Mãi mãi một Điện Biên

07/05/2018 07:11

Trong tháng 4 vừa qua, đoàn cán bộ, phóng viên của Báo Kon Tum có dịp về với vùng đất huyền thoại Điện Biên Phủ, tìm lại dư âm của những tiếng “hò dô” kéo pháo vào trận địa năm xưa góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hòa cùng dòng người, chúng tôi lặng lẽ nghiêng mình kính cẩn dâng hương tri ân và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

Vào những ngày này, nhiều du khách thập phương nô nức đến với Điện Biên Phủ - nơi cách đây 64 năm đã từng diễn ra trận đánh quyết liệt giữa một bên là quân viễn chinh Pháp với đủ loại vũ khí tối tân, hiện đại; còn một bên là những con người xuất phát từ đồng ruộng, dung dị buộc phải cầm súng chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Trên từng con phố đến bờ tre, gốc lúa ở Điên Biên, đâu đâu cũng có mồ hôi, máu và nước mắt của bao lớp người.

Tham quan Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: LS

 

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ có diện tích hơn 7.000m2 với các mô hình, các tài liệu, hiện vật, bộ sưu tập hiện vật có liên quan. Bảo tàng khái quát sinh động 9 năm kháng chiến trường kỳ (1945 - 1954) chống thực dân Pháp của quân và dân ta, với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.  

Hàng năm, bảo tàng này thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan trong nước và quốc tế. Nhiều đoàn khách là cựu chiến binh đến Điện Biên Phủ để thăm lại chiến trường xưa, thắp nén nhang cho đồng đội đã ngã xuống nơi đây; có đoàn khách là học sinh, sinh viên đến với Điện Biên Phủ để được học về lịch sử, được giáo dục về truyền thống yêu nước, để hiểu về Điện Biên Phủ đầy đủ hơn không chỉ qua sách giáo khoa.

Lời thuyết minh của chị Nguyễn Thị Hồng - cán bộ Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tái hiện sống động câu chuyện về những năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta. Từ chuyện tiếp tế lương thực cho chiến dịch, chuyện mở đường để quân ta kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, đến những quyết sách quan trọng trong chiến dịch đều được mọi người chăm chú lắng nghe.

Đặc biệt, câu chuyện về Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, quê ở Thanh Hóa lấy thân mình chèn pháo với câu nói nổi tiếng “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo”; liệt sĩ Bế Văn Đàn, quê ở Cao Bằng lấy thân mình làm giá súng; liệt sĩ Phan Đình Giót, quê ở Hà Tĩnh lấy thân mình lấp lỗ châu mai; liệt sĩ Trần Can, quê ở Nghệ An, trong trận đánh đồi Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy và cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên đồn giặc... đã khiến bao người phải rơi lệ.

Đồi A1 được xác định là “cuống họng” đối với Sở chỉ huy trung tâm có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong của cả Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cứ điểm C1, C2 được Pháp bố phòng, xây dựng các trận địa phòng ngự kiên cố với hệ thống giao thông hào, công sự vững chắc. Cùng các cứ điểm D1, E1 nằm trên các ngọn đồi trong hệ thống phòng ngự liên hoàn tạo thành tấm lá chắn thép cho Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm…

Nhưng, sau 56 ngày đêm, những chiến sĩ "chân đồng vai sắt" cùng với sự hỗ trợ của nhân dân cả nước đã làm nên một chiến thắng vang dội "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" buộc Thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Giơnevơ và cuốn cờ rút khỏi Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa dân tộc Việt Nam bước sang trang sử mới, đối với quân viễn chinh pháp, Điện Biên Phủ mãi mãi là bài học không thể nào quên.

Trong bát ngát khói hương giữa một sáng Tây Bắc đại ngàn, chúng tôi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên. Đây là nơi yên nghỉ của 644 liệt sĩ, những người đã không trở về trong cuộc chiến 56 ngày đêm ròng rã năm xưa. Các anh là những tấm gương sáng về tinh thần quả cảm, không tiếc thân mình cho chiến dịch toàn thắng, bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Trong tâm khảm của mỗi người dân nơi đây cũng như khách tham quan, Điện Biên Phủ - ký ức của một thời bom đạn, của "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt" vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người dân đất Việt. Về với Điện Biên, nhiều người lính già lại ngấn lệ khi nhớ về đồng đội, rất nhiều người đã ngã xuống, không có cơ hội nhìn thấy sự đổi thay của đất nước.

Viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên. Ảnh: LS

 

Điện Biên Phủ hôm nay đã trở thành thành phố trẻ đang trên đà phát triển. Trên cánh đồng Mường Thanh, màu xanh lúa trải dài bất tận bên cạnh những công trình, nhà máy. Từ trên đỉnh đồi D1, nơi có Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, thành phố Điện Biên - vùng chiến trận từng được xem là “chảo lửa” của Đông Dương năm xưa hiện lên tuyệt đẹp. Cánh đồng Mường Thanh trù phú trải dài một màu xanh mướt. Những tòa nhà cao tầng trên những con đường, góc phố rực rỡ cờ hoa…

Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một mốc son lịch sử chói lọi, để lại nhiều bài học lịch sử có ý nghĩa sâu sắc cho nhân dân ta và thế giới. Những bài học đó không những có giá trị trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là những bài học về ý chí và niềm tin; biết dựa vào sức mình là chính, đồng thời biết tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế; kế thừa và phát huy chủ nghĩa yêu nước, trí tuệ Việt Nam; xây dựng, củng cố và phát huy đoàn kết toàn dân tộc làm cơ sở cho sự đoàn kết quốc tế…

                                                                        Dương Lê

Chuyên mục khác