“Mái ấm cho đồng bào tôi”

13/11/2024 13:36

Xin được “mượn” chủ đề của Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tối 5/10/2024- Mái ấm cho đồng bào tôi- để “đặt tên” cho bài viết nhỏ này.

Vượt qua một tên gọi, “Mái ấm cho đồng bào tôi” thể hiện đậm nét tính ưu việt của chế độ ta; thể hiện nghĩa đồng bào, tính nhân văn sâu sắc, cao cả của dân tộc Việt Nam.

Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng của thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Vì vậy, đã có nhiều nghị quyết, kết luận, quyết định, chương trình, kế hoạch về lĩnh vực này được ban hành và triển khai hiệu quả.

Đặc biệt, từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đã nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực, rộng rãi của các tổ chức, cộng đồng dân cư và nhân dân.

Hòa chung với phong trào rộng lớn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc ấy, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm.

Người dân tích cực tham gia với tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, tạo nên sự lan tỏa sâu rộng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Còn nhiều hộ gia đình sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: TH

 

Trong hành trình ấy, các cơ quan báo chí đã chủ động xây dựng kế hoạch, truyền thông hiệu quả, vận động tích cực để lan tỏa mạnh mẽ phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tạo đồng thuận xã hội để người dân, doanh nghiệp ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm.

Từ đó, đã có hàng nghìn ngôi nhà được xây mới, sửa chữa kiên cố, đáp ứng tiêu chuẩn “ba cứng” (gồm nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng, ở khắp các thôn, làng, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống mới.   

Có thể nói, mục tiêu thực hiện chủ trương lớn của Đảng “không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào, nhất là vùng sâu, DTTS, biên giới, đang từng bước được hiện thực hóa.

Tuy nhiên, theo kết quả rà soát, toàn tỉnh vẫn còn 2.480 hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát; trong đó, có 2.277 hộ cần được xây mới nhà ở và 203 hộ có nhà ở cần được sửa chữa. Tổng nhu cầu kinh phí khoảng 131,68 tỷ đồng (xây mới 125,85 tỷ đồng; sửa chữa 5,83 tỷ đồng).

Mục tiêu tỉnh ta đặt ra là đến hết tháng 6/2025 hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trong toàn tỉnh.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, ngày 11/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 1350-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, do đồng chí Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng Ban; đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 2602/KH-UBND ngày 22/7/2024 về triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2025” (Phong trào thi đua).

Phấn đấu đến tháng 6/2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh: T.H

 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh ngày 7/11, đồng chí Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu, cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành mục tiêu trên.

Việc rà soát, bình xét lập và phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ phải được tiến hành trên cơ sở lấy ý kiến từ cộng đồng dân cư, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo; không vì thành tích giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo mà bỏ sót đối tượng. 

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giải thích cần được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Phải đảm bảo làm người dân hiểu rõ rằng, không phải Nhà nước xây nhà cho dân, mà Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại là gia đình, dòng họ, cộng đồng giúp đỡ. Vốn hỗ trợ là yếu tố khởi đầu và huy động nội lực là yếu tố quyết định.

Hơn thế, những mái ấm được hình thành từ các nguồn hỗ trợ cần mang ý nghĩa thúc đẩy ý chí vươn lên, tạo động lực xây nhà mới cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn về nhà ở, cũng như tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Các địa phương trong tỉnh cần chủ động, sáng tạo, nỗ lực vận động nguồn lực thực hiện, không ỷ lại vào Trung ương, vào tỉnh. Gắn thực hiện kế hoạch xóa nhà tạm với triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Huy động nhiều nguồn lực và phân bổ phù hợp nguồn lực, trong đó có sự tham gia của hộ gia đình. Ngoài việc vận động, kêu gọi hỗ trợ bằng tiền, còn kêu gọi hỗ trợ bằng ngày công, vật liệu.

Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định, trong đó có kiểm tra, giám sát về giá nguyên vật liệu xây dựng nhà ở, chất lượng nhà ở,  không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

Quan tâm tháo gỡ vướng mắc đối với một số hộ có nhà tạm, nhà dột nát nhưng ở trên đất không đủ điều kiện để xây dựng nhà ở theo quy định; bố trí đất xây dựng nhà ở đối với hộ có khó khăn về đất ở.

Nghiên cứu, thiết kế mẫu nhà ở đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán và đặc điểm của từng địa phương.

Thành Hưng

Chuyên mục khác