Lấp lánh từng con chữ

02/09/2023 13:22

Cụ cầm lấy chiếc bút màu xanh, ngắm nghía một lúc rồi mới lấy hai ngón tay đặt cho chắc lại. Chậm rãi, từ từ, từng nét chữ nghiêng nghiêng hiện lên: “Quốc khánh”... Cụ thấy rưng rưng. Gần 90 rồi, đã lâu, cụ không còn quen với cây bút, quyển vở. Ấy vậy mà, trong khoảng nhớ xa mờ ảnh hình ấy, vẫn chẳng thể nào quên, để cho đến bây giờ, vẫn rành rẽ kể cho con cháu.

Cụ bảo, theo lời thầy u, thì cụ sinh năm 1935. Trong trí nhớ non nớt của con bé mới qua tuổi lên 10 năm ấy, cuộc sống của người dân quê trước ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã in hằn mọi cơ hàn, cực khổ. Còn quá nhỏ để có thể phơi đồng lội ruộng, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như cha mẹ; song việc nhặt dâu, chăn tằm thì con bé Ròn” cũng đã phải mệt nhoài từ đầu hôm đến tối. Nhà không đất đai, ao chuồng, ruộng cấy, nên “đổ đầu” thêm việc mót lúa lúc đến mùa khiến nó càng hứng nhọc nhằn hơn. Cái thời thiếu đói, đến hạt khô lúa xấu cũng chẳng dễ dàng nhặt nhạnh. Có đận, trong nhà còn ít thóc lép đem giã, may lấy chút nát chút cám, chia nhiều phần nấu cháo. Đến ít rau cũng chỉ là thứ rau dệu già mọc ở ven bờ...

Viết lên dòng chữ thiêng liêng “Quốc khánh”. Ảnh: TN

 

Ngày ấy, cả làng chỉ có mỗi một “ông giáo”, song dù ông giáo ấy chính là bác họ của gia đình, thì mấy chị em con Ròn cũng chưa một ngày được theo ông  học chữ. Chữ chỉ dành cho những người thuộc “lớp trên” là chủ đất, chủ đồng, người làm việc cho Tây hay số ít làm công cán cho làng cho xã.

Trong ký ức còn đến hôm nay của cụ, xóm quê nhỏ bé, xa xôi hồi đó dù không thấy được cảnh lính Pháp lính Nhật rệu rã, cũng chưa tận mắt chứng kiến không khí cướp chính quyền như nước vỡ bờ, song cán bộ Việt Minh thực sự đã về đến nơi thì không ai là không hay biết. Thầy u lần đầu đi họp, được tuyên truyền về cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhờ cách mạng, cả mấy cánh đồng rộng lớn ngày trước của các chủ nô đã được chia cho tất cả mọi gia đình trong làng trong xóm. Có ruộng, thầy u cuốc cấy đổi đời. Không chỉ đồng lòng chống đói, “giặc dốt” là điều mới lạ được người làng hăng hái tham gia. Rón rén theo đến lớp học vụ bình dân mà ông bác họ nổi tiếng chữ nghĩa nhất làng chính là thầy dạy, con bé dần viết được tên mình.

Đã bao lần kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đi qua, mà trong lòng con bé Ròn chưa biết chữ ngày xưa vẫn xúc cảm rưng rưng mỗi khi cờ hoa đón mừng Tết Độc lập.

Cách mạng Tháng Tám lớn lao, song với lớp người như các cụ ngày xưa, thiêng liêng ý nghĩa trước tiên với cả cuộc đời mãi mãi là “cơm ăn, áo mặc”, là “làm chủ cuộc đời”. Nhờ biết đọc biết viết từ những ngày sau mùa Thu Cách mạng, mà sau chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954), cụ xa gia đình đi thoát ly, còn được học thêm bổ túc văn hóa để vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Cũng nhờ “vốn chữ” quý báu ban đầu ấy, một số bạn bè đồng lứa của cụ hồi xưa, sau này đã trở thành thầy giáo, y tá, công nhân... Và cho dù có phải trải qua muôn vàn khó nhọc, gian nan, thì từng con chữ non nớt, bỡ ngỡ ngày nào của họ vẫn tự hào lấp lánh trên những con đường mà các thế hệ tiếp nối, đi theo.

Cách mạng Tháng Tám lớn lao! Đã đi gần hết cuộc đời, song dường như, với lớp người đã đi qua gian khó, thăng trầm như các cụ, chẳng khi nào nguôi khắc cốt ghi tâm những điều luôn nhắc nhớ đến mai sau.

Thanh Như                                                               

Chuyên mục khác