Lưu giữ nghề in lụa thủ công

25/07/2019 13:01

Dù những dòng sản phẩm làm ra từ máy móc và kỹ thuật hiện đại đã và đang chiếm ưu thế, nhưng nghề in lụa thủ công vẫn còn giữ được chỗ đứng vững vàng bởi sản phẩm làm ra tinh tế, bền đẹp...

Là một kỹ thuật in ấn có lịch sử phát triển từ lâu đời, in lụa từng là phương pháp phổ biến, phát triển rộng khắp, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng đánh giá cao và tin tưởng sử dụng.

Ngày nay, dù ngành in đang chuyển hướng sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, với những dòng sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất liệu.., nhưng in lụa thủ công vẫn giữ được chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Với công nghệ đơn giản, đa dạng, in lụa không cần phải đầu tư tốn kém mà lại tạo nên sản phẩm in có chất lượng không hề thua kém các kỹ thuật in hiện đại khác.

Chị Phúc (chủ cơ sở in lụa Phúc) trên đường Lê Hồng Phong - người đã có thâm niên trong nghề cho biết: Các sản phẩm khó, với nhiều chất liệu khác nhau cũng có thể in bằng kỹ thuật in lụa, như vải, gỗ, ni lông, giấy, kính, đá…, trong khi in máy thường kén chất liệu hơn; đường nét trong in lụa cũng sắc sảo và bền màu hơn in máy nhiều.

Muốn tạo được sản phẩm đẹp, đa dạng về thiết kế cũng như đầy tính kỹ thuật cao từ in lụa thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Đầu tiên phải thiết kế được bản mẫu trên máy vi tính bằng phần mềm chế bản chuyên dụng, sau đó xuất phim bằng chất liệu giấy can, tiếp đến chụp qua khung lụa bằng tơ tằm, cuối cùng mới in lên chất liệu và chờ khô, lúc đó mới cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Khi công việc đã hoàn tất là đến phần tẩy rửa khung để dùng cho lần sau. Phương pháp tẩy rửa cũng không kém phần quan trọng, nếu không tẩy rửa sạch, việc phơi lên lụa sẽ kém hiệu quả.

Để có một sản phẩm vừa lòng khách hàng đòi hỏi người thợ phải có những thao tác hết sức chuẩn xác, tỉ mỉ, khéo léo và tư duy sáng tạo trong nghề nghiệp, từ việc xuất phim, tách màu sao cho không bị lem (thao tác này tốn nhiều thời gian bởi phải ra nhiều khung), đến in sản phẩm, sau đó kiểm tra xem màu mực in có đúng với thiết kế gốc không, hình ảnh đã chuẩn xác chưa…

Đặc biệt, việc in trên nhiều chất liệu đòi hỏi thợ in phải nắm chắc nhiều kỹ thuật phức tạp khác nhau, mà nếu không có kinh nghiệm, sẽ khó mà cho ra sản phẩm ưng ý.

Qua một thời gian dài gắn bó với nghề in lụa, chị Phúc trải lòng: Thời điểm mới vào nghề, cơ sở in của chị gặp rất nhiều khó khăn. Theo thời gian, vừa chăm chỉ làm việc, vừa nỗ lực học hỏi không ngừng, tay nghề được nâng lên, các sản phẩm ngày càng đa dạng.

“Mỗi sản phẩm chỉ lời ít thôi, nhưng nhờ lượng hàng tiêu thụ lớn nên cơ sở của chị sản xuất ổn định, đảm bảo được thu nhập cho anh em công nhân”- chị Phúc bộc bạch.

Hiện nay, một số cơ sở in ấn bằng các kỹ thuật hiện đại (in kỹ thuật số, in phun, in laser màu…) xuất hiện, đem lại áp lực cạnh tranh lớn cho in lụa thủ công, bởi vừa nhanh chóng, vừa không tốn nhiều công sức, giá thành lại rẻ hơn. Trước tình hình đó, nhiều thợ in lụa có phần băn khoăn và lo lắng, tuy nhiên, qua thực tế, in lụa thủ công vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ những ưu điểm và tính năng vượt trội mà kỹ thuật này mang lại.

Chị Lê Thị Hòa (công nhân cơ sở in lụa Phúc) chia sẻ: Dù cho máy móc trong lĩnh vực in ấn có phát triển, nhưng tôi vẫn tin tưởng vào sự tồn tại bền vững của in lụa thủ công, nên quyết tâm theo nghề. Hàng ngày, tôi vẫn tự mình tìm tòi những kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất. Để thành một thợ in lụa giỏi đòi hỏi phải không ngừng học hỏi, sáng tạo…

Gắn bó với nghề đã hơn 20 năm nay, chưa có điều kiện để tách ra làm riêng, nhưng nghề in lụa này giúp chị Hòa có thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Chị Hòa in lụa bằng phương pháp thủ công. Ảnh: HM

 

Điều đáng nói là hiện nay, nhiều bạn trẻ cũng rất quan tâm tới nghề in lụa thủ công này và tìm đến học. Để học nghề in lụa thủ công cũng không khó, người học không phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, thông thường chỉ khoảng 7-15 ngày là có thể nắm được những kỹ thuật cơ bản. Nhưng để làm được những sản phẩm đẹp, đòi hỏi phải có tâm huyết, đam mê và sự kiên trì- chị Phúc cho hay.

Vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông, trong khi bạn bè đều đăng ký thi vào các trường cao đẳng, đại học, thì Y Thương lại đi học nghề in lụa vì muốn sớm có việc làm để phụ giúp ba mẹ.

Mới theo học nghề in lụa được hơn tháng nhưng em cũng đã thao tác khá thành thạo. Em thổ lộ: Nghề này tuy dễ nhưng muốn trở thành người thợ giỏi cần phải hiểu và thuần thục tất cả các quy trình, từ sử dụng máy tính để thiết kế, nấu keo, pha mực, đến phơi bản, kéo lụa… Em mơ ước trở thành người thợ giỏi và đang phấn đấu học hỏi các anh chị đi trước.

Nhìn đôi tay Y Thương đang thoăn thoắt pha màu, tôi tin rằng, không lâu nữa, em sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Hạ Mi

 

Chuyên mục khác