đôi cánh” cứng cáp và mạnh mẽ đưa thành phố Kon Tum phát triển lên tầm cao mới.

Tin tôi đi. Mai này, phía Tây sẽ khác.

Hồng Lam

Chuyên mục khác