Lòng tự trọng của người làm báo

18/06/2024 06:23

Học giả người Hunggari Thomas Szasz có câu nói nổi tiếng: “Người sáng suốt coi lòng tự trọng là không thể thương lượng và sẽ không đổi nó lấy sức khỏe, sự giàu sang hay bất cứ thứ gì khác”. Cùng với “cái tâm” đáng trân quý, “lòng tự trọng” của người làm báo rất được đề cao.

Theo “Từ điển Tiếng Việt” do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành: Tự trọng là “coi trọng và gìn giữ phẩm cách của mình”. Với nội dung được Wikipedia (Từ bách khoa toàn thư mở) xác định thì: Tự trọng là sự đánh giá chủ quan của một cá nhân về giá trị của bản thân. Lòng tự trọng bao gồm niềm tin vào bản thân cũng như các trạng thái cảm xúc (như chiến thắng, tuyệt vọng, tự hào, xấu hổ...).

Nhà báo tác nghiệp ở vùng sâu. Ảnh: TN

 

Làm báo là một nghề đặc thù. Có không ít con đường dẫn dắt đến với công việc này, và người đến với nghề cũng bằng ý nguyện, hoài bão, động cơ, mục đích khác nhau. Song dễ nhận thấy, người giàu lòng tự trọng luôn đến với nghề báo mà mình lựa chọn bằng “sự tử tế” vốn có. Không được như vậy, sẽ là “mầm mống” khó lường vì những toan tính, vụ lợi sau này.

Đề cao lòng tự trọng, trước hết, người làm báo cách mạng nhận thức đúng đắn, đầy đủ vai trò, vị trí của mình để xứng đáng là “người chiến sĩ” trên “Mặt trận công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng”. Bao trùm và xuyên suốt, chính là “hành nghề” bằng “trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Trong đó, nghĩa vụ công dân là nghiêm túc chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trách nhiệm xã hội đòi hỏi mỗi người làm báo phải thấm thuần các chuẩn mực trung thực, khách quan, công tâm cũng như các yêu cầu về tính đảng, tính nhân dân, tính chiến đấu của báo chí. Một cách ngắn gọn và đầy đủ nhất, thì “Viết cho ai/ Viết để làm gì/ Viết như thế nào” theo gương Bác Hồ kính yêu chính là “cẩm nang” mà mỗi người làm báo đầy tự trọng không thể xao nhãng.

Có thể nhận thấy, nghề nào cũng đòi hỏi “phải có đạo đức và lòng tự trọng”. Người có lòng tự trọng chắc chắn luôn sẵn đạo đức nghề nghiệp. Người thiếu lòng tự trọng hẳn nhiên dễ gì coi trọng đạo đức nghề nghiệp. Yêu cầu này thực sự càng khắt khe hơn với những người làm báo. 

Phóng viên đi thực tế cơ sở. Ảnh: TN

 

Thực tế ghi nhận, việc chủ động, tích cực làm theo 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo không chỉ là biểu hiện sinh động của nhận thức về “bổn phận, nguyên tắc hành nghề”, mà còn là thước đo “lương tâm, trách nhiệm” đối với lòng tự trọng của mỗi người làm báo. Trong đó, điều 3 quy định: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che dấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc”.

Trong môi trường hoạt động báo chí của ta, có thể nói rằng thiếu tự trọng chính là nguyên nhân khiến tinh thần “tự phê bình và phê bình” đứng trước nguy cơ bị xem nhẹ, có khi triệt tiêu, hoặc biểu hiện lệch lạc. Nếu lợi dụng phê bình để triệt hạ, trù dập nhau, thì tất nhiên yếu tố cốt lõi trung thực, khách quan, công tâm bị bỏ qua.Khi yêu cầu “tự phê bình” bị lờ đi thì biểu hiện kết bè kết cánh, “lợi ích nhóm” lại có “đất sống” dung trú.

Nghiêm khắc nhìn nhận trong môi trường công tác báo chí, không phải là không tồn tại hiện tượng người cầm bút tùy tiện “sao chép”, “mượn tạm” nội dung của tác giả khác; người quản lý thì dung dưỡng cho sự vi phạm đạo đức hành nghề của cá nhân thiếu tự trọng. Không ít biểu hiện cũng có thể kể đến là “lách công việc”, bất chấp các quy định mà thiếu công khai, minh bạch trong việc phân công, phân nhiệm hay trong đánh giá kết quả công tác đối với cá nhân, tập thể. Không loại trừ có vị lãnh đạo luôn cho mình cái “đặc quyền” để chỉ đạo theo lối mệnh lệnh, áp đặt, khiến không khí làm việc căng thẳng, áp lực. Đáng buồn không kém, khi người cầm bút, cầm máy lại có biểu hiện tự cao tự đại, xem thường người khác, ngại khó ngại khổ nhưng lại thích “việc nhẹ lương cao”. Nghiêm trọng hơn, người làm báo nhưng lại vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.      

Thiếu tự trọng của người làm báo, dù biểu hiện ở mức độ nào, thì đều là tự hạ thấp giá trị của chính mình.  

Thanh Như                                           

Chuyên mục khác