07/04/2018 19:59
Ông Hoàng Trọng Lanh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Ngọc Hồi tâm sự: Hàng năm, đơn vị thường xuyên xây dựng kế hoạch tuyên tuyền vận động và tổ chức lễ phát động Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện trong nhân dân. Nhờ đó, phong trào đã lan tỏa sâu rộng và trở thành nét đẹp trong đời sống của đa số cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên thanh niên, hội viên tình nguyện viên chữ thập đỏ và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Số lượng người hiến máu năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2014, toàn huyện có 240 lượt người tham gia hiến máu và thu được 160 đơn vị máu, thì đến năm 2017 có 320 lượt người tham gia và thu được 216 đơn vị máu. Riêng trong đợt 1 năm nay, đã có 220 lượt người tham gia và thu được 146 đơn vị máu.
Ông Nguyễn Tiến Dụng – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sa Thầy tự hào: Nếu năm 2016, toàn huyện tiếp nhận được 125 đơn vị máu, thì đến năm 2017 tiếp nhận được 252 đơn vị máu. Đây là thành quả đáng khen ngợi trong quá trình tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, trong đó vai trò của Hội Chữ thập đỏ huyện là rất quan trọng.
|
Không chỉ riêng huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển đều khắp ở các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 5 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với 423 thành viên, trong đó 1 câu lạc bộ trực thuộc Tỉnh đoàn, 2 câu lạc bộ trực thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện Kon Rẫy, 1 câu lạc bộ trực thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện Ngọc Hồi và 1 câu lạc bộ trực thuộc Công an tỉnh. Các thành viên của các câu lạc bộ đều sẵn sàng tham gia hiến máu khi có yêu cầu để cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hàng năm, Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang… tăng cường tuyên truyền vận động sâu rộng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trong đó tập trung tuyên truyền trong lực lượng thanh niên, sinh viên, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang... nhằm đảm bảo nguồn máu an toàn đáp ứng cho điều trị. Công tác tuyên truyền vận động gián tiếp bằng hình thức cổ động trực quan như: Băng đĩa, băng rôn, thư kêu gọi hiến máu, pa nô, áp phích, tờ rơi ... với nội dung tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện, hiến máu không nhận thù lao và hiến máu an toàn, hiến máu nhắc lại đã tổ chức được 74 buổi, có 42.250 lượt người tham gia và phát hành hàng ngàn tài liệu, ấn phẩm về nội dung tuyên truyền hiến máu tình nguyện.
Kết quả, trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 147 buổi tuyên truyền vận động với 41.500 sản phẩm tuyên truyền và tư vấn trực tiếp cho 39.873 lượt người, tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện cho 947 lượt đối tượng là tình nguyện viên... Toàn tỉnh đã tổ chức được 30 đợt lấy máu tập trung và nhiều đợt lấy máu đột xuất, tiếp nhận được 22.978 đơn vị máu, trong đó gồm có lượng máu thu được từ nguồn hiến máu tình nguyện và hiến máu người nhà. So với 10 năm trước, năm 2017 số đơn vị máu tiếp nhận được tăng 4,5 lần, từ 880 đơn vị máu lên 3.989 đơn vị máu; chỉ tiêu đạt được so với kế hoạch tăng 1,1 lần, từ 97,8% lên 108%; tỷ lệ hiến máu tình nguyện tăng 1,25 lần, từ 61,1% lên 76%; tỷ lệ người hiến máu nhắc lại tăng 10,8 lần, từ 6% lên 65%; tỷ lệ dân số hiến máu tăng 3,85 lần, từ 0,2% lên 0,77%.
Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, hưởng ứng “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6”, năm nào Ban Chỉ đạo tỉnh cũng tổ chức lễ tôn vinh, qua đó đã khen thưởng cho 137 tập thể, 965 cá nhân, 35 gia đình và ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố trao giấy khen cho 13 tập thể, 55 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện. Ngoài ra, hàng năm, cử 5 đại biểu đại diện cho cá nhân, gia đình hiến máu tiêu biểu của tỉnh tham dự lễ tôn vinh cấp quốc gia tổ chức vào tháng 6 tại thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng hiến máu chủ yếu vẫn là thanh niên, chưa mang tính “Toàn dân hiến máu” rõ nét và sự phối kết hợp của các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền vận động có lúc chưa thật sự đồng bộ, một số đơn vị chưa vào cuộc và công tác hiến máu tình nguyện chưa thật sự được xã hội hóa.
Vì vậy, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh, trực tiếp là Hội Chữ thập đỏ tỉnh, tiếp tục tăng cường vận động toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện, coi đây là nghĩa cử cao đẹp, là bản chất con người mới trong xã hội mới hiện đại, văn minh, đầy nghĩa tình nhân ái.
Bài và ảnh: Trần Văn Phúc