Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Những ngày đầu thực thi

04/01/2020 16:10

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (viết tắt là Nghị định 100-NĐ/CP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kon Tum, qua mấy ngày đầu thực thi, đa số người dân đều chấp hành nhưng cũng có không ít trường hợp vi phạm.

Người dân đồng thuận, ủng hộ

Trong những ngày đầu năm, chúng tôi đã gặp, trao đổi với một số người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum về việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100-NĐ/CP. Nhìn chung, hầu hết người được hỏi đều cho biết đã nắm nội dung Luật, Nghị định và sẽ chấp hành tốt.

Trao đổi với chúng tôi, anh A Thành (35 tuổi, trú tại phường Lê Lợi) cho biết: Qua xem ti vi, mình biết Nhà nước cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia nên sẽ thực hiện. Ở làng, mấy năm trước cũng có người tử vong do uống rượu say đi xe máy rồi đâm vào trụ điện bên đường. Vì thế, mỗi khi ra đường gặp người uống rượu, bia, mặt đỏ bừng bừng, điều khiển xe chạy lạng lách, vượt ẩu, mình rất sợ.

Anh Hoàng Văn Thanh (xã Đoàn Kết) tâm sự: Nhà nước có cấm người dân uống rượu, bia đâu, mà chỉ cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia thôi. Mình ủng hộ vì khi đi xe máy mà có rượu, bia trong người rất dễ gây tai nạn. Việc xử phạt hành chính theo Nghị định 100-NĐ/CP thấy có vẻ nặng tay nhưng theo mình rất hợp lý, bởi người đã uống rượu bia điều khiển phương tiên tham gia giao thông không chỉ có thể tự gây tai nạn mà còn nguy hiểm cho những người xung quanh.

Chị Trần Thị Hòa (phường Duy Tân) kể với chúng tôi: Ông xã nhà em nói vui, từ nay mỗi lần đi liên hoan, giỗ chạp, đám cưới… đều đưa vợ đi cùng để có người chở về nhà cho đúng luật. Theo em nghĩ, phạt nặng để răn đe những người uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, chứ không thì dễ gây ra tai nạn làm tan cửa nát nhà, biết bao người khốn khổ.

Vẫn còn người vi phạm

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thơ của tài xế. Ảnh TVP

 

Chúng tôi có mặt tại một số điểm chốt của lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) trong những ngày ra quân đầu năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100-NĐ/CP. Có tận mắt chứng kiến, mới thấy được sự vất vả của các chiến sĩ Cảnh sát giao thông khi thực thi nhiệm vụ.

Chiều 3/1, tại điểm chốt đầu cầu Đăk Bla (thành phố Kon Tum), anh N.V.A (trú tại phường Thắng Lợi) đã không chịu xuất trình giấy tờ tùy thân, có những lời lẽ khiếm nhã với lực lượng chức năng khi kết quả kiểm tra cho thấy có sử dụng bia rượu. Các chiến sĩ Cảnh sát giao thông phải kiên trì tuyên truyền, giải thích khá về tác hại của việc uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông và những quy định xử phạt hành chính theo Nghị định số 100-NĐ/CP, anh N.V.A mới hết “cãi chày cãi cối” và chịu hợp tác.

Cũng trong chiều 3/1, có hai thanh niên đi xe máy, khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông báo hiệu dừng xe để kiểm tra đã rú ga bỏ chạy, lạng lách sát xe mô tô của một phụ nữ, làm chị này giật mình và ngã xuống đường, rất may là không xảy ra thương tích. Các chiến sĩ Cảnh sát giao thông phải dùng 2 mô tô chuyên dụng có phân khối lớn vây bắt và dẫn về trụ sở để xử lý.

Sau 17h cùng ngày, có mặt trên đường Nguyễn Huệ (thành phố Kon Tum), chúng tôi thấy nhiều quán nhậu, nhà hàng vẫn có nhiều xe máy, xe ô tô đỗ đầy cả hai bên đường. Bên trong các quán, không ít người, trong đó chủ yếu là thanh niên, đang vui vẻ cụng ly.

Một chị đi đường cùng tôi nói: Ai dám chắc tất cả những người đang uống bia rượu này đều bỏ xe máy lại quán hoặc gọi người thân đến chở về nhà. Vì vậy, việc cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông là đúng, nhưng rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện, chứ chỉ riêng lực lượng công an thì không thể làm nổi. 

Lực lượng chức năng vào cuộc

Làm việc với chúng tôi, Đại tá Lê Đình Toàn - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100-NĐ/CP, ngay trong ngày Tết Dương lịch, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn tỉnh đã tổ chức ra quân triển khai kiểm tra đo nồng độ cồn của những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Qua báo cáo của các chốt và Công an các huyện, thành phố, đa số người dân đã chấp hành tốt Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100-NĐ/CP. Đối với các trường hợp vi phạm, phần lớn đều nhận lỗi và nộp phạt để tự răn mình lần sau không tái phạm. Đây là kết quả tích cực từ công tác tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng.

Riêng tại địa bàn thành phố Kon Tum, sau 3 ngày ra quân, lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã phát hiện 8 trường hợp vi phạm Nghị định số 100-NĐ/CP về nồng độ cồn (2 trường hợp điều khiển ô tô và 6 trường hợp điều khiển mô tô).

Trần Văn Phúc

 

Chuyên mục khác