02/09/2018 07:39
Câu chuyện ngày Tết độc lập
Tết độc lập 2/9 năm ngoái, tôi được người bạn thân mời đến nhà dự bữa cơm đoàn tụ đại gia đình. Điều đặc biệt và đầu tiên không bao giờ thay đổi trước mỗi bữa cơm sum vầy thường niên được gia đình tổ chức gần 20 năm qua, là mẹ của bạn lần giở bức thư - kỷ vật duy nhất mà người em trai là liệt sĩ Tạ Hồng Hà (quê ở Thái Bình) gửi về cho gia đình trước khi hy sinh năm 1972, tại chiến trường biên giới Tây Ninh.
Bà đọc thư của người em trai cho con cháu nghe, rồi nhắn gửi: Mẹ chưa tìm được hài cốt của cậu Hồng hy sinh để đưa về quê gần ông bà. Mẹ nhờ vợ chồng anh và các con cháu sau này hãy giúp mẹ, nếu chẳng may mẹ không còn sức khỏe để đi…
Mỗi khi nghe bà nhắn nhủ như thế, bạn tôi lại thông tin tình hình khả quan về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trong nước và nước ngoài vào mỗi năm. “Chúng tôi nói để mẹ yên tâm. Tôi cũng biết công tác chăm sóc gia đình người có công, nhất là tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ vẫn luôn được các cấp, các ngành trong cả nước quan tâm. Trong đó, có người thân đã hy sinh của gia đình tôi” - người bạn đã tâm sự với tôi như thế.
Cũng có hoàn cảnh như gia đình của bạn tôi, nhưng may mắn nhờ các cấp ở tỉnh Kon Tum, phần mộ của Liệt sĩ Nguyễn Văn Lực quê ở Ninh Bình đã được tìm thấy để báo tin cho gia đình tổ chức đón về quê an táng. Đó là trước thời điểm hy sinh năm 1970, chiến sĩ Lực đã gửi lá thư cuối cùng về cho gia đình, với nội dung đồng đội đang hành quân làm nhiệm vụ ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Tròn 28 năm (1975-2003), người thân đã đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Kon Tum tìm thông tin liệt sĩ Lực nhưng không có tin tức. Sau đó, gia đình đã được đơn vị quản lý và các đồng đội của anh Lực giúp đỡ; cùng sự vào cuộc của chính quyền các địa phương Kon Tum, Đội K53 tỉnh, năm 2003, người thân đã tìm thấy phần mộ của anh Lực tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đăk Hà.
Đúng như lời nhận xét của bạn tôi và thân nhân liệt sĩ Lực, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đã không ngừng chung sức, nỗ lực thực hiện nghiêm Chỉ thị 24-CT/TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Công tác này không chỉ là trách nhiệm, mà còn nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”.
Tìm kiếm, đón các anh về đất mẹ
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 1237 của tỉnh và các ngành chức năng, lực lượng quân đội địa phương thực hiện tìm kiếm, xác định vị trí để làm hồ sơ dữ liệu cung cấp thông tin, quy tập, cất bốc khoảng 3.000 hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trên các mặt trận kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế.
Gần đây nhất mùa khô năm 2017-2018, Ban chỉ đạo 1237 tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, trèo đèo, lội suối đến những vùng xa khu dân cư ở các tỉnh của nước bạn Lào, Campuchia khảo sát, khai quật trên 600 vị trí ở tất cả 22/22 huyện do đội đảm nhiệm, đào bới trên 2.300m3 đất đá, với tổng số 17.000 ngày công và đi bộ cả trăm ngàn ki lô mét đường rừng, để thu thập trên 600 thông tin, trưng tập 42 nhân chứng cựu chiến binh là đồng đội và người chôn cất liệt sĩ qua các thời kỳ từ Việt Nam qua, xác định cụ thể từng vị trí chôn cất. Kết quả, đã cất bốc được 16 hài cốt liệt sĩ (6 hài cốt liệt sĩ được cất bốc tại Lào và 10 hài được cất bốc tại Campuchia).
Bên cạnh đó, Báo Kon Tum cũng từng phản ánh nhiều gương sáng cựu chiến binh đi tìm đồng đội đã hy sinh, như người lính Hồ Đại Đồng - Trưởng Ban Liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209. Năm 2009, ông Đồng với nỗi niềm trăn trở: “Đồng đội tôi vẫn còn nằm lại nơi ấy (điểm cao 995, Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy - PV), khi đất nước đã thống nhất hơn 40. Chúng tôi phải tìm, phải đưa các anh về với gia đình”.
Cùng với lời nói, ông đã nối liên lạc với đồng đội năm xưa, thêm sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, của tỉnh Kon Tum. Kết quả, ông đã có tổng số 25 đợt tìm kiếm đồng đội, cùng lực lượng quân đội phát hiện, cất bốc được 141 hài cốt liệt sĩ.
Có thể nói, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thực hiện nghiêm túc với trách nhiệm cao nhất trong thời gian qua. Tuy nhiên, cả nước vẫn còn hàng trăm ngàn liệt sĩ hy sinh cần tìm kiếm, quy tập hài cốt.
Đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh đã chia sẻ: Vấn đề khó nhất hiện nay là anh em thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn thiếu nhiều thông tin cá nhân, nơi công tác của liệt sĩ và cả phần mộ liệt sĩ được an táng ban đầu. Khi thu thập thông tin về liệt sĩ, khi ngành chức năng tìm được nhân chứng biết về mộ ban đầu mà chiến sĩ hy sinh được chôn cất, thì đa phần người có biết đã lớn tuổi, trí nhớ có phần phai nhạt; hoặc địa hình nơi an táng liệt sĩ đã thay đổi do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tác động của thời tiết, khí hậu... dẫn đến công tác xác định vị trí, địa điểm hy sinh, hoặc phần mộ liệt sĩ rất khó khăn.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, công tác tìm kiếm, quy tập và cất bốc hài cốt liệt sĩ luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng, để huy động nguồn lực toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, cựu chiến binh và phát động quần chúng thường xuyên thu thập, cung cấp thông tin. Từ đó, giúp đơn vị chức năng hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, bổ sung cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần phục vụ cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Mai Trâm