Mai một nghề gò

13/07/2023 06:30

Vào những năm 80, 90, nghề gò thùng rất thịnh, hầu hết xóm Võ Lâm (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) sống bằng nghề này. Càng về sau, nghề này càng thu hẹp dần. Tuy vậy, nơi đây vẫn còn những người thợ gò tâm huyết, tự học hỏi, đổi mới cách làm để trụ được với nghề.

Ông Nguyễn Bảy (77 tuổi) - người có thâm niên gò thùng lâu nhất xóm Võ Lâm kể lại: Năm 1975 sau ngày giải phóng, từ Quảng Nam lên Kon Tum lập nghiệp, tôi học nghề gò từ ba vợ. Sau đó tôi vừa làm, vừa truyền dạy cho người này, người này lại chỉ cho người kia, cứ thế dần dần lan rộng ra cả xóm. Và xóm gò Võ Lâm có từ đó.

Nghề gò những năm 80, 90 phát triển rất mạnh, với nhiều sản phẩm làm ra như gàu múc nước, thùng gánh nước, thùng tưới hoa sen, thùng chứa nước, nồi nấu rượu, thau giặt đồ, máng xối. Lúc đó, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, mọi công việc đều dùng sức người là chính nên người dân xóm gò có việc làm quanh năm.

Thời điểm đó lại rộ thêm nghề đãi vàng, người dân đến đặt làm mâm đãi vàng tới tấp. Mà mâm đãi vàng chỉ to bằng nắp thùng phi, hình nón nên rất dễ gò.

Anh Thủy chủ yếu làm máng xối cho khách. Ảnh: GT

 

Anh Trần Đình Bằng ở đường Trần Nhân Tông (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cũng làm nghề gò hàn nay chuyển sang nghề bắt điện và ống nước kể lại: Trước đây, nghề này phát triển lắm, bởi các vật dụng trong gia đình không bán sẵn như bây giờ, nên công việc rất nhiều, thu nhập cũng tương đối cao. Vào những năm đó, tôi chỉ nhận làm mâm đãi vàng, vừa nhanh, lại dễ lấy tiền. Một ngày mỗi người có thể làm từ 7 - 8 cái. Đến năm 2000, nghề này dần thoái trào, công việc thưa dần, không đủ sống, tôi phải đổi nghề.

Hiện giờ, hầu hết những người làm nghề gò ở xóm Võ Lâm đã già hoặc chuyển nghề khác. Anh Nguyễn Xuân Thủy ở đường Trần Nhân Tông là một trong số rất ít người còn theo nghề gò. Anh Thủy chia sẻ: Hiện không còn ai học nghề này nữa, vì vất vả, thêm vào đó, đồ dùng trong gia đình đều có bán sẵn, rẻ hơn so với đặt gò. Khách chỉ đặt làm một số vật dụng không bán trên thị trường hoặc làm theo kích cỡ yêu cầu. Bây giờ công nghệ phát triển, mọi thứ đều làm bằng máy nên đỡ tốn công hơn. Chẳng hạn trước đây làm máng xối mất rất nhiều thời gian, nay vật liệu đã làm sẵn dạng máng, chỉ cần đo kích thước rồi gò bít hai đầu và gò thêm lỗ thoát nước mà thôi, tiền công khoảng 15.000 đồng/m.

Theo anh Thủy, công việc của anh vẫn túc tắc, đều đều, thu nhập bình quân từ 200.000-300.000 đồng/ngày, ngoài ra anh còn hợp đồng thêm bắn tôn tường cho những nhà mới xây để tăng thêm thu nhập.

Anh Trần Quý Sỹ (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) trước đây cũng là thợ gò ở xóm, nay vừa làm nghề gò hàn vừa kinh doanh mặt hàng làm sẵn. Kết hợp gò với hàn và đa dạng các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, không chỉ có gò tôn mà anh còn gò cả nhôm, inox.

Anh Sỹ kết hợp gò với hàn và đa dạng các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Ảnh: G.T

 

Anh Sỹ chia sẻ: Công việc gò bây giờ làm nhanh hơn, vì có nhiều máy móc hỗ trợ như máy dập, máy ép, máy uốn. Những đầu nối ghép giờ đều hàn trực tiếp, vừa tiện lợi lại đảm bảo hơn, không còn phải gò nhiều gây tiếng ồn như trước nữa.

Ngoài gò hàn những mặt hàng khách tới đặt và gò bán sẵn, tôi còn nhận sửa các mặt hàng gia dụng như nồi cơm điện, thau nhôm, các loại thùng bị thủng đáy. Ngày nào cũng có việc để làm, thu nhập cũng đủ sống - anh Sỹ nói thêm.

Dù nghề gò bây giờ không còn thịnh như trước nhưng vẫn còn một số mặt hàng buộc phải qua bàn tay khéo léo của người thợ. Tuy vậy, theo anh Thủy, anh Sỹ, lớp trẻ không mặn mà gì với công việc này, nghề gò đang dần có nguy cơ biến mất, họ chỉ mong nghề truyền thống này sẽ được thế hệ sau đón nhận và ngày càng cải tiến, phát huy để không bị mai một.     

Gia Thịnh

Chuyên mục khác