Lựa chọn

26/06/2023 13:02

Được tự lựa chọn nghề nghiệp dựa trên sở thích và năng lực của bản thân, con trẻ sẽ có động lực và trách nhiệm hơn với quyết định của mình.

Ngày thi tốt nghiệp THPT cận kề, cháu gái tôi bỗng thông báo sẽ không chọn vào trường đại học như bố mẹ mong muốn, mà sẽ theo học nhiếp ảnh tại Học viện Lavender Việt Nam, một nôi đào tạo chuyên sâu về nhiếp ảnh.

Suy cho cùng, tôi không cho rằng đó là một lựa chọn tồi. Bởi cháu có đam mê về nhiếp ảnh, và thật sự có năng khiếu, có đủ sự tinh tế và óc sáng tạo, sự kiên trì cần thiết để trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Do nghề nghiệp, tôi cũng biết đôi chút về nhiếp ảnh. Khi còn nhỏ, cháu hay đòi đi theo mỗi khi tôi xách máy ảnh lang thang khắp thành phố Kon Tum.    

Tôn trọng quyền lựa chọn nghề nghiệp của con trẻ. Ảnh: H.L

 

Nhưng bố mẹ cháu thật sự sốc vì nhiều lý do. Thứ nhất, cháu học giỏi, nhất là tiếng Anh, luôn đứng đầu lớp chuyên, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Với học lực của cháu, vào trường top đầu là dư sức. Và như bố mẹ cháu nói, nếu không học đại học thì… phí lắm.

Thứ hai, trước đây cháu từng tỏ ý không muốn học đại học mà chỉ thích học nghề, sau thời gian dài thuyết phục, cháu đã đồng ý theo hướng đi của bố mẹ.

Và quan trọng nhất, cháu đã nhận được thông báo trúng tuyển nguyện vọng 1, nhóm ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Cháu đã nghĩ kỹ lắm rồi đấy ạ- cháu nói, khi tôi được bố mẹ cháu nhờ làm “thuyết khách”- Cháu chỉ thi để xét tốt nghiệp thôi, còn đi học đại học như bố mẹ mong muốn thì cháu thấy không hợp với mình.

Tôi đã nói với cháu rằng, vẫn còn thời gian để suy nghĩ và lựa chọn. Bởi  theo văn bản hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7/2023, thí sinh có quyền đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

Rằng cháu không thử làm sao biết mình phù hợp hay không. Cứ đi học đại học, sau một thời gian nếu không thích, hoặc không phù hợp thì sẽ đổi. Nhỡ đâu, khi đi học rồi, cháu lại yêu thích thì sao.

Nhưng rồi tôi đã bị cháu thuyết phục ngược, “Nếu được tự lựa chọn nghề nghiệp dựa trên sở thích và năng lực của bản thân, cháu mới có động lực và trách nhiệm hơn”- cháu nói.

Còn nếu cháu vào trường đại học để vừa ý bố mẹ thì sẽ khó chuyên tâm học hành, bởi giảng đường đại học không tạo cho cháu niềm hứng khởi trong học tập. Cháu biết không ít anh chị bỏ học sau một thời gian, tốn kém cả về kinh phí, lẫn thời gian, sức lực.

Hoặc khi ra trường phải rất khó khăn trong khâu tìm việc, đa số làm trái ngành, nên làm việc một cách thụ động, không hứng thú, thiếu sáng tạo, người lớn bảo gì làm đó, không chủ động đưa ra ý tưởng để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Thế là tôi quyết định ủng hộ cháu, “quay xe” thuyết phục anh chị mình tôn trọng, ủng hộ lựa chọn của con trẻ. Vì việc lựa chọn ấy cho thấy cháu có trách nhiệm với bản thân mình.

Có rất nhiều câu chuyện có thật như vậy đã và đang diễn ra ở nhiều gia đình, trong những ngày này. Khi mà con trẻ đang đứng trước những cánh cửa vào đời khác nhau. Lựa chọn đúng hay sai đều có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai.

Có thể nói hầu như đứa trẻ nào cũng trải qua giai đoạn lúng túng, hoang mang khi phải loay hoay lựa chọn nghề nghiệp cho mình.

Nhiều khi, vì sự hoang mang ấy, nên gia đình, bố mẹ đã can thiệp, thậm chí quyết định thay. Hoặc chí ít cũng thành chủ đề cho những cuộc tranh luận bất tận giữa 2 phe phản đối - ủng hộ, mà chính những người tham gia cũng không thể biết rõ đúng sai.

Những lúc như thế, vai trò của nhà trường và gia đình là rất quan trọng. Vấn đề là cách giúp con trẻ như thế nào.

Lựa chọn tốt nhất trong trường hợp này, thay vì áp đặt, lựa chọn thay, bắt con trẻ đi theo hướng người lớn vạch ra mà chúng không yêu thích, người lớn chỉ nên đảm nhận vai trò tư vấn. 

Cha mẹ và người thân cần bình tĩnh và luôn sẵn sàng lắng nghe con trẻ chia sẻ về sở thích, nguyện vọng của mình, và chuẩn bị tinh thần với sự thay đổi ước mơ của chúng bất cứ khi nào.

Từ vốn sống của mình, cha mẹ có thể cung cấp cho con nhiều nhất có thể những thông tin cơ bản nhằm mô tả về công việc, những đòi hỏi đặc biệt, triển vọng thu nhập và thăng tiến; đồng thời khích lệ, giúp con nhìn thấy năng lực nổi trội của bản thân.

Và đặc biệt là không để lựa chọn mang tính áp đặt của bố mẹ “xung đột” với mơ ước của con trẻ.

Tăng cường cung cấp, tư vấn về nghề nghiệp cho học sinh. Ảnh: HL

 

Về phía nhà trường, những hoạt động phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cần được làm sớm và thường xuyên, không phải đợi đến mùa tuyển sinh mới tổ chức theo kiểu “đến hẹn lại lên”.

Hoạt động này cũng cần được tiến hành theo nhiều cách thức khác nhau. Có thể là mời chuyên gia có khả năng truyền cảm hứng trong các lĩnh vực đến nói chuyện.

Có thể mời chính phụ huynh, những người thành công với nghề nghiệp mình lựa chọn, để giúp con trẻ có cái nhìn trực quan và đa dạng hơn về các cơ hội công việc trong tương lai. Đồng thời tạo điều kiện để con trẻ trình bày hiểu biết và định hướng của bản thân.

Một trong những hình thức đang được yêu thích là nhà trường thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất để tổ chức các chuyến trải nghiệm, đưa học sinh đi thực tập, tham quan.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đến. Tôi không thể biết trong  số 5.028 thí sinh đang chuẩn bị  bước vào phòng thi kia có bao nhiêu em còn đang loay hoay với lựa chọn của mình, nhưng điều tôi muốn nói rằng, dù học đại học hay học nghề, thì kỹ năng tự học tập, thích nghi nhanh mới là chìa khóa để thành công.

Và điều quan trọng hơn cả, các em mới là người đưa ra quyết định cuối cùng!

Hồng Lam

Chuyên mục khác