Lên tiếng trước bạo lực gia đình

25/11/2017 06:57

​Không chỉ gây nỗi đau thấu da thấu thịt, bạo lực gia đình còn gây nên những tổn thương tinh thần. Trước nỗi ám ảnh ấy, chị em phụ nữ đã lên tiếng, tìm đến các câu lạc bộ, đoàn thể để được giải thoát, tự cứu mình khỏi những trận đòn roi bạo lực.

20 năm sống chung với bạo lực

Đó là câu chuyện của cô T.T.T, tổ 16, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum. Cô T kể rằng, từ ngày lấy chồng, cuộc sống của cô như địa ngục tối tăm. Chồng cô bị nghiện số đề hơn nữa lại nghiện rượu nặng nên suốt ngày đánh đập, chửi bới cô và các con.

“Ông đánh dã man lắm! Có lần túm tóc, nhét tôi xuống giếng, nhiều lúc lại lấy dép đập lên đầu rồi đập bằng dây thắt lưng… Cơ thể tôi đau đớn, tinh thần tôi mệt mỏi, tủi hổ, nhưng sợ các con buồn, hơn nữa không muốn đưa việc gia đình mình ra ngoài cho người khác biết nên tôi cắn răng chịu đựng” – cô T tâm sự.

Hết năm này qua năm kia, chồng cô T nghiện rượu và ghen đến mức hoang tưởng. Quanh năm suốt tháng mắng nhiếc, đánh đập vợ con. Không chỉ đánh đập, chửi bới, chồng cô T còn vác đơn kiện cáo khắp nơi, không để mẹ con cô yên. “Sinh con được vài ngày, tôi đã phải đi làm để nuôi con, mọi việc trong gia đình tôi đều cố quán xuyến, vậy mà ông đánh đập tôi như cơm bữa. Thương các con, tôi cố gắng “nhỏ lửa”, nhín nhịn van xin ông ấy nhưng rồi vẫn bị bầm mắt, sưng mặt” – cô T nói.

Rồi đâu chỉ có cô T, chị N.T.T ở xã Ia Chim cũng sống chung với bạo lực. Chồng chị rất siêng năng nhưng do nghiện rượu, cờ bạc nên thường xuyên gây hấn, đánh đập vợ con. Những ngày cận tết, nếu nhà nhà lo sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa thì chị T lại thấp thỏm lo sợ trước những trận đòn của chồng.

Những hôm anh thắng bài, tâm trạng còn vui vẻ; nhiều hôm thua bài, anh về nhà trút hết lên đầu vợ con. “Từ tủ lạnh, ti vi, tủ gỗ, bàn ghế… ông đập hết. Đập đồ xong ông lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mẹ con tôi. Nhìn 2 đứa con dại, tôi thương lắm nhưng để giữ mái ấm, tôi lại chịu đựng” – chị T cho hay.

Rồi không chỉ có chị T, cô T.T.L ở chung xóm cũng trong tình trạng trên. Chồng cô L không chỉ trút hết tiền vào cờ bạc, còn về nhà gây hấn, đánh vợ chạy khắp đường.

Tự cởi trói khỏi bạo lực

Sau những trận đòn roi vô cớ, nhờ sự can thiệp của địa phương, công an nhưng chồng vẫn không thuyên giảm, cô T đành đưa đơn ra tòa. “Ngày trước tôi cứ sợ xấu hổ nhưng bị hành hạ nhiều quá, tôi không chịu nổi. Thấy tôi bị đánh đập dã man, con tôi tuyên bố, nếu cứ sống trong tình trạng này, cháu sẽ bỏ đi khỏi nhà. Mẹ con tôi không chịu nổi nữa nên tôi viết đơn ly hôn để tự giải thoát cho mình” – cô T chia sẻ.

Không được chồng yêu thương lại thường xuyên bị đánh đập, cô T như người thiếu sức sống. “Tôi biết ly hôn không phải là cách giải quyết tốt nhất, phải chấp nhận bước qua một thử thách đầy cam go nhưng chỉ có cách đó, tôi mới không bị hành hạ, con cái tôi mới không bị ba đánh đập, bạo lực tinh thần hằng ngày” – cô T nói.

Cô T chia sẻ, tâm sự về nỗi đau khi bị bạo lực gia đình. Ảnh: B.A

 

Trước đây chị L.T.T ngụ ở thôn 3, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) cũng thường xuyên bị chồng đánh đập. Thời gian đầu, chị cũng chọn cách im lặng nhưng sau, nghĩ đó không phải là cách tốt nhất, chị có báo lên thôn cũng như chi hội phụ nữ để chia sẻ, để có hướng giải quyết tốt nhất.

Khi báo với các đoàn thể, chị L.T.T được chia sẻ, động viên, khuyên nhủ và tham gia vào câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình ở thôn 3. “Mới đầu khi bị bạo lực, tôi xấu hổ, không dám chia sẻ với ai. Sau này, khi tham gia vào câu lạc bộ, tôi được chia sẻ, được đồng cảm và được tư vấn nhiều cách giải quyết hợp lý” – chị T nói.

Ngày trước lúc chồng say xỉn chị L.T.T hay “đôi co” nhưng tham gia vào câu lạc bộ, được khuyên “Cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê”, rút kinh nghiệm, những lúc chồng say xỉn, chị không bao giờ cãi lại. Nhờ đó, mọi mâu thuẫn trong gia đình giảm hẳn.  

Và anh N.V.H, ở thôn 3, thị trấn Sa Thầy cũng vậy, trước đây anh cũng hay thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ, được vận động, tham gia vào câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, anh đã nhận thức ra được hành động của mình là sai trái. Sau những lần tham gia sinh hoạt, anh xa dần với rượu chè, lo chí thú làm ăn, chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái.

Hay các chị em ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà cũng vậy. Mỗi khi bị bạo lực, các chị lại tìm cách nhờ đến các địa chỉ tin cậy để được can thiệp, hòa giải, hỗ trợ, giúp đỡ. Nhờ đó, hạn chế được những nỗi đau do bạo lực gây ra.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình còn gây tổn hại lớn về kinh tế cho gia đình và xã hội. Dẫu biết rằng bát đũa còn có lúc xô, cãi vã, xích mích trong gia đình là chuyện không thể tránh khỏi. Thế nhưng, cả chồng và vợ nên biết tôn trọng lẫn nhau để mọi việc không đi quá xa. Hơn nữa, im lặng không phải là cách để giải quyết bạo lực gia đình, mỗi người nên biết cách chia sẻ, chung tay để tự cởi trói khỏi vấn nạn bạo lực gia đình.

Bình An 

Chuyên mục khác