Láng giềng gần

28/08/2017 07:07

​Đã tròn 10 năm tôi sang Lào. Đó là chuyến "xuất ngoại" đầu tiên của tôi cùng người bạn đồng nghiệp, chuẩn bị chương trình kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 -18/7/2007) và 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (05/9/1962 - 05/9/2007).

Ngày ấy, đường 40 từ thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) đến Cửa khẩu Bờ Y và từ Cửa khẩu Bờ Y đến trung tâm tỉnh lỵ Attapư (Lào), ngoài đoạn Dốc Muối và một số phân đoạn ngắn trên Quốc lộ 18B của phía bạn chưa kiên cố hoàn chỉnh, phần lớn chiều dài tuyến đều đã được trải nhựa thông suốt.

Đường vắng, xe bon bon xuyên qua bao la đồi núi, rừng cây. 7h sáng, xuất phát từ Kon Tum; 12h trưa đã đến thị xã Xa Nam Khi xay - “thủ phủ” của tỉnh Attapư.

Giao lưu ẩm thực giữa tuổi trẻ Ngọc Hồi- Phu Vông

 

Trung tâm tỉnh láng giềng gần gũi của Kon Tum là một thị xã nhỏ, dáng vẻ khiêm nhường; yên bình với những con đường ngăn ngắn không gợn dốc, những ngôi nhà thấp hiền hòa dưới tán cây canh. Đường xá ít người qua lại. Ô tô, xe máy, và cả xe đạp, tất cả đều di chuyển một cách từ tốn. Đó cũng là cảm nhận chung khi chúng tôi đến Sê Kông và Chămpasắc trong chuyến đi Nam Lào năm ấy.

Tháng 7/2007, ở đây có khoảng 50 hộ người Việt với gần 400 nhân khẩu. Đáng chú ý, gần 70% là người Huế đến lập nghiệp từ những năm 1990 - 1991. Bà con chủ yếu làm nghề mộc, buôn bán, xây dựng, số ít làm nghề chài lưới trên sông Sê Ka Máng. Nhờ cần cù, chịu khó và thương yêu, đùm bọc nhau nên hầu hết các hộ đều có bát ăn bát để, không có hộ nghèo. Hộ giàu chiếm chừng 30%.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hồ Thực, một trong số vị lão thành cách mạng người Việt đã nghỉ hưu. Ông Thực sinh năm 1927, quê gốc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cuối năm 1949, ông là lính đại đội 44, thuộc lực lượng vũ trang tuyên truyền Quân khu 5 được điều sang công tác ở Attapư; đóng quân, xây dựng căn cứ Cách mạng ở vùng Nam Lào. Năm 1966, ông lập gia đình với cô gái Lào Khăm Phun người Mường Cầu (huyện Xay Xạt Thả, tỉnh Attapư). Họ có với nhau 3 người con, năm 2007, đều đã trưởng thành, ổn định công tác tại các sở, ngành của tỉnh.

Chúng tôi gặp chị Thiếp Pa Chăn - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện đa khoa Attapư. Năm 1979, chị sang Kon Tum học Trường Lưu học sinh Lào. Sau 9 tháng học tiếng Việt, chị chuyển sang học thêm chương trình văn hóa phổ thông; năm 1982, tiếp tục được đào tạo trung cấp y tế hệ tập trung. Năm 1986, tốt nghiệp, chị Thiếp Pa Chăn trở về quê hương, công tác tại bệnh viện do chính tỉnh Gia Lai - Kon Tum viện trợ xây dựng.

Ở Xa Nam Khi Xay ngày ấy, Trường Hữu nghị Việt - Lào đang được xây dựng, chuẩn bị khai giảng năm học đầu tiên. Trong tổng nguồn vốn đầu tư 45.600 USD cho ngôi trường này, có 20.000 USD tỉnh Kon Tum viện trợ và 25.000 USD đóng góp của người Việt ở nước ngoài.

Ba ngày, thăm ba tỉnh (Attapư, Sê Kông, Chămpasắc), thời gian thật ngắn ngủi, song với sự "hướng đạo" vô cùng nhiệt tình của anh Vach Xa Đi - Chánh văn phòng UBND tỉnh Attapư, chúng tôi đã được đến thăm không ít nơi, gặp gỡ nhiều người, hiểu biết hơn về mảnh đất và con người vùng hạ Lào chân chất, hiền hậu; cảm nhận sâu sắc hơn nghĩa tình son sắt gắn bó Việt - Lào.

Tròn 10 năm kể từ ngày chúng tôi rời Attapư trong một buổi sáng chia tay bịn rịn. Attapư và các tỉnh Nam Lào bây giờ đã không ít đổi thay và ngày càng phát triển. Chiếc cầu hữu nghị vững chắc nối hai đầu biên giới đưa mọi người đến gần nhau hơn. Qua thông tin, hình ảnh của những người đồng nghiệp truyền đi từ những chuyến công tác Nam Lào cùng Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh và hoạt động của các tỉnh bạn tại Kon Tum, chúng tôi thấy rõ điều đó.

Đến nay, tỉnh Kon Tum và các tỉnh Nam Lào (Attapư, Sê Kông, Salavan, Chămpasắc) đều đã thiết lập và duy trì mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Nỗ lực thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và phối hợp bảo vệ an ninh biên giới giữa Kon Tum và các tỉnh bạn ngày càng đi vào nề nếp, có hiệu quả. Kon Tum và các tỉnh bạn duy trì trao đổi Đoàn cấp cao sang thăm, chúc Tết, dự các sự kiện nhân ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của nhau. Hoạt động trao đổi đoàn giữa các cơ quan chuyên môn; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Mặt trận và các hội đoàn thể, các huyện biên giới không ngừng được tăng cường.

Nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ anh em, bạn bè giữa tỉnh Kon Tum và Attapư, hai huyện kết nghĩa Ngọc Hồi (Kon Tum) và Phu Vông( Attapư) đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Hoạt động kết nghĩa giữa thôn Dục Lang (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei) với bản Thông Cày Ộc, cụm bản Văn Tắt (huyện Xản Xay, tỉnh Attapư); Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum) với Đồn Công an Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa (tỉnh Attapư); Đồn Biên phòng Đăk Xú (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum) với Đại đội Biên phòng 541 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Attapư)... cũng góp phần tô thắm thêm tình cảm anh em, láng giềng gần gụi.

Theo bà Trương Thị Linh - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, tỉnh Kon Tum hiện có 6 doanh nghiệp đầu tư các dự án trồng cây công nghiệp, khai thác khoáng sản tại Lào và Campuchia với tổng vốn đăng ký trên 1.880 tỷ đồng. Trong đó, riêng tỉnh Attapư có hai dự án. Một dự án trồng cao su của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Tây Nguyên và một dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty CP Việt- Lào. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Kon Tum đã tặng 5 bộ máy vi tính cho Trường Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Attapư; tổ chức thăm, tặng quà, khám chữa bệnh cho nhân dân tỉnh Attapư trị giá gần 450 triệu đồng; hỗ trợ đào tạo trình độ đại học cho 10 sinh viên của tỉnh Attapư học tại Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum niên khóa 2015-2020 và 15 sinh viên niên khóa 2017-2022; cử 1 giáo viên sang dạy tiếng Việt cho cán bộ, công chức tỉnh Attapư; hỗ trợ 500 triệu đồng giúp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Attapư xây dựng các hạng mục phụ trợ của Đại đội biên giới đóng quân ở cửa khẩu Văn Tắt...

Biểu diễn văn nghệ dân gian ở Attapư

 

Kon Tum và tỉnh biên giới Attapư phía bạn luôn phối hợp nắm tình hình an ninh trật tự của mỗi tỉnh, mỗi nước; phối hợp tuần tra, kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động vi phạm pháp luật, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững và ổn định tình hình an ninh khu vực biên giới. Công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào đoạn qua hai tỉnh đã được hoàn thành, thắng lợi. Tỉnh Kon Tum và Attapư đã chủ động phối hợp tiến hành khảo sát thực trạng quốc lộ 18B của Lào; đề nghị chính phủ hai nước thống nhất chủ trương ưu tiên nguồn viện trợ để đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn đường từ Cửa khẩu Phu Cưa đi Attapư dài khoảng 50km. Hàng năm, tỉnh Kon Tum được sự giúp đỡ, hỗ trợ chí tình của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tỉnh bạn trong việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn về nước...

Tròn 10 năm sau ngày chúng tôi sang thăm Attapư kết nghĩa và Nam Lào, mảnh đất và con người các tỉnh láng giềng đã đổi thay nhiều. Những người anh em Lào - Việt thân thiết ở Attapư đã bùi ngùi tiễn đưa vị cán bộ cách mạng lão thành tiền bối Hồ Thực về với đất vào đầu năm 2017, song những nỗ lực gây dựng mối thân tình Việt- Lào của thế hệ các ông theo con đường mà lãnh tụ Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản mở lối vẫn đang được lớp con cháu vun đắp, vững tin đi tới.

Càng vui hơn, khi trong năm 2017 này, Kon Tum và các tỉnh bạn đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp để tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày ký Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào và 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Bài, ảnh: Thanh Như

Chuyên mục khác