18/06/2018 07:14
Khác với những người chuyên lo chuyện bếp núc khác như: kỹ thuật viên dàn trang, mo rát, họa sĩ…, đội ngũ làm biên tập đa số trưởng thành từ công tác phóng viên, trải qua thời gian cọ xát với thực tế, nắm bắt, học hỏi… để dần trang bị phông kiến thức, văn hóa nhất định.
Sở dĩ như vậy là vì nghề biên tập ngoài những kiến thức, kỹ năng được đào tạo qua trường lớp thì với tính chất và yêu cầu của công việc, đòi hỏi người biên tập phải hiểu được các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phải có trình độ lý luận chính trị, bản lĩnh vững vàng, am hiểu thực tế về địa phương, về những vấn đề mà tờ báo quan tâm phản ánh… Hơn nữa, tư tưởng “văn mình”, tức là văn mình thì hay đã thấm sâu, nếu biên tập viên thiếu đi sự hiểu biết thì cũng khó mà nhận được sự “tâm phục khẩu phục” của đội ngũ phóng viên trong quá trình xử lý tin bài.
Vậy là, giữa bộn bề bản thảo của phóng viên, cộng tác viên gửi đến, những người làm công tác biên tập có trách nhiệm chắt lọc thông tin, chỉnh sửa… đảm bảo tiêu chí mà tờ báo hướng tới.
Với không ít tin bài, đặc biệt của những người mới vào nghề hay của những cộng tác viên mới cộng tác chưa quen với cách viết, hành văn sơ sài, khai thác thông tin chưa đảm bảo… buộc người làm biên tập phải hướng dẫn, gọi điện/trực tiếp hỏi lại nhiều vấn đề… để chỉnh sửa sao cho đảm bảo. Rồi những sai sót về số liệu, về địa danh, về lập luận, thậm chí là vô tình viết trái với chủ trương chung… đòi hỏi những người làm biên tập phải kiên nhẫn, cẩn thận chỉnh sửa.
Không chỉ dừng lại ở việc sửa chữa những sai sót, những lỗi câu đơn thuần mà người làm công tác biên tập còn sắp xếp lại tiêu đề, kết cấu… những bài viết thiếu hợp lý. Nói cách khác, người biên tập không chỉ biên tập cho đúng mà còn phải làm sao để góp phần nâng cao chất lượng cho bài báo.
Nghe vậy, không ít người cứ tưởng nghề biên tập nhẹ nhàng, đơn giản. Nhưng, yêu cầu tính thời sự, nhanh nhạy, chính xác của nghề nghiệp, buộc những người làm biên tập cũng phải “theo” đội ngũ phóng viên. Chỉ cần có tin, bài, không nề hà giờ hành chính, không nề hà trưa hay tối, không nề hà ngày lễ tết hay ngày thứ bảy, chủ nhật… - các biên tập viên lại cặm cụi với công việc.
Nhưng đội ngũ làm biên tập cũng chia sẻ rằng, so với trước đây, người làm biên tập hiện nay nhẹ nhàng hơn. Công nghệ thông tin hỗ trợ nhiều, biên tập – phóng viên làm việc qua mail, chẳng bù cho trước kia, nhiều khi biên tập viên phải đợi đến khuya, rồi lọ mọ xuống tận cơ quan để nhận tin bài được in bằng giấy A4, biên tập bằng tay, chuyển cho tòa soạn kịp ra số báo ngày mai…
Áp lực công việc cộng với việc không phải vấn đề nào, không phải khi nào người làm biên tập cũng có thể hiểu và biết hết nên sai sót vẫn còn, dù đã qua nhiều lần biên tập... Vậy là, đúng hơn, hay hơn chẳng mấy ai ý kiến; có tí sạn, không ít người lại trách móc, biên tập sao mà để lọt, biên tập sao mà kém…
Đặc thù hoạt động nghề nghiệp báo chí như vậy nên những người làm biên tập, ngoài phông kiến thức, văn hóa và những trải nghiệm thực tế từ những tháng ngày phóng viên, đòi hỏi họ không ngừng nỗ lực học hỏi. Học hỏi đó không dừng lại ở những buổi tập huấn, những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ… mà còn phải chịu khó cập nhật thông tin qua sách, báo, qua những buổi trò chuyện ngoài lề giữa các biên tập viên, giữa biên tập viên và phóng viên để tìm sự đồng cảm, chia sẻ với mục đích bài báo, tờ báo ngày càng chất lượng hơn.
Mải lo với chuyện bếp núc, biên tập bài vở, người làm biên tập dần trở nên lặng lẽ. Họ không chỉ ít xuất hiện ở các hội nghị, các cuộc làm việc với các sở, ban, ngành liên quan… mà cũng chẳng định danh bằng tên tuổi cụ thể trên các tác phẩm. Nhưng chính họ - những người làm biên tập lặng lẽ hay nói như cách đùa vui “nhà báo chân xỏ gầm bàn” lại góp phần rất lớn trong việc hoàn thiện nội dung cho mỗi số báo.
Nguyên Phúc