Lực lượng tiên phong trong phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở

06/04/2024 13:08

Thời gian qua, lực lượng Công an tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp và vận dụng hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Qua đó, giúp các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức trong việc PCCC, giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả khi có hỏa hoạn xảy ra.

Để tìm hiểu công tác PCCC tại cơ sở, chúng tôi về xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông. Trung úy Khổng Minh Trang – Phó trưởng Công an xã Đăk Na cho biết: Bà con ở xã Đăk Na nói riêng và các xã vùng cao nói chung vẫn còn hạn chế về nhận thức trong công tác PCCC. Để bà con nắm, biết, nhận diện nguy cơ cháy, nổ tại gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh và biết được những kiến thức cơ bản về PCCC, lực lượng Công an cấp xã kết hợp với tổ dân phòng của xã đã đến từng thôn, làng, từng cụm dân cư, gia đình để chỉ dẫn, tuyên truyền cho bà con về các nguy cơ xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố; vận dụng phương châm “4 tại chỗ”, cách sử dụng bình chữa cháy, các trang thiết bị, vật dụng để dập tắt đám cháy và quan trọng nhất là hướng dẫn cho bà con thực hành các thao tác chữa cháy, thoát nạn khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra trong thực tế. Hằng năm, lực lượng Công an cấp xã đã phối hợp tổ chức 6 đợt tuyên truyền về pháp luật PCCC cho hơn 2.000 lượt người dân, học sinh trên địa bàn; thành lập 1 tổ liên gia PCCC; xây phương án PCCC tại các thôn; vận động các hộ kinh doanh trang bị các bình chữa cháy.

Lực lượng công an các xã, phường, thị trấn đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân trong công tác PCCC. Ảnh: V.T

 

Không riêng Công an xã Đăk Na, mà các lực lượng công an cấp xã trên địa bàn tỉnh đều làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền người dân về PCCC. Thời gian qua, lực lượng Công an cấp xã toàn tỉnh đã mở 757 lớp tuyên truyền, tập huấn cho người dân, hộ gia  đình; vận động 99% hộ gia đình chủ động mở lối thoát nạn thứ 2, đảm bảo an toàn thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Hiện nay, số cơ sở do UBND cấp xã quản lý, kiểm tra quy định PCCC là 4.277, chiếm 79,71% tổng số cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC toàn tỉnh. Trong phạm vi được phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra an toàn PCCC đối với cơ sở, Công an cấp xã đã chủ động tham mưu cho UBND cấp xã thực hiện kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) đối với các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng Công an cấp xã đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót và hướng dẫn cơ sở khắc phục, đồng thời xử lý nghiêm đối với các cơ sở, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về PCCC; kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ phát sinh cháy, nổ, sự cố, tai nạn.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC đối với cơ sở, lực lượng Công an cấp xã luôn là lực lượng tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện đẩy mạnh phong trào “Toàn dân PCCC tại cấp cơ sở”. Đơn cử, sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, cùng với các ngành, đơn vị trong địa phương, lực lượng Công an cấp xã tích cực chủ động tham mưu UBND cấp xã xây dựng được phong trào, mô hình như: “Tuyến đường 100% gia đình trang bị bình chữa cháy”; “Tổ liên gia an toàn PCCC”; “Điểm chữa cháy công cộng”. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 204 tổ liên gia an toàn PCCC và 37 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”.

Công an xã Đăk Na hướng dẫn học sinh sử dụng bình chữa cháy. Ảnh: VT

 

Việc vận dụng phương châm “4 tại chỗ” và xây dựng các mô hình PCCC đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua thống kê từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 61 vụ cháy, trong đó có 34 vụ cháy do lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH xử lý, 27 vụ cháy do lực lượng tại chỗ xử lý (chiếm 44,3%). Qua đó cho thấy, lực lượng tại chỗ, mà nòng cốt là lực lượng Công an cấp xã, đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chữa cháy và CNCH ở giai đoạn ban đầu với những vụ cháy nằm cách xa đơn vị cảnh sát PCCC&CNCH chuyên nghiệp.

Thượng tá Đặng Việt Dũng – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) cho biết: Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, lực lượng Công an cấp xã cần tiếp tục duy trì hoạt động và nhân rộng các mô hình điển hình hay, hiệu quả; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn PCCC; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, chú trọng các đối tượng là công nhân lao động, học sinh, sinh viên, các hộ kinh doanh, hộ gia đình để công tác PCCC đi vào từng công việc, sinh hoạt hàng ngày của người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, góp phần làm giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Văn Tùng

Chuyên mục khác