Làng cổ nơi phố thị

09/07/2020 06:00

Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) chính thức được UBND tỉnh công nhận là một trong các điểm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố vào ngày 28/5/2020. Hiện nay, chính quyền các cấp cùng nhân dân xã Đăk Rơ Wa đang gấp rút hoàn thành các điều kiện cần thiết để tổ chức Lễ ra mắt Làng Du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu và Liên hoan Sắc màu thổ cẩm.

Năm 2016, ghé thăm Làng Du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, ngay lập tức tôi bị cuốn hút bởi nét kiến trúc độc đáo, mang đặc trưng của đồng bào dân tộc Ba Na. Ngay trung tâm làng, nhà Rông nằm giữa, vây quanh là các nhà sàn, xa xa là núi sông, tất cả cảnh sắc hài hòa như một bức tranh thủy mặc, hội tụ đủ vẻ đẹp vốn có của vùng đất Tây Nguyên.

Hồi ấy, tôi cùng bạn bè rủ nhau đi tham quan thác H’lai- nằm cách làng khoảng vài cây số về hướng Đông Bắc. Hôm nay có dịp nhắc lại chuyện cũ với già làng A Ben, ông nhấp một ngụm cà phê rồi chậm rãi kể cho tôi nghe: “ Làng này khi mới lập nằm ở một địa điểm gần con thác H’lai. Sau đó, vì chiến tranh, dịch bệnh liên miên, năm ấy già làng dẫn bà con di cư khắp nơi tìm chỗ ở phù hợp. Loanh quanh mãi, cuối cùng già làng nhận thấy Kon Kơ Tu là vùng đất thích hợp nhất để định cư lâu dài” .

Làng cổ Kon Kơ Tu hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch xanh nơi vùng cực Bắc Tây Nguyên với hệ thống các giá trị  thiên nhiên,  giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như nhà rông, nghề dệt thổ cẩm, nhà sàn truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng... Bên cạnh đó, các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát dụng cụ như gùi, reo, giỏ... đã giúp nơi đây lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na.

Du khách tham quan không gian nhà rông của làng. Ảnh:kontumtourism.com.vn

 

Già làng A Ben dẫn tôi đến thăm nhà A Kâm, hiện là Tổ trưởng tổ tiếp khách du lịch tại làng. Trên đường đi, tôi thật sự ấn tượng với những con đường, ngõ ngách khắp làng đều được bê tông hóa. Lối đi trước nhà A Kâm dẫn thẳng xuống sông Đăk La,  bên cạnh sông là bãi cát trắng mượt trải dài, bên kia sông  là dãy đồi nhấp nhô, xa xa thấp thoáng dáng người đi rẫy... Cuộc sống nơi đây thật là bình yên! Hiện giờ đã có một dải kè ngăn cách đường xuống sông. Già làng A Ben cho hay đó là công trình mới hoàn thành để chào mừng lễ ra mắt của Làng Du lịch cộng đồng sắp tới.

A Kâm mời tôi vào nhà. Cầu thang lên nhà sàn của anh làm từ một cây gỗ, được đục, đẽo khá công phu, cách mặt đất tầm 1,5m. A Kâm mời tôi ngụm rượu từ ché cần đặt nghiêng nghiêng trên giá đỡ bằng tre, bên trên là những xấp  thổ cẩm mới dệt được treo ngay ngắn. Tôi vừa uống, vừa nghe A Kâm trò chuyện - “ Ngoài công trình bờ kè, làng vừa được lắp thêm 6 tấm pin năng lượng mặt trời cùng hai giếng khoan và hai nhà vệ sinh công cộng để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra chính quyền xã cũng đang từng bước hoàn thiện các công trình ở làng như  sân biểu diễn, bãi đậu xe, hệ thống chiếu sáng, cổng chào...” – A Kâm nói.

Được biết, hiện tại làng Kon Kơ Tu có 6 hộ kinh doanh dịch vụ homestay đạt tiêu chuẩn. Gần đây A Kâm cùng 4 hộ khác được tham dự lớp tập huấn Quản lý và tác nghiệp du lịch cộng đồng do UBND thành phố tổ chức. A Kâm cũng đã được cử tham quan các mô hình du lịch cộng đồng nổi tiếng cả nước như Tây Giang - Quảng Nam, Bản Lác – Hòa Bình... để học hỏi kinh nghiệm trong phát triển du lịch cộng đồng về áp dụng tại địa phương.

Già làng A Ben đang lấy gỗ để đẽo tượng. Ảnh: HT

 

A Kâm cho biết,  người dân ở làng rất thân thiện mến khách, có tính tương trợ và đoàn kết cao. Vừa qua, dân làng cùng cán bộ xã đã phối hợp trồng 180 cây xanh, hoa tại cổng chào và xung quanh khuôn viên nhà rông văn hóa thôn. Bà con cùng giúp nhau làm mô hình homestay, nên rất ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan  môi trường của làng luôn xanh - sạch - đẹp.

Ông Đào Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chào mừng Lễ “Ra mắt Làng Du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu và Liên hoan Sắc màu thổ cẩm” của thành phố Kon Tum sắp tới, xã Đăk Rơ Wa đã đề ra và triển khai nhiều kế hoạch, hoạt động;  trong đó trọng tâm là việc xây dựng kế hoạch về phát triển du lịch và xây dựng thương hiệu sản phẩm dệt thổ cẩm xã Đăk Rơ Wa năm 2020; chỉ đạo tổ chức kiện toàn Ban quản lý làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, Tổ sản xuất thủ công mỹ nghệ, Tổ vệ sinh cộng đồng, Tổ y tế.... Đặc biệt là việc hoàn thành thi công, sửa chữa và đưa vào sử dụng tuyến đường vào làng Kon Kơ Tu, mở rộng mặt đường từ 3,5m lên 5m và nâng cao độ dày từ 16 cm lên 20 cm...

Với những gì thiên nhiên ban tặng, cùng với nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na ở chính nơi đây đã góp phần tạo nên sự độc đáo riêng biệt cho ngôi làng cổ Kon Kơ Tu so với những nơi khác. Hy vọng rằng trong tương lai, làng cổ Kon Kơ Tu sẽ được khai thác hết tiềm năng vốn có, trở thành điểm độc đáo thu hút khách du lịch gần xa.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác