Lặng thầm trên "trận tuyến" chống dịch

27/01/2022 15:53

Trong trận chiến chống “giặc” Covid-19, “mặt trận” chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 có thể nói là một trong những nơi nguy hiểm nhất. Gác lại mọi niềm riêng, hàng ngày các “chiến binh áo trắng” ở nơi tuyến đầu vẫn vững vàng ý chí, quyết tâm chiến đấu để giành giật sự sống, bảo vệ sức khỏe người bệnh trước kẻ thù giấu mặt- vi rút SARS-CoV-2.

“Lửa thử vàng gian nan thử sức”

Từ cuối tháng 8/2021, Bệnh viện Dã chiến số 1 của tỉnh chính thức đi vào hoạt động với nhân lực tham gia ban đầu chỉ có 47 viên chức ngành Y. Tùy từng thời điểm, Sở Y tế có sự điều động, hỗ trợ lực lượng cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây được xem như “phòng tuyến” cuối cùng trong “cuộc chiến” chống Covid-19, có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng bệnh nhân Covid-19 và chính là nơi “thử lửa” đối với những “chiến sĩ” mặc áo blouse trắng.

Bác sĩ Ksor Thu được đồng nghiệp trong Bệnh viện Dã chiến số 1 của tỉnh trìu mến gọi là “chiến binh kỳ cựu”, vì từ những ngày đầu tỉnh mới ghi nhận những ca nghi nhiễm Covid-19, lúc bấy giờ bệnh viện chưa thành lập, chị trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ, cho mãi đến giờ đã có hàng trăm ca bệnh được chữa khỏi.

Mấy lần tôi có hẹn với chị, rồi lại lỡ hẹn, vì liên tục phải tiếp nhận các ca mắc Covid-19 vào nhập viện điều trị. Đến hôm rồi, chị mới tranh thủ dành cho tôi ít phút trò chuyện qua điện thoại chia sẻ về những công việc ở nơi “nóng” nhất.

Bác sĩ Ksor Thu thăm khám cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: TH

 

Bác sĩ Ksor Thu trải lòng: Mấy tháng nay, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao nên áp lực của các y, bác sĩ làm công tác điều trị rất lớn. Có những ngày chúng tôi phải ở hẳn trong khu điều trị F0, vì bệnh nhân vào viện liên tục, trong đó, có những bệnh nhân nặng cần theo dõi. Vậy mà, đến tối vừa ra khỏi khu cách ly, thay đồ bảo hộ, tắm gội xong, chưa kịp ăn uống thì lại nhận được thông tin có bệnh nhân mới, anh em không ai bảo ai, tức tốc mặc đồ bảo hộ, vào lại khu cách ly. Có những đêm, bệnh nhân từ các cơ sở tuyến dưới chuyển lên nhiều, 2 ekip trực phải chia nhau ở trong khu cách ly điều trị, cứ 3 - 4 tiếng đổi ca một lần, để anh chị em tranh thủ ăn uống, vệ sinh, chợp mắt lấy lại sức.

“Thật lòng mà nói, chỉ nguyên việc cả ngày phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, vô cùng nóng nực và bí bách, liên tục di chuyển từ phòng bệnh này qua phòng bệnh khác đã khiến cho nhiều người kiệt sức. Đằng này, tụi mình còn phải thăm khám, động viên tinh thần, tư vấn tâm lý và hỗ trợ nhiều việc khác cho bệnh nhân. Việc thăm khám cho bệnh nhân Covid-19 cũng không theo giờ giấc cố định, mà tùy vào tình hình sức khỏe người bệnh. Người bị nhẹ, mỗi ngày chỉ cần kiểm tra vài lần, nhưng bệnh nhân nặng phải thở ôxy hoặc những bệnh nhân sức khỏe yếu thì tụi mình gần như phải túc trực kiểm tra, theo dõi liên tục để can thiệp kịp thời, hạn chế nguy cơ chuyển nặng”- Bác sĩ Ksor Thu chia sẻ.

Dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính và đang trong thời gian nghỉ trực nhưng khi gặp tôi, bác sĩ Lê Hữu Lợi- Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1 của tỉnh vẫn rất cẩn trọng nhắc nhở:  “Này, đừng lại gần tôi nhé!”

Thấy tôi có vẻ ngại ngùng, anh vội vàng “thanh minh”: “Xin lỗi, vì trong bệnh viện, các quy định rất nghiêm ngặt, bọn mình duy trì thường xuyên đến nỗi thành thói quen. Vả lại, mình cẩn trọng vẫn hơn!”.

Dù nhiều áp lực, vất vả và nguy hiểm nhưng mọi người đều lạc quan và quyết tâm. Ảnh: TH

 

Bác sĩ Lê Hữu Lợi cho biết: Số lượng bệnh nhân vào viện tùy từng thời điểm dịch bệnh khác nhau, cao nhất khoảng 180 người và khoảng 20 người nhà theo nuôi (do F0 là trẻ nhỏ, mới sinh, người bị ung thư, bị tai biến mạch não)… Covid-19 là một loại bệnh mới nên các y, bác sĩ hầu như vừa điều trị cho bệnh nhân, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm.

Theo bác sĩ Lê Hữu Lợi, công tác chăm sóc và điều trị bệnh  nhân mắc Covid-19 phức tạp, khó khăn hơn bệnh nhân bình thường. Nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, xơ gan, suy thận, rối loạn điện giải, thai nghén; đặc biệt, có bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối di căn, sức khỏe suy kiệt. Thế nên, áp lực đối với các y, bác sĩ rất lớn vì vừa phải điều trị bệnh Covid-19 vừa phải theo dõi và điều trị các bệnh nền của nhiều chuyên khoa khác. Hơn nữa, bệnh nhân mắc Covid-19 thường không có người thân chăm sóc, thời gian nằm viện dài nên hay lo lắng, buồn chán. Vì vậy, các thầy thuốc ở đây còn kiêm cả chuyên gia tư vấn tâm lý, người thân, bạn bè… để động viên, tiếp thêm nghị lực, niềm tin để họ vượt qua sợ hãi, “chiến thắng vi rút”.

Gác lại những niềm riêng

Với các y, bác sĩ được lựa chọn, phân công, điều động tham gia làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 1 của tỉnh là niềm vinh dự, tự hào khi tên mình được gọi ra nơi tuyến đầu. Song để tham gia vào “trận đánh” này, họ đành phải gác lại các công việc riêng, gác lại mọi tâm tư tình cảm cá nhân, sẵn sàng đối mặt với nguy cơ trở thành F0 để làm tròn “sứ mệnh” bảo vệ sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Bác sĩ Lê Hữu Lợi cho biết: Theo quy định, các y, bác sĩ ở Khoa khám phân loại hồi sức cấp cứu và Khoa điều trị luân phiên làm việc liên tục trong 1 tuần rồi được nghỉ 1 tuần, các bộ phận khác đổi trực hàng ngày. Tuy nhiên, có những thời điểm số lượng bệnh nhân đông, có nhiều bệnh nhân nặng và một số  ca có chỉ số lây nhiễm cao, anh em gần như “cắm chốt” luôn trong bệnh viện. Phần vì lo lắng cho người thân, bạn bè, nên dù có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 thì chúng tôi vẫn đề cao cảnh giác; phần vì khối lượng công việc nhiều nên mọi người muốn ở lại để san sẻ công việc với đồng nghiệp của mình.

Những bệnh nhân nặng luôn được chăm sóc đặc biệt và theo dõi liên tục. Ảnh: TH

 

Làm việc tại cơ sở điều trị F0, nồng độ vi rút cao, kéo theo rủi ro lớn; trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, chỉ cần một vài sơ suất cũng có thể bị lây nhiễm nên mọi người ở đây đều cẩn thận. Thế nhưng, vẫn có những tình huống như khi bệnh nhân nguy cấp, phải thở ô xy, không thể đeo khẩu trang… các y, bác sĩ buộc phải bỏ qua nhiều quy tắc, chấp nhận bị lây nhiễm, chỉ mong giúp bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch. Và, thực tế đã có 1 nhân viên y tế bị lây nhiễm trở thành F0 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài áp lực về công việc, với họ, nhất là những nữ y, bác sĩ, nhân viên tế ở đây họ còn phải vượt qua cả “thử thách” về nỗi nhớ gia đình, lo lắng cho con ở nhà.

Bác sĩ Ksor Thu trải lòng: Chồng mình là bác sĩ pháp y nên cũng thường xuyên có nhiệm vụ đột xuất phải đi xa, con nhỏ đành phải gửi mẹ mình chăm sóc. Nhiều lúc nhớ con lắm, thèm được về nhà ôm con một cái mà không thể,  tranh thủ những lúc nghỉ mình gọi điện qua ứng dụng gọi Video của Zalo để nhìn thấy con, nhắc nhở, dặn dò con thêm việc học hành, ăn ngủ. “Trực chiến” liên tục, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, mọi việc giao khoán cho người thân, thực lòng nhiều khi bản thân mình thấy áy náy với gia đình.

Biết bao tâm sự, nỗi lo chất chứa, nhưng họ vẫn luôn giữ tinh thần, cứng cỏi trong mọi tình huống để làm “chỗ dựa” cho những bệnh nhân.

Nụ cười và sự bình phục của bệnh nhân là niềm hạnh phúc với các y, bác sĩ ở đây. Ảnh: TH

 

“Dẫu vất vả bao nhiêu, nhưng chỉ cần người bệnh hợp tác và cố gắng chống chọi với bệnh tật, nhìn thấy họ khỏe mạnh lên từng ngày rồi được ra viện, trở về đoàn tụ cùng gia đình là chúng tôi vui mừng và cảm thấy những nỗ lực của mình thật xứng đáng” – bác sĩ Lê Hữu Lợi khẳng định.

Đúng là  “lửa thử vàng gian nan thử sức”, việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị F0 ở Bệnh viện Dã chiến số 1 của tỉnh thực sự là một thử thách lớn về tinh thần và thể chất đối với các y, bác sĩ, nhân viên y tế. Và, cho đến hiện tại, họ đang là người chiến thắng dù thực lòng không muốn trở thành “người hùng” trong “trận chiến” này.

Thùy Hương

Chuyên mục khác