Lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh

21/04/2023 05:27

Nhiều trường học, gia đình đã có nhiều cách làm sáng tạo giúp các em tiếp cận các nguồn sách, phát triển thói quen đọc sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tại Trường Tiểu học Cao Bá Quát (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) vào giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy, nô đùa, nhiều em học sinh đã nhanh chóng chạy lại tủ sách cuối lớp để tìm cho mình những cuốn sách, quyển truyện ưng ý.

Cô Doãn Kim Huế- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Bá Quát cho hay: Toàn trường có 12 lớp với 352 học sinh, trong đó 100% các em là người DTTS. Thời gian qua, để hình thành thói quen, kỹ năng và phong trào đọc cho các em học sinh, bên cạnh việc duy trì mô hình thư viện truyền thống với giá sách và bàn đọc, nhà trường xây dựng mô hình “Tủ sách tại lớp” với 100 đầu sách tại mỗi lớp và thực hiện luân chuyển sách theo từng tuần; thiết kế những tủ sách, góc đọc, góc tra cứu trong khuôn viên trường; đồng thời thường xuyên bổ sung đa dạng các đầu sách để phù hợp với nhu cầu của các em học sinh. Ngoài ra, để truyền cảm hứng đọc cho các em, trong các buổi sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, các buổi chào cờ, các buổi hoạt động ngoại khóa, nhà trường thường chọn những quyển sách hay, ý nghĩa để giới thiệu đến các em và thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ, kể lại những câu chuyện, tác phẩm mà các em đã đọc bằng cách sân khấu hóa.

Học sinh Trường Tiểu học Cao Bá Quát (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) đọc sách trong khuôn viên trường. Ảnh: YĐ

 

Sau những buổi học, tủ sách tại các lớp trở nên lộn xộn, nhưng đây có lẽ là niềm vui mỗi ngày của thầy giáo, cô giáo nơi đây, bởi điều này chứng tỏ học sinh đã có thói quen và hứng thú hơn với việc đọc sách.

Còn tại Trường Tiểu học Quang Trung (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum), chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi tại cầu thang của các dãy phòng học đều được đặt một kệ sách và bàn đọc với nhiều đầu sách, từ sách tra cứu, sách phát triển phẩm chất con người, sách khoa học đến sách kể chuyện Bác Hồ, truyện tranh. Các em học sinh có thể thoải mái lựa chọn những cuốn sách muốn đọc vào bất kỳ thời gian ngoài giờ học.

Em Trần Thị Khánh Phương, học sinh lớp 5D, chia sẻ: Em rất thích đọc sách, vào những giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa em thường tìm đến đây để đọc sách. Từ việc đọc sách, em tìm được rất nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, phục vụ cho việc học tập và cả những câu chuyện hay, ý nghĩa về người tốt việc tốt. Đặc biệt, em thích đọc nhất là cuốn Những câu chuyện kể về Bác Hồ.

Có thể nói rằng, ở lứa tuổi học sinh, hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách sẽ giúp các em phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, trau dồi khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết.

Giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (TP. Kon Tum) đọc sách cùng các em học sinh. Ảnh: Y.Đ

 

Nhận thấy việc đọc sách rất quan trọng trong sự phát triển của con người, nhất là từ lứa tuổi học sinh, một số phụ huynh có con em là học sinh cấp I đang theo học tại các trường trên địa bàn thành phố Kon Tum đã thành lập Câu lạc bộ Sách Kon Tum, với mục đích tạo không gian, truyền cảm hứng, tạo thói quen đọc sách cho con em vào những ngày nghỉ cuối tuần. Chị Đỗ Thủy – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sách Kon Tum chia sẻ: Chúng tôi cùng có chung niềm đam mê đọc và sưu tầm sách kết nối lại với nhau thành lập nên Câu lạc bộ Sách. Đây là nơi mà những ai yêu thích, có mong muốn đọc và tìm hiểu kiến thức từ sách đều có thể tham gia. Đây cũng là nơi các em nhỏ và cha mẹ đến đọc sách và sinh hoạt vào các ngày nghỉ cuối tuần. Tại đây, các em được làm quen với sách, được cha mẹ hướng dẫn cách chọn sách và phương pháp đọc sách hiệu quả.

“Ngoài việc đọc sách, Câu lạc bộ tổ chức các hoạt động ngoài trời cho các bạn nhỏ trải nghiệm vui chơi và chia sẻ với nhau những câu chuyện đã đọc trong sách. Thông qua hoạt động, Câu lạc bộ còn lồng ghép kể những câu chuyện gương người tốt, việc tốt, các kỹ năng sống, đối xử với loài vật và những bài học về cuộc sống” - chị Thủy chia sẻ thêm.

Có thể thấy, những cách làm trên giúp các em làm quen, phát triển thói quen đọc sách ngay từ lứa tuổi học sinh, góp phần lan toả văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời, qua đó, huy động được sự góp sức của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo trong việc hướng dẫn cách chọn sách, những phương pháp đọc sách hiệu quả cho các em, qua đó hỗ trợ học tập, trau dồi kiến thức, khơi dậy niềm đam mê đọc sách.       

Y Đô

Chuyên mục khác