Lịch sử mãi khắc ghi

24/09/2024 06:44

Tinh thần, khí tiết cách mạng của những người tù chính trị tại Ngục Kon Tum đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn sống mãi trong trái tim của bao thế hệ người dân Việt Nam.

Đã bao lần đến thăm Ngục Kon Tum, song lần nào cô Lê Thị Ngọc Anh – giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, huyện Đăk Hà cũng dâng trào cảm xúc. Đặc biệt, lần này, tham gia hướng dẫn các em học sinh làm đề tài Phát huy truyền thống yêu nước cho học sinh Trường THPT Nguyễn Du qua việc tìm hiểu Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum, tìm hiểu kỹ hơn về Ngục Kon Tum, cô và các em học sinh càng tự hào hơn  tinh thần cách mạng, khí tiết sáng ngời của chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Trong dòng cảm xúc nghẹn ngào, cô Anh xúc động: “Máu thịt của các chiến sĩ Cộng sản đã nhuộm đỏ rực lá cờ cách mạng. Dù bây giờ hay mai sau, lý tưởng cao đẹp ấy vẫn sống mãi trong trái tim của bao thế hệ”.

Người dân dâng hương tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ cách mạng. Ảnh: HT

 

Mưa rả rích, từ Phòng Trưng bày nhìn xuống, từng đoàn người vẫn dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng đã kiên trung ngã xuống tại nơi này. Lật quyển sổ ghi cảm tưởng đưa cho khách đến tham quan, chị  Phạm Thị Nhung – thuyết minh viên nói rằng, rất nhiều đoàn khách từ khắp cả nước ghé đến thăm Ngục Kon Tum để tìm hiểu về lịch sử hào hùng của những người tù chính trị. Qua lưu bút, nhiều người bày tỏ lòng biết ơn, niềm tự hào, khâm phục tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng khi trong ngục tù vẫn thành lập được Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh (vào tháng 9/1930). Bản lĩnh, mưu trí, những người Cộng sản đã biến Ngục Kon Tum – nơi được ví như “Địa ngục trần gian” trở thành “trường học cách mạng”, hun đúc ý chí cho nhiều chiến sĩ Cộng sản.

Những hình ảnh những gông, cùm, xiềng xích kèm những lời thuyết minh “Được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1915-1917, Nhà ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị, nhằm đàn áp phong trào cách mạng của quân và dân ta. Từ năm 1929, thực dân Pháp đưa tù nhân chính trị từ các nơi về giam giữ tại đây. Giai đoạn 1930-1931, thực dân Pháp đưa gần 300 người tù chính trị lên giam giữ tại Ngục Kon Tum và bắt ra công trường thi công đường 14 (ở Đăk Pao, huyện Đăk Glei)”, phần nào tái hiện rõ “Địa ngục trần gian” của các chiến sĩ cách mạng lúc bấy giờ.

Nhưng sự tàn ác và súng đạn của kẻ thù không thể khuất phục được tinh thần cách mạng kiên trung, ý chí sắt đá kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản. Dâng hương trước 2 ngôi mộ chung của các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hi sinh, ông Cao Đức Bằng – lão thành cách mạng ở phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum thuộc làu làu về 2 cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực.

Không cần sổ sách, ông nói: Sáng 12/12/1931, trước cảnh đi lao động khổ sai, ở Lao Ngoài, các chiến sĩ cách mạng đã “phản đối đi Đăk Pét”. Chỉ trong thời gian ngắn, thực dân Pháp đã giết hại 8 đồng chí và làm bị thương 8 đồng chí. Đến ngày 16/12/1931, thực dân Pháp tiếp tục nã súng tàn sát Cuộc đấu tranh Tuyệt thực, làm 7 đồng chí hi sinh và 8 đồng chí bị thương.

Cùng ôn lại các cuộc đấu tranh tại Ngục Kon Tum. Ảnh: H.T

 

“Đọc lịch sử mới hiểu rõ hơn tinh thần “Chết để sống”, “Chết một người để cứu muôn người” của các chiến sĩ cách mạng. Tinh thần  ấy đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh, giúp quân và dân ta tiếp tục đứng lên đấu tranh giành nhiều thắng lợi” – ông Bằng chia sẻ.

Những bản án, sự đàn áp dã man của quân xâm lược đã khiến bao chiến sĩ cách mạng trẻ trung, nhiệt huyết về mãi với lòng đất mẹ. Dù thế, tinh thần, khí tiết cách mạng của những người tù chính trị tại Ngục Kon Tum đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn sống mãi trong trái tim của bao người.

Cảm nhận và tri ân sâu sắc tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, ông Trần Anh Dũng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Quyết Thắng cho biết, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn phường thường xuyên tổ chức các hoạt động “Về nguồn” để giáo dục lý tưởng cách mạng, từ đó hun đúc thêm truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước trong trái tim của mỗi người. Đặc biệt, các thế hệ trẻ thường xuyên dọn vệ sinh tại Ngục Kon Tum, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc trước công lao của các anh hùng liệt sĩ.

Năm nào cũng vậy, cứ đến độ rằm tháng Giêng, tổ dân phố 1, phường Quyết Thắng lại dâng hương, dâng hoa, lễ vật để tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ cách mạng. “Chúng tôi mãi mãi biết ơn những cống hiến, hi sinh thầm lặng, cao cả của các chiến sĩ cách mạng để bảo vệ sự tự do, độc lập của dân tộc. Mỗi năm, vào các dịp đặc biệt, chúng tôi dặn nhau ôn lại truyền thống, lắng nghe những câu chuyện về tinh thần quả cảm, kiên trung của cha ông, để giáo dục các thế hệ phải học và giữ lấy đạo lý uống nước nhớ nguồn tự bao đời” – ông Trần Thanh Bình, cựu chiến binh phường Quyết Thắng nhấn mạnh.

Nghe thông tin tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum sắp được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khắp nơi nơi trên địa bàn tỉnh, ai nấy đều khấp khởi vui mừng, vinh dự, tự hào. Dọc đường vào Ngục Kon Tum, người dân tổ dân phố 1, phường Quyết Thắng dặn nhau treo cờ Tổ quốc thật đẹp, mong chờ đón chào sự kiện trọng đại.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác