26/08/2018 07:35
Ngày 25/8/1945, một cuộc mít tinh đã được tổ chức tại sân vận động thị xã Kon Tum để tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự trong tỉnh, Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời tiến hành thành lập đội Giải phóng quân, đây là lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Kon Tum, được thành lập từ khi có chính quyền cách mạng.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và chặng đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lực lượng vũ trang tỉnh đã trực tiếp tham gia gần 5.500 trận đánh, tiêu diệt hơn 58.000 tên địch, phá hủy hàng nghìn vũ khí các loại. Cũng trải qua ngần ấy năm, đã có 2.802 cán bộ, chiến sĩ- người con của vùng cực Bắc Tây Nguyên- ngã xuống vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc; hơn 2.750 thương binh, bệnh binh; 112 người mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...
Hòa bình lập lại, lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục kề vai, sát cánh cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh hàn gắn vết thương chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng và phát triển kinh tế- xã hội.
Lực lượng vũ trang tỉnh không ngừng làm tốt chức năng đội quân công tác. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nhân dân, tham gia các chương trình xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Điển hình là lực lượng vũ trang tỉnh đã cùng với đồng bào các dân tộc trong tỉnh “chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều chương trình, việc làm cụ thể như “Xoá hộ đói, giảm hộ nghèo”; “Bò giống cho hộ nghèo”; “Hũ gạo vì người nghèo”… để giúp nhân dân các xã còn khó khăn phát triển kinh tế- xã hội bền vững.
|
Với khẩu hiệu hành động “cứu dân là trên hết”, trong thiên tai, hoả hoạn, lực lượng vũ trang tỉnh luôn xung kích đi đầu, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân, sát cánh cùng với nhân dân khắc phục hậu quả nặng nề của bão lũ...
Đại tá Trương Quang Nhạn- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chia sẻ: “Có thể khẳng định, lực lượng vũ trang tỉnh là lực lượng thường trực, nòng cốt, luôn đi đầu những nơi xung yếu để cứu dân khi gặp thiên tai, giúp dân khắc phục hậu quả nặng nề mà thiên tai để lại. Riêng trong năm 2018, lực lượng vũ trang tỉnh đã thực hiện nhiều đợt hành quân dã ngoại giúp dân, đặc biệt là giải cứu thành công 4 nhân viên Trạm Thủy văn Đăk Mốt trên sông Pô Kô vào đêm 24/7; làm tốt công tác dân vận ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum); giúp nhân dân tỉnh Attapư (CHDCND Lào) khắc phục vỡ đập thủy điện Sadamxay hay là giúp dân huyện Ia H’Drai khắc phục hậu quả cơn lũ mới đây…”
Quả thật vậy, trước đó, vào khoảng 16 giờ ngày 23/7, 4 cán bộ, nhân viên Trạm Thủy văn Đăk Mốt, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô trong khi làm nhiệm vụ đo tốc độ lưu lượng nước chảy ngang con sông Pô Kô thì thuyền gặp sự cố do rác, cây cối cuốn vào bánh lái và chân vịt. 4 cán bộ, nhân viên của Trạm Thủy văn Đăk Mốt đã cố gắng để đưa thuyền vào bờ nhưng đến đêm 23/7 vẫn bất thành. Ngay trong đêm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cử cán bộ, chiến sĩ Đại đội Trinh sát vượt trên 60km có mặt kịp thời ứng cứu người bị nạn. 4 nhân viên của Trạm Thủy văn Đăk Mốt đã được cứu hộ thành công, an toàn vào bờ vào lúc 1 giờ sáng 24/7.
Hay là sau sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapư (CHDCND Lào), ngoài huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân bạn ở vùng bị nạn dọn dẹp vệ sinh; phòng chống dịch bệnh; tham gia tìm kiếm người mất tích; sửa sang, vệ sinh trường học…, lực lượng vũ trang tỉnh còn trực tiếp khám chữa bệnh, cấp thuốc cho hơn 200 lượt người; tặng lực lượng vũ trang tỉnh Attapư-Lào 10 bộ bếp ga cơ động phục vụ công tác cứu nạn; hỗ trợ lương thực cho nhân dân và tặng 50 bộ quần áo. Tổng số tiền cứu trợ trong đợt này trên 312 triệu đồng…
Không thể nào đếm hết được những phần việc mà lực lượng vũ trang tỉnh đã giúp nhân dân trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (từ năm 2013 đến nay), lực lượng vũ trang tỉnh đã tham gia xóa đói, giảm nghèo được 98 hộ; giúp dân trên 18.600 ngày công lao động; khai hoang, phục hóa 20,5 ha lúa nước; làm mới 30,5 km đường liên thôn; sửa chữa 6 trường học và 10 nhà rông; nạo vét 9,5 km kênh mương; giúp dân thu hoạch 45 ha hoa màu; đào đắp 1 con đập ngăn nước với 65 m3 đất đá...; xây 24 “Nhà tình nghĩa” cho 24 hộ gia đình chính sách và 8 căn “Nhà đồng đội” trị giá 2,2 tỷ đồng; quyên góp tiền, vật chất giúp đỡ các địa phương còn nhiều khó khăn hoặc gặp thiên tai trị giá 550 triệu đồng; xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trị giá 245 triệu đồng; khám bệnh, cấp thuốc cho 5.140 lượt người, trị giá 420 triệu đồng...
Trong đợt hạn hán năm 2016, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia cùng với nhân dân khắc phục hạn hán trên địa bàn tỉnh. Qua đó nạo vét được 32 giếng nước, nạo vét 2km mương và đắp 40m đập dẫn nước; vận chuyển 8.000m3 nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn xã Ia Ly và Ia Xiêr...
Những công trình, việc làm của cán bộ, chiến sĩ ghi dấu những kỷ niệm đẹp trong lòng người dân các địa phương. Đóng góp thầm lặng của họ đã góp phần tạo nên sự ấm no, bình yên và hơn hết là đã xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc ở nơi vùng cực Bắc Tây Nguyên...
Dương Đức Nhuận