“Làng xuất ngoại” Kon Hra Klah

24/01/2020 13:28

Khoảng 3 năm trở lại đây, thôn Kon Hra Klah (xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum) được nhiều người nhắc đến với cái tên “làng xuất ngoại” vì có nhiều người đi xuất khẩu lao động. Nhờ thế, từ một làng quê nghèo, Kon Hra Klah trở nên trù phú. Những căn nhà mới khang trang mọc lên thay dần những căn nhà cũ kỹ, tạm bợ. Sự đổi thay đó một phần là từ nguồn thu nhập của con em các gia đình đi xuất khẩu lao động gửi về.

Từ bao đời nay, người dân thôn Kon Hra Klah trông chờ chủ yếu vào cây mì, cây bắp, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu với phương thức sản xuất lạc hậu nên cái nghèo cứ bám lấy dân thôn Kon Hra Klah dai dẳng, mặc dù chính quyền xã Chư Hreng hết sức quan tâm tìm hướng đi trong phát triển kinh tế hộ gia đình của đồng bào DTTS nơi đây. Và rồi, một trong những hướng đi mới đã mở ra cho người dân Kon Hra Klah, đó là xuất khẩu lao động. Vài năm trở lại đây, nhờ đi xuất khẩu lao động, nhiều gia đình ở Kon Hra Klah đã có cuộc sống no đủ, giàu có.

Chúng tôi trở lại thôn Kon Hra Klah vào những ngày cuối năm 2019. Dạo trên con đường bê tông dẫn vào thôn được Nhà nước đầu tư xây dựng cách đây chưa lâu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi bộ mặt làng quê nơi đây đổi thay nhanh chóng như có phép màu.

Nhờ tiền xuất khẩu lao động, gia đình chị Y Nel đầu tư phát triển đàn bò. Ảnh: ĐV

 

Còn nhớ, cách đây vài năm trở về trước, Kon Hra Klah còn là một làng quê nghèo khó, đường vào thôn lầy lội, người dân bám rẫy quanh năm mà cũng chẳng dư dả, nhà ở tạm bợ.

Vậy mà hôm nay, những ngôi nhà xiêu vẹo, cũ kỹ đã được thay thế bằng những ngôi nhà mới khang trang liền kề nhau trên trục đường dẫn vào làng, những con đường đất chật hẹp được thay thế bằng những con đường bê tông sạch đẹp... Và, trên những gương mặt người dân nơi đây là những nụ cười, niềm vui, niềm hạnh phúc của sự no ấm khi “Tết đến, Xuân về”...

Trong căn nhà mới khang trang còn thơm mùi vôi vữa, chị Y Neh cho biết: Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng và gia đình vay thêm 35 triệu đồng nữa để xây dựng nhà tình thương cho 2 mẹ con có nơi tránh nắng, trú mưa. Đầu năm 2017, được cán bộ Chi hội Phụ nữ thôn Kon Hra Klah phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư Thuận An DMC tổ chức tuyên truyền, vận động đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xê Út nên tôi thu xếp việc gia đình, cùng với hơn 20 người khác mạnh dạn đăng ký tham gia. Sau 2 năm làm việc ở Ả Rập Xê Út, ngoài việc trả được nợ, tôi còn xây lại ngôi nhà mới khang trang như ngày hôm nay. Hiện, tôi đang chờ phía Công ty hoàn tất các thủ tục giấy tờ để thời gian tới tiếp tục đi xuất khẩu lao động, có thêm tiền lo cho gia đình, con cái sau này. Chính nhờ tham gia xuất khẩu lao động mà Tết năm nay gia đình sung túc hơn mọi năm.

Không chỉ gia đình chị Y Neh mà nhiều gia đình khác ở trong thôn Kon Hra Klah năm nay chắc chắn sẽ đón Xuân Canh Tý 2020 vui tươi, phấn khởi hơn mọi năm nhờ việc xuất khẩu lao động.

Ông A Plem - Thôn trưởng thôn Kon Hra Klah vui mừng cho biết: Nhờ xuất khẩu lao động mà đời sống người dân nơi đây khởi sắc hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Thôn Kon Hra Klah có 89 hộ với 418 nhân khẩu, nhưng có tới 1/3 gia đình trong thôn có người đi xuất khẩu lao động. Là thôn có đến gần 95% dân số là đồng bào dân tộc Xơ Đăng, với nguồn thu nhập chính dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Vài năm trở lại đây, nhờ đi xuất khẩu lao động nên nhiều gia đình trong thôn đã có cuộc sống no đủ, từ đó, làm cho bộ mặt của vùng DTTS Kon Hra Klah đổi thay nhanh chóng.

Y Neh (ngồi đầu bên trái) thoát nghèo, xây nhà mới nhờ xuất khẩu lao động. Ảnh: ĐV

 

Gia đình nào trong thôn Kon Hra Klah có người đi xuất khẩu lao động cũng đều gửi tiền về để xây dựng nhà cửa, mua bò, mua xe và sắm những vật dụng đắt tiền khác trong gia đình. Mỗi năm, tiền từ xuất khẩu lao động gửi về cho bà con trong thôn khoảng 3 tỷ đồng. Nhiều người hết hạn hợp đồng lao động sau khi về tiếp tục làm thủ tục đăng ký đi tiếp, vì khi đi lao động ở thị trường Ả Rập Xê Út, mọi chi phí đào tạo, vé máy bay, ăn ở, đi lại đều được miễn phí và mỗi người còn được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng trước khi đi.

Ông Nguyễn Văn Luận - Chủ tịch UBND xã Chư Hreng cho chúng tôi biết: Toàn xã hiện có 47 người đi xuất khẩu lao động, trong đó phần lớn là người dân ở thôn Kon Hra Klah. Cũng nhờ xuất khẩu lao động, nhiều người đã trả được nợ, thoát nghèo, xây dựng nhà cửa và có vốn làm ăn vươn lên trong cuộc sống, làm giàu cho bản thân, cho thôn làng ngày càng no ấm.

 “Nhiều người dân ở thôn Kon Hra Klah sau khi đi xuất khẩu lao động về, tiếp tục rủ thêm một số bà con của mình ở các thôn làng khác tham gia xuất khẩu lao động. Cách đây 3 năm, hộ nghèo trong thôn chiếm trên 30%, nhưng đến nay giảm xuống chỉ còn 7,2%” - ông A Plem cho tôi biết thêm.  

 Điều làm ông A Plem vui mừng hơn cả là, sau khi các con cháu đi xuất khẩu lao động về, cách nghĩ, cách làm tiến bộ hơn rất nhiều. Một sự đổi thay, phát triển bền vững đang dần hiện hữu từng ngày ở “làng xuất ngoại” Kon Hra Klah.    

Đắc Vinh

Chuyên mục khác