13/05/2019 06:56
Rõ ràng là, bên cạnh ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 thì Ngày của mẹ cũng là một ngày tôn vinh phụ nữ, những người làm mẹ, giúp ta thể hiện được lòng biết ơn sâu sắc và chân thành nhất tới mẹ của mình bằng lời nói, hành động.
Từ công sở đến quán cà phê, từ nhà ra chợ, tôi được nghe người ta bàn tán nhiều về những hoa, những quà sẽ tặng mẹ - người phụ nữ trân quý nhất trên đời. Và cả những cách làm cho mẹ vui lòng.
Trên mạng xã hội lại càng “nhộn nhịp”. Nhiều cư dân mạng đã đăng hình của mẹ kèm những câu chúc ngọt ngào, nói lời yêu thương với mẹ. Nhiều người làm thơ, gửi quà tặng mẹ.
Bất chợt, trước mắt tôi hiện lên bóng dáng gầy gò của mẹ đứng trong sân ngôi nhà nhỏ nằm nép mình bên một con dốc. Trong sân đầy gà vịt đang chờ mẹ cho ăn.
Mẹ tôi cả đời sống ở nông thôn. Bà chưa từng nhận hoa hay lời chúc tụng nào vào 8/3 hay 20/10, nói gì đến Ngày của mẹ. Và, thật sự bà không biết có một ngày được gọi là Ngày của mẹ.
Nhưng mẹ không buồn. Đám ruộng mẹ tôi chăm bẵm năm nào cũng được mùa hơn những đám ruộng trong xóm, vốn được chăm sóc bởi những ông nông dân thứ thiệt. Bà nuôi heo, gà cũng mát tay có tiếng. Xóm trong làng ngoài, ai ai cũng nể trọng bà, phần lớn là vì chuyện gì bà cũng làm "ngon lành" cả.
Suốt thời tuổi trẻ, chồng đi xa biền biệt, hết chiến trường B đến chiến trường K, rồi biên giới phía Bắc, bà gánh vác tất cả, quần quật làm lụng nuôi con. Về già, lại một tay chăm chồng, mảnh đạn găm trong người ông không lấy ra được, cứ trái gió trở trời là đau nhức.
Mỗi khi nhắc đến chuyện ấy, mẹ chỉ cười: Cũng vì hoàn cảnh nó thế, chứ đàn bà con gái ai chẳng muốn sống sung sướng, thoải mái. Mẹ hoàn toàn xa lạ với cái câu mà những người phụ nữ "ngoài phố" hay thở dài, than thở ở đầu môi: "cái phận đàn bà mình…".
|
Mà đâu có riêng gì mẹ, phụ nữ quê tôi có tiếng giỏi việc, tháo vát. Họ trèo thang tre xóc nóc lại mái nhà; điều khiển máy gặt đập liên hoàn; bưng bê vô đất mấy chậu cây, đóng đinh lên tường treo mấy cái ảnh… Cái gì cũng làm được, làm gọn ơ.
Và cũng như mẹ tôi, họ hoàn toàn không biết đến Ngày của mẹ. Hoặc nếu có biết, cũng chẳng thể làm khác đi. Chồng con tặng hoa ư? Sẽ bị họ trách vì sao phải tốn tiền. Mua váy áo tặng ư? Họ sẽ lo ngại tốn thêm khoản tiền công may, trong khi mấy bộ quần áo cũ vẫn còn tốt chán. Mời họ đi ăn uống quán xá ư? Ăn ngoài không an toàn, ở nhà thích món gì thì tự nấu ăn, vừa tiết kiệm, vừa an toàn.
Đi du lịch lại càng không thể. Làm sao đi được đây? Ruộng lúa đang thì con gái, lấy ai chăm bẵm; vườn bắp mới vươn lên vài lá non, phải vun đất, làm cỏ cho kịp, mẹ đi thì ai làm; rồi sẽ cho đàn gà và mấy con ngan ăn? "Có tiền để dành sửa sang lại cái nhà đi, ông tướng"- mẹ rầy la.
Cứ như thế, cái ngày được dành riêng để tôn vinh họ hàng năm trôi qua trong lặng lẽ.
Thế cho nên khi tôi, một đứa con xa quê, được thúc giục bởi "trào lưu" chung, đã gọi điện về cho mẹ chiều thứ sáu, thay vì vào chiều thứ 2 hàng tuần vốn thực hiện đều đặn nhiều năm qua, thổ lộ rằng nhớ nhà, thương mẹ, bà hốt hoảng: Có chuyện gì buồn hả con? Mày làm mẹ lo quá!
Khi “hiểu chuyện” thì mẹ cười vui vẻ: Không lẽ anh chỉ thương mẹ mỗi một ngày này?
Biết là mẹ đùa, nhưng tôi vẫn trăn trở mãi. Tình yêu thương dành cho mẹ có phải chỉ riêng một ngày?
Này bạn, đã bao lâu rồi bạn không nói rằng nhớ mẹ? Bao lâu rồi bạn quên mất ở nơi quê nhà đang có một người vẫn chờ đợi bạn với tình yêu không đòi hỏi đáp đền?
Thật ra, với tôi, và có lẽ bạn cũng thế, 365 ngày trong năm, ngày nào cũng là Ngày của mẹ. Vì yêu thương với mẹ không chỉ đếm ngày một ngày hai, mà cả cuộc đời này vẫn không thể đong đếm hết. Đừng vô tâm hay ngại ngùng khi nói với mẹ những câu yêu thương.
Không cần hoa mỹ đâu, chỉ những lời từ trái tim mình là đủ!
Hồng Lam