17/11/2017 13:33
Lòng hồ thủy điện Ya Ly nằm trên địa bàn huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) và huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Mùa tích nước, không gian lòng hồ bát ngát mênh mông, thi thoảng gặp những vách núi cao trầm mặc, in bóng lung linh xuống mặt hồ. Xa xa, từng đàn cò trắng chao liệng trên mặt nước, lượn lờ tôm cá. Người dân vùng ngập đón mùa tích nước cả thích thú lẫn âu lo.
|
Anh Rơ Chăm Tuy, ở thôn Kà Bầy, xa Sa Bình (huyện Sa Thầy) cho biết: Từ khi có lòng hồ này, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất có đổi thay. Theo kêu gọi của chính quyền, người dân tự giác chuyển đổi ngành nghề đánh bắt thủy sản, chăn nuôi gia súc và sản xuất trên đất bán ngập. Việc đánh bắt thủy sản trên lòng hồ góp phần giải quyết cái ăn cái mặc, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân. Không biết từ năm nào, mỗi khi lòng hồ tích nước, người dân chúng tôi lại tíu tít rủ nhau chèo xuồng bủa lưới, giăng câu…
Là người dân đã có 15 năm trong nghề đánh bắt, chị Bùi Thị Hoa- thôn Kiến Xương, xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) chia sẻ: Thời gian qua gia đình tôi không phải lo cái ăn cái mặc nữa. Ngoài sản xuất nông nghiệp, gia đình tôi có thêm nghề khai thác thủy sản trên lòng hồ thủy điện Ya Ly, bình quân mỗi ngày thu được từ 200-300 nghìn đồng từ tiền bán tôm, cá. Theo con nước vơi đầy, cứ mỗi năm đánh bắt hai mùa vào tháng Giêng đến tháng 3 và tháng 7 đến tháng 9. Nay nghề đánh bắt thủy sản đã trở thành nghề chính của gia đình tôi.
Dường như mùa tích nước cũng đang dần thấm trong từng giác quan của lớp trẻ. Em A Quỳnh ở xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) khoe: Từ đầu mùa tích nước đến giờ, em bán gần 15kg cá đủ loại, đủ mua sách vở. Mùa tích nước, bọn trẻ chúng em chèo xuồng cùng người lớn xuống hồ giăng lưới, đặt lờ kiếm cá. Nghe tiếng cá đớp mồi, chúng em thích lắm.
Với nhiều người, mùa lòng hồ Ya Ly tích nước hiện ra cái mênh mông của lòng hồ loang loáng nước, như khoác lên mình chiếc áo mới lạ lẫm, xinh đẹp đến nao lòng. Nhưng với những người nông dân một nắng hai sương canh tác trên vùng bán ngập lòng hồ thì mùa tích nước lại mang đến nỗi lo âu, phập phồng,
Ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Bình Nam, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) than thở: Trồng trọt trên vùng bán ngập, phải biết tính được thời điểm nước cạn, nước đầy. Trước đây, bà con nông dân chúng tôi chỉ dám gieo bắp để nhanh cho thu hoạch và tránh lúc con nước lên bất ngờ. Thời điểm lòng hồ tích nước, dù lúa còn xanh, mì đang tươi mơn mởn, chúng tôi cũng phải thu hoạch, nên giá trị cây trồng bán ra không cao, vì không đủ thời gian chín. Sau một thời gian quan sát, bà con chúng tôi mới canh đúng thời điểm nước lên xuống để tính vụ gieo trồng. Hiện nay, trên vùng bán ngập, chúng tôi đã trồng cây hàng năm như mì, bắp, cả mía nữa. Tuy nhiên, canh tác trên vùng bán ngập gặp nhiều rủi ro không lường trước được. Cũng mừng vì ngay sau mùa nước rút, cánh đồng được bồi đắp phù sa, người nông dân lại kỳ vọng mùa sau.
Dù muốn hay không, người dân vùng ngập lòng hồ Ya Ly phải sống chung với mùa tich nước. Chỉ tiếc ngoài tiềm năng thuỷ điện, Ya Ly còn có tiềm năng rất lớn đó là du lịch, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản. Hiện nay, cư dân sống xung quanh khu vực lòng hồ chủ yếu thực hiện việc đánh bắt cá chứ chưa kết hợp với nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; chưa phát triển các loại cây rừng ngập nước như đước, tràm, sú, dừa nước... để làm phong phú thêm thảm thực vật và chống sạt lở lòng hồ. Hy vọng không xa, lòng hồ Ya Ly sẽ được tận dụng và khai thác bền vững, để mỗi mùa tích nước, lòng hồ Ya Ly lại đón thêm những du khách mới đến với vùng đất nhiều nước, nhiều nắng, nhiều gió và ấm nồng tình người Tây Nguyên này.
Dương Lê