Mái ấm của gia đình hai thương binh nặng

25/07/2023 06:21

Đều là thương binh 1/4, song bằng tình yêu thương chân thành, sâu đậm và nỗ lực vươn lên, ông A Chi , bà Nguyễn Thị Tuyết ở đường Đống Đa, tổ 7, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum đã cùng nhau nuôi dạy con cái trưởng thành, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, xứng đáng là gia đình cách mạng gương mẫu.

Các cán bộ, nhân viên ở Trại Nuôi dưỡng thương binh nặng của tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) không giấu được cảm kích, xúc động khi nhắc về đám cưới đặc biệt của hai thương binh nặng ở đây vào năm 1984. Vượt qua bao hoài nghi, e ngại, A Chi và Nguyễn Thị Tuyết đã hạnh phúc nắm tay nhau về chung một nhà trong niềm vui, sự xúc động chúc phúc của mọi người.

 Đầu năm 1975, A Chi - người làng Đăk Rip (xã Đăk Na, H80) là chiến sĩ huyện đội.Tuổi đôi mươi không quản gian khổ, hy sinh, hăng say công tác với ước mong đến ngày đất nước thống nhất, song trong một lần đi tuần tra địa bàn, chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng thị xã Kon Tum tại khu vực xã Ngọc Réo (nay thuộc huyện Đăk Hà), chàng trai Xơ Đăng bị vướng mìn của địch. Dù đã được quan tâm tích cực điều trị từ trong căn cứ, nhưng đến khi sức khỏe tạm hồi phục thì A Chi đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt quý giá. Sau ngày giải phóng, anh được chăm sóc tại Trại Nuôi dưỡng thương binh nặng của tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ) đứng chân ở Trung Tín  (xã Vinh Quang, thị xã Kon Tum).

Vợ chồng thương binh A Chi - Nguyễn Thị Tuyết. Ảnh: TN

 

Tại đây, A Chi gặp Nguyễn Thị Tuyết, cũng là thương binh 1/4. Chị Tuyết người Biển Hồ (thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai), từng đi thanh niên xung phong, làm công nhân nông trường chè. Năm 1978, tai nạn do mìn còn sót lại trong chiến tranh gây ra đã cướp đi ước vọng của cô gái trẻ (sinh năm 1961). Bị thương nặng ở đầu khiến chị bị liệt nửa người, dù sau đó, sức khỏe dần hồi phục, song tay chân bên trái vẫn không cử động được.

Gần gũi, sẻ chia cuộc sống tập thể đạm bạc, chị Tuyết “cảm” chàng thương binh dẫu mất đi nguồn sáng diệu kỳ nhưng tính tình lại rất hiền lành, sống lạc quan,vui vẻ. Anh Chi thì rất quý Tuyết bởi sự hồn nhiên, trong trẻo, nhiệt tình. Dù bị liệt nửa người nhưng chị luôn chịu khó và khéo léo trong sinh hoạt hằng ngày. Thương yêu và đồng cảm, họ quyết tâm “thành đôi” để tìm về tổ ấm nương tựa, cho dù biết rằng phía trước là cả chặng đường đầy chông gai, thử thách.

Hạnh phúc trọn vẹn với vợ chồng họ khi ở Trại nuôi dưỡng thương binh nặng, từ năm 1985 - 1989, ba đứa con của họ lần lượt chào đời. Tuy vậy, sau khi được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện “ra riêng” theo chủ trương đưa thương binh hòa nhập cộng đồng thì đôi vợ chồng không lành lặn càng đứng trước nhiều trở ngại. Đứa con thứ tư ra đời năm 1992 càng khiến họ không thể “ngồi yên” dựa vào trợ cấp hằng tháng.

Nhờ 8 triệu đồng hỗ trợ, sau khi Trại quan tâm xây dựng căn nhà bán kiên cố tại đường Đống Đa (phường Thắng Lợi) còn dư chừng 150 ngàn đồng, chị Tuyết dồn vào mua hai con heo để nuôi. Từ đó, vừa chăm sóc 4 con nhỏ, vợ chồng anh chị vừa chăn nuôi, tạo thêm thu nhập, dành dụm nuôi các con ăn học. Đi lại khó khăn và chỉ với một cánh tay lành lặn, song nhờ chịu khó, siêng năng, hơn 20 năm liền, chị Tuyết được biết đến là rất “mát tay” khi bình quân mỗi năm đều chăn nuôi 2 lứa heo, mỗi lứa vài ba con heo thịt.

Anh Chi dù không thấy ánh sáng, song bằng cảm nhận nhạy bén của mình luôn tự lực sẻ chia, đỡ đần công việc cho người vợ chịu thương chịu khó. Chẳng những tự đảm đương chu đáo mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày, anh còn giúp chị giặt giũ, bế con, ru con ngủ... Nhờ đó, bao khó khăn, gian khổ khi các con còn nhỏ đều dần qua đi trong mái ấm đơn sơ, hòa thuận.  

Biết ơn tình cảm và nỗ lực không biết mệt mỏi của cha mẹ, cả 4 con của vợ chồng anh chị Tuyết - Chi đều chăm chỉ học hành, tự giác đỡ đần việc nhà “tùy theo sức của mình”. Trải qua bao vất vả, lo toan, niềm vui và hạnh phúc của họ là các con đều chăm ngoan, học hành đến nơi đến chốn và hiện nay đều ổn định việc làm, xây dựng gia đình riêng. Ngoại trừ cậu con trai út được đào tạo cao đẳng (chuyên ngành Tin học), ba anh chị đều tốt nghiệp đại học. Gia đình con gái thứ ba là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh hiện sống cùng cha mẹ, trong khi gia đình các anh chị em khác lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh.

Tuổi ngày càng cao, song chị Tuyết vẫn đảm đang công việc gia đình, chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho người bạn đời, tự tay chăm sóc các cháu, hỗ trợ gia đình các con khi cần về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhờ chịu khó tăng gia sản xuất và khéo dành dụm, vào năm 2001, ngoài khoản tiền cấp phát của Nhà nước 20 triệu đồng, vợ chồng chị còn thêm vào 16 triệu đồng để xây dựng lại căn nhà rộng rãi, khang trang. Đáng trân trọng hơn, trước khi mỗi người con đi làm đều được cha mẹ dành tặng món quà ý nghĩa gồm xe máy và máy vi tính.

Sắp tròn 40 năm bên nhau, vợ chồng hai thương binh 1/4 càng vui mừng, phấn khởi hơn khi nhân kỷ niệm ngày truyền thống người có công cách mạng năm nay, được đón đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương về thăm. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là nguồn động viên, khích lệ gia đình họ sống gương mẫu, xứng đáng bằng chính mái ấm của mình.

Thanh Như

Chuyên mục khác