Lưu giữ nghề làm đầu lân ở "phố núi"

26/09/2023 06:21

Những ngày đầu tháng 8 âm lịch, cơ sở sản xuất đầu lân truyền thống của anh Đinh Vũ Thiện (32 tuổi)- Trưởng đoàn Đoàn nghệ thuật lân sư rồng Hoàn Thiện (đường Đào Duy Từ, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) luôn nhộn nhịp người ra vào. Nhiều năm qua, cơ sở sản xuất đầu lân của anh Thiện đã cung cấp hàng nghìn chiếc đầu lân phục vụ khách hàng trong và ngoài nước, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động.

Anh Thiện kể, từ nhỏ anh đã đam mê múa lân và khao khát tự tay mình làm ra những chiếc đầu lân riêng cho bản thân mình. Chính vì thế, anh luôn tự học hỏi, tìm hiểu các kiến thức làm đầu lân để sau này có cơ hội sẽ mở cửa hàng riêng cho mình.

Đến năm 2016, khi có đủ điều kiện, anh Thiện đã thành lập Đoàn nghệ thuật lân sư rồng Hoàn Thiện với khoảng 150 vận động viên tham gia. Đồng thời, anh Thiện cũng mở cơ sở làm đầu lân để vừa phục vụ cho việc hoạt động của Đoàn nghệ thuật, vừa bán ra ngoài thị trường làm kế sinh nhai.

Anh Thiện nhớ lại, những chiếc lân đầu tiên do anh làm có kết quả không như anh mong đợi. Có chiếc thì bị méo, có chiếc mắt lân bị lệch, chiếc thì hoa văn không đều… Khi đấy, anh đã tổng hợp ý kiến đóng góp của các anh em trong cơ sở, lựa chọn những người thợ có năng khiếu riêng để phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Sau 4 chiếc lân bị hỏng, cả đội rút được nhiều kinh nghiệm, đến chiếc thứ 5 mọi người mới thực sự hài lòng. Năm đầu tiên, cơ sở của anh Thiện bán khoảng 50 đầu lân. Tuy số lượng bán còn ít, nhưng đây là động lực để cơ sở ngày càng phấn đấu, cải thiện mẫu mã để thu hút người tiêu dùng.

Để một chiếc đầu lân được hoàn thiện, người thợ phải trải qua 4 công đoạn. Từ tạo khung sườn, đến dán vải, dán giấy, sau đó vẽ họa tiết, hoa văn, trang điểm cho chú lân, rồi dán lông, gắn mắt, phụ kiện… tất cả đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, tập trung của người thợ.

Anh Thiện cho biết: Mỗi người thợ đến cơ sở làm đều có một năng khiếu riêng. Tôi đã tạo điều kiện để mọi người làm, trải nghiệm, sau đó sẽ khai thác được các tài năng thông qua sở thích của mỗi bạn. Từ đó sẽ phân công, bố trí công việc phù hợp để tạo ra được một chiếc đầu lân đẹp, có hồn và hoàn hảo nhất.

Cơ sở của anh Thiện chủ yếu sản xuất 3 kích cỡ đầu lân. Đầu lân “mini” dành cho các cháu mẫu giáo, cấp 1 với giá bán dưới 200 nghìn đồng/chiếc; đầu lân cỡ trung dành cho học sinh cấp 2, với giá bán khoảng 2 triệu đồng/bộ (gồm đầu, đuôi, 2 chiếc quần); đầu lân cỡ lớn với giá từ 5 - 7 triệu đồng/bộ.

Cùng với đó, anh Thiện còn nhận làm đầu lân các hình con vật theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài sản xuất lân, cơ sở còn sản xuất mặt nạ, giày móng, các phụ kiện… phục vụ cho việc múa lân, cung cấp sỉ và lẻ cho khách hàng.   

Anh Thiện luôn chú trọng cải thiện mẫu mã, màu sắc phù hợp theo xu thế để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ảnh: VT

 

Cơ sở sản xuất đầu lân của anh Thiện đang tạo việc làm ổn định cho 15 lao động. Ảnh: VT

 

Theo thời gian, sự khéo léo, tỉ mỉ, cùng với sự nhạy bén, bắt kịp xu thế, mẫu mã, màu sắc đã được những người thợ thể hiện rõ nét qua từng chiếc đầu lân. Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đã biết đến cơ sở sản xuất lân của anh Thiện. Thậm chí có khách hàng ở các nước Malaysia, Singapore cũng đặt mua hàng của cơ sở. Những năm gần đây, số lượng đầu lân do cơ sở làm ra bán ngày càng tăng, trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất và bán hơn 500 chiếc. Nhờ số lượng đầu lân bán ngày càng nhiều nên cơ sở có thể duy trì và tạo việc làm ổn định cho 15 lao động.

Các lao động làm việc tại cơ sở sản xuất đầu lân của anh Thiện đa số là các bạn trẻ, có chung niềm đam mê múa lân và yêu thích tạo ra những chiếc đầu lân có hồn. Tùy theo tay nghề, kinh nghiệm, mỗi lao động sẽ được trả lương từ 4,5 – 8 triệu đồng/tháng, cộng với số tiền các bạn tham gia biểu diễn múa lân đủ để trang trải cuộc sống.

Là một người thợ làm việc tại cơ sở, em Lương Thanh Hưng (20 tuổi) – sinh viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết: Đến nay em đã làm việc ở đây được 7 năm. Em rất đam mê múa lân và thích làm đầu lân. Đến với cơ sở của anh Thiện, chúng em có chung niềm đam mê nên rất yêu thích công việc này. Hiện tại, em vừa học vừa làm, mỗi tháng trung bình em thu nhập hơn 7 triệu đồng từ việc làm đầu lân.

“Không riêng những bạn trẻ làm việc tại cơ sở có thu nhập ổn định, mà đồng bào DTTS sống gần khu vực cũng có thu nhập nhờ việc bán lồ ô, nứa cho cơ sở. Một năm cơ sở tiêu thụ rất nhiều lồ ô, nứa, mọi người chở đến đây bán với giá trung bình 350.000 đồng/bó 30 cây”- anh Thiện cho biết thêm.

Có thể thấy, cơ sở sản xuất đầu lân của anh Thiện đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, tạo được việc làm cho nhiều lao động. Hy vọng, qua từng lớp lông, từng nét vẽ tâm huyết của những “nghệ nhân” ở cơ sở sẽ góp phần thắp lửa, giữ hồn cho một nghề truyền thống luôn mang lại niềm vui và may mắn cho người người, nhà nhà vào dịp Tết Trung thu hay các ngày lễ, hội khác.

Văn Tùng

 

Chuyên mục khác