Lính biên phòng

04/03/2022 06:03

Tôi viết những dòng này mến tặng những người bạn của tôi là lính biên phòng, và đồng đội của họ, đang ngày đêm bám trụ nơi biên cương canh cho dân yên, thức cho dân ngủ.

Tháng 3 bắt đầu bằng một ngày kỷ niệm “khá quan trọng” với xóm tôi- ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng 3/3. Lý do là, trong số 8 gia đình sống gần nhau trong con hẻm nhỏ, thì có tới 4 gia đình có chồng, hoặc con, đang công tác ở các đồn Biên phòng, từ Đăk Glei, đến Ngọc Hồi, Ia H’Drai.

Vì vậy, hàng năm, vào ngày này, chúng tôi thường cố gắng thu xếp để quây quần bên nhau, cùng chúc các “chiến sĩ biên phòng của xóm” chân cứng đá mềm, “đi dân nhớ, ở dân thương”, luôn chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Nhưng 2 năm nay, những cuộc gặp mặt như vậy vào ngày 3/3 bị đứt đoạn, phần vì dịch bệnh phức tạp, không muốn tập trung đông người, nhưng phần quan trọng hơn, nếu có tổ chức thì những “chiến sĩ biên phòng của xóm” cũng sẽ vắng mặt.

Trong bài viết ngắn này, dù tôi đã rất cố gắng nhớ lại những con số thống kê trong báo cáo, nhưng đành chịu. Có gì đó thôi thúc tôi thoát khỏi tư duy và cách hành văn cũ của mình, cũ đến mức trở thành lối mòn.  Tôi muốn kể những câu chuyện hết sức đời thường của lính biên phòng!      

Và tôi phát hiện ra, lúc này, tôi chỉ nhớ đến những vết gai cào rách áo của lính biên phòng khi vượt qua bao đồi núi, sông suối trên đường tuần tra; những lưng áo xanh ướt đẫm mồ hôi khi giúp dân làm đường, sửa nhà, cuốc ruộng, cõng người ra trạm y tế.

Tôi nhớ rằng, thời gian qua, các đồn biên phòng đã tích cực phối hợp với dân quân và công an địa phương tuần tra, kiểm soát khu vực đường biên, bảo vệ cột mốc; tuyên truyền, vận động bà con chấp hành Nghị định 34/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới đất liền. Vì vậy, tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới luôn được đảm bảo.

Tôi nhớ rằng, ở mỗi xã biên giới, ngoài những tổ, trạm biên phòng cắm tại địa bàn, luôn có những sĩ quan biên phòng tham gia vào bộ máy lãnh đạo của địa phương. Họ bám làng sát hộ, bất kể ngày đêm giúp dân làm ăn, xóa bỏ hủ tục; thay đổi lối sống lạc hậu. Họ lấy tiền lương để mua heo, gà giống cho hộ nghèo; để mua đường sữa thăm người ốm đau; để mua quần áo, sách vở, bút mực cho trẻ em khó khăn.

Về với dân bằng cả tấm lòng. Ảnh: HL

 

Và cuối cùng, trước mắt tôi đọng lại hình ảnh lần tranh thủ họp ở tỉnh ghé qua nhà vội vã của anh, một sĩ quan chỉ huy đồn. Mở cửa chiếc xe bán tải bê bết bụi đỏ, anh đứng trước cửa, nhìn vào nhà, vẫy tay chào vợ con rồi vội vàng lên xe về đơn vị, vì nhiệm vụ không cho phép anh vắng mặt quá lâu, trong ánh mắt đau đáu của vợ.

Sự hy sinh ấy lớn đến nhường nào, tôi không dám đánh giá. Nhưng tôi không dám chắc, có bao nhiêu người làm được như thế, khi đã đứng trước cánh cổng nhà mình.

Do gần nhà, lại cùng tuổi, nên mỗi khi có dịp về nhà, tôi và anh thường trò chuyện. Tôi cũng đã từng vài lần làm việc tại đơn vị anh.

Trong một lần chuyện trò suốt đêm ở đồn, anh đã nói với tôi rằng: Đã mang trên ve áo phù hiệu thanh kiếm và khẩu súng đặt chéo nhau trong vòng cung đường biên giới là xác định gắn bó lâu dài với biên cương, rừng núi, với bản làng, đồng bào các DTTS; là phải chấp nhận cuộc sống hiểm nguy, xa gia đình, sinh hoạt không theo “quy luật”.

Lang thang dọc ngang khắp vùng biên ải của tỉnh, nhưng đó là lần đầu tiên tôi ngủ gần đường biên đến vậy, chỉ chưa tới 1 cây số đường chim bay.

Căn phòng chỉ huy nằm ngay đầu dãy nhà. Ở đó, có thể nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trong gió đêm; có thể thấy bóng người lính bồng súng đứng trong bốt gác trong ánh sáng nhờ nhờ của sao đêm.

Đó là những anh em sẽ không ngủ đêm nay. Anh nhìn về phía bốt gác với ánh mắt trìu mến. Giống như các vì sao kia, anh em thức vì vùng biên ổn định, phát triển. 

Bây giờ mới hiểu thấu câu nói “trên đất nước mình luôn có một nơi luôn thao thức, không bao giờ ngủ, đấy là biên cương”.

Thức cho dân ngủ. Ảnh: HL

 

Hai năm qua, những đêm trắng của các anh dài hơn, liên tục hơn, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tình hình vượt biên trái phép diễn ra với mức độ dày hơn. Cùng với đó là các loại tội phạm qua biên giới, nhất là mua bán, vận chuyển ma túy, pháo nổ trái phép, với tính chất phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Hàng loạt chốt được dựng lên. Hết ngày dài lại đến đêm thâu, những đôi mắt luôn tỉnh táo và nhạy bén dõi khắp vùng biên. Không được phép dời vị trí, trực 24/24 là nhiệm vụ tiên quyết của cán bộ, chiến sĩ bám chốt.

Trong những lần gọi điện về, câu đầu tiên mà anh nhắn nhủ là ở nhà yên tâm, ở đây công việc tuy có vất vả, nhưng đời sống được chăm lo đầy đủ. Nhưng tôi biết rất rõ, các anh đã trải qua những đêm lạnh tê tái, áo, chăn không đủ giữ ấm; những ngày “nắng như rang, gió như phang”; nhưng chiều mưa rừng sầm sập đổ, kéo sập lều bạt.

Mừng cho anh và đồng đội khi gần đây, những chốt kiểm soát đã được đầu tư xây dựng bán kiên cố, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ không còn tạm bợ nữa, Những vườn rau xanh tăng gia đã mọc lên; bên vườn rau đã rúc rích đàn gà, vịt; vài con heo thả trong chuồng quây tạm bằng liếp nứa.

Ngày 3/3 năm nay, các anh không về. Lý do ư? Bí mật quân sự. Chỉ biết rằng, những ngày này, trong tôi lại trào lên những nghĩ suy về sự hy sinh thầm lặng; công sức, mồ hôi, và cả máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng đã, đang và sẽ góp sức bồi đắp, gìn giữ cơ đồ.

Khi tôi bắt đầu những dòng đầu tiên của bài viết này, thì nhận được tin nhắn của anh mời lên dự Ngày hội Biên phòng toàn dân. Rất tiếc, do công việc nên tôi đành hẹn năm sau.

Nhưng tâm trí tôi thì đã ở vùng biên, nơi có những thửa ruộng bậc thang đang rì rào lúa non. Và có những người lính biên phòng, trong đó có bạn tôi, đang ngày đêm canh cho dân yên, thức cho dân ngủ.

Hồng Lam

Chuyên mục khác