Mạch sống Đăk Pxi

03/11/2020 13:05

Một ngày ở Đăk Pxi không phải là dài, nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được mạch sống đang lặng thầm xuôi chảy, đang ráng sức vươn lên, đang khát khao trỗi dậy nơi đây.

Khá lâu rôi, tôi mới có dịp trở lại Đăk Pxi- một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Hà. Dù từ thành phố Kon Tum đi Đăk Pxi chỉ mất khoảng 40 phút chạy xe. Và dù thỉnh thoảng, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phúc Đoan lại gọi điện mời tôi vào thăm Đăk Pxi. “Bây giờ đường tốt, xe khỏe, vù một tý là đến nơi, đâu còn như ngày xưa”- anh rủ rê.

Tôi với Chủ tịch xã Nguyễn Phúc Đoan là chỗ thân tình. Tháng 7/2017, khi nhận quyết định tăng cường về làm Chủ tịch xã Đăk Pxi, anh đã chia sẻ nhiều lo toan lẫn dự định trước nhiệm vụ mới, mà anh nhận thấy rằng rất nặng nề. Thoáng cái mà đã hơn 3 năm, thời gian và công việc đã làm anh cán bộ trẻ trung, hoạt bát, sôi nổi ngày nào trở thành một Chủ tịch xã trầm tĩnh, già dặn, luôn sát dân sát việc, luôn trăn trở tìm hướng đi giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đến bây giờ, những hộ gia đình có nghề làm măng khô ở Đăk Pxi vẫn nhắc về Chủ tịch Đoan với sự trân trọng và tín nhiệm. Bởi bằng tầm nhìn và trách nhiệm, anh và tập thể lãnh đạo xã đã đưa sản phẩm măng le khô từ núi rừng vươn lên thành thương hiệu có tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng, cung không đủ cầu.

Chị Lương Thị Kiều Nga – chủ một lò sấy măng kể, măng khô Đăk Pxi có hương vị đặc trưng, thơm, giòn, ngọt, màu sắc vàng tươi. Tuy nhiên, do sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún nên giá trị kinh tế chưa cao. Từ tháng 9/2017, khi xã có chủ trương xây dựng măng le thành sản phẩm đặc trưng của xã, Chủ tịch Đoan và cán bộ xã vận động, hướng dẫn và trực tiếp giúp bà con thực hiện các bước, như kiểm định chất lượng, quản lý quy trình sản xuất; đăng ký thương hiệu; sáng tạo lô gô, nhãn hàng, mã vạch, mẫu mã bao bì; tìm kiếm thị trường…

Kết quả là tháng 10/2017, sản phẩm đặc trưng “Măng le Đăk Pxi” được ra mắt. Và bây giờ thì sản xuất, kinh doanh măng le đã trở thành một trong những hướng đi bền vững trong công tác giảm nghèo của địa phương.

Sản phẩm đặc trưng ‘’măng le’’ của xã Đăk Pxi. Ảnh: T.H 

 

Hay mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, nuôi heo sọc dưa đang tạo nên làn gió mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình cũng xuất phát từ những trăn trở tìm hướng thoát nghèo bền vững cho người dân. Với sự am hiểu thực tế, anh nhận ra rằng, cần có cách làm mới trong việc triển khai hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế.

Nếu nguồn hỗ trợ vẫn thực hiện theo kiểu dàn trải, chia đều thì không hiệu quả, dễ thất thoát, lãng phí, vì vậy, cần ưu tiên nguồn lực hình thành mô hình điểm để các hộ nghèo khác nhìn thấy và học tập. Bên cạnh đó, phải lựa chọn những hộ có ý chí, quyết tâm thoát nghèo, biết học hỏi và sử dụng vốn hiệu quả để hỗ trợ- anh chia sẻ.

Nghĩ là làm, Chủ tịch Đoan bàn bạc, thuyết phục cấp ủy, UBND xã triển khai theo hướng đi mới. Các mô hình nuôi heo sọc dưa, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả… ra đời với sự hỗ trợ của chính quyền, lẽ dĩ nhiên, các hộ gia đình được lựa chọn đều phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Tuy cách làm mới lạ ấy cũng gặp những tiếng nói không đồng tình, nhưng hiệu quả kinh tế và tác động xã hội của nó đã chứng minh đây là hướng đi đúng đắn.

Từ những câu chuyện như vậy, những con người như vậy đã cho tôi thấy và hiểu tình hình mọi mặt của Đăk Pxi hôm qua và hôm nay, cùng triển vọng ngày mai của vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.

Nhưng thôi, hãy trở lại với những đổi thay của vùng đất Đăk Pxi hôm nay, để mừng cho vùng đất từng là “ốc đảo” này.

Bắt đầu từ chuyện giao thông. Còn nhớ cách đây hơn mười năm, Đăk Pxi như một ốc đảo, đoạn Tỉnh lộ 677 hơn 14 km từ đường Hồ Chí Minh vào Đăk Pxi rách tướp, vắt qua những triền đồi hoang vu, rậm rạp, những dốc cao thăm thẳm, những ngầm lổn nhổn đá. Vào mùa mưa, cán bộ huyện, tỉnh muốn vào xã công tác; cán bộ xã muốn ra huyện họp hành có khi phải bỏ xe giữa đường.

Thiệt thòi về giao thông kéo theo sự thiệt thòi đủ thứ. Từ tiếp nhận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mua bán nông sản làm ra, đến chuyện học hành của con em, khám chữa bệnh, xây dựng đời sống mới.

Bây giờ, cũng cung đường ấy, nhưng tôi đã có thể ung dung sáng dậy, từ thành phố Kon Tum leo lên “ngựa sắt”, băng băng chạy trên con đường trải nhựa phẳng lỳ vào trung tâm xã. Sau đó thong thả thăm Ling La, Kon Kơ La, nghe ngóng chuyện bà con vươn lên thoát nghèo nhờ làm sản phẩm đặc trưng “Măng le Đăk Pxi”.

Bây giờ, cũng những triền dốc uốn lượn, những sườn đồi cao khi xưa, nhưng không còn hoang vu mà phơi phới màu xanh cây trái, cao su, cà phê. Nếu ghé vào một khu vườn nào đó sẽ được chủ vườn mến khách, giữ lại chiêu đãi bữa cơm “cây nhà lá vườn”.

Từ năm 2014, thêm một “cánh tay” mạnh mẽ “nâng bước” Đăk Pxi vươn lên, ấy là tuyến đường tránh lũ nối thôn 10 với đường Hồ Chí Minh. Tuyến đường dài hơn 26 km, được trải nhựa, vốn đầu tư gần 276 tỷ đồng không chỉ giúp hàng trăm hộ dân phía Tây sông Đăk Psi thoát cảnh cô lập mỗi năm vào mùa mưa lũ mà còn đem lại cơ hội khai phá vùng đất rộng mênh mông, giàu tiềm năng phát triển cây công nghiệp (như cà phê, cao su, hồ tiêu), cây ăn quả, nhưng vẫn hoang vu lâu nay vì không có đường đi qua.

Có lẽ Chủ tịch xã Nguyễn Phúc Đoan hiểu rằng tôi cần có thời gian để chiêm nghiệm, để cảm nhận về sự đổi thay của vùng đất giàu truyền thống cách mạng này, nên đã rủ rỉ mời kỳ được tôi lên xe máy dạo một vòng “gọi là cho biết sự đổi thay của Đăk Pxi”.

Từ UBND xã, chúng tôi băng qua cây cầu treo hiện đại, vững chãi vắt qua sông Đăk Psi cuồn cuộn dòng chảy đục ngầu vì mưa nguồn, đặt chân lên tuyến đường tránh lũ trải nhựa phẳng phiu. Trên dòng Đăk Psi hôm nay, đã có đến 3 cầu kiên cố như vậy nối đôi bờ, thay thế cho những cây cầu treo ọp ẹp bằng tre, gỗ, thường rung lên bần bật mỗi khi có người qua.

Vườn cà phê của Tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch xã Đăk Pxi. Ảnh: TH 

 

Những ngôi làng ở Đăk Pxi vẫn níu lấy sườn đồi như trước, nhưng không còn thấy vẻ u buồn mà sáng bừng màu mới. Sự thay đổi ở Đăk Pxi chậm rãi nhưng bền chắc, hiện diện ở từng mái nhà, từng gian bếp, từng mảnh vườn. Nhà cửa được sửa sang; đường liên thôn được mở rộng ra, kéo dài thêm. Những cánh đồng lúa nước 2 vụ xanh mát mắt; những rẫy bắp trải dài bên các khe suối; những sườn đồi bạt ngàn cao su, cà phê.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt 1.546,3 ha, trong đó có 803,99 ha cây hàng năm, 652,88 ha cây lâu năm; tổng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 7.000 con; 100% thôn, làng có điện; giáo dục, y tế, thương mại - dịch vụ phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 42,5%.

Từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện, sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, đến nay Đăk Pxi đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Có được diện mạo hôm nay, không phải có phép lạ của “đũa thần”, mà là kết quả của sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực cao của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã; sự triển khai có hiệu quả những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; phát huy nội lực dựa trên cơ sở khai thác hợp lý lợi thế, tiềm năng của địa phương và các nguồn lực khác.

Y Mừng chăm sóc vườn mít Thái. Ảnh: T.H 

 

Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm nhà Y Mừng ở làng Đăk Rơ Wang. Ngôi nhà nằm trên một sườn đồi van vát, xung quanh là hàng trăm cây mít Thái đang bắt đầu ra bói. Y Mừng phấn khởi khoe: Trước đây, khu đất này toàn cà phê, nhưng đã già cỗi, cho năng suất thấp. Được sự động viên, hướng dẫn của cán bộ xã, vợ chồng em mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng mít Thái và thử nghiệm một số loại cây khác, dù mới thu bói nhưng cho thu nhập cao hơn cà phê.

Y Mừng còn hồ hởi cho hay mới làm chuồng thả mấy con heo sọc dưa mua từ nguồn vay quỹ sinh kế của xã. “Trước đó em đã tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã mở rồi. Bây giờ nhiều hộ nghèo trong làng, trong xã cũng nuôi giống heo này, vì dễ nuôi, thức ăn có sẵn, đem lại giá trị kinh tế cao”- Y Mừng chia sẻ.   

Nhìn vợ chồng Y Mừng vừa tất bật chăm sóc vườn mít Thái đang độ sung sức vươn cành đón nắng vừa ríu rít bàn tính chuyện vay thêm tiền ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng sản xuất mà tôi thấy vui lây.

Những câu chuyện vui như vậy cứ theo chân chúng tôi trải dài trên những sườn đồi, chất chứa trong đó mạch sống đang lặng thầm xuôi chảy, đang ráng sức vươn lên, đang khát khao trỗi dậy nơi đây.

Thành Hưng

Chuyên mục khác