Lan tỏa phong trào đọc sách và làm theo sách

21/04/2019 06:25

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Siêng xem sách và xem được nhiều sách là quý nhưng người đọc sách phải đi đôi với thực hành theo sách”. Trong đọc sách, Người luôn quan tâm đến vấn đề áp dụng và phải biết vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn. Sự vận dụng tài tình những điều đã học và đã đọc chính là một trong những điểm mấu chốt trong vấn đề đọc sách.

Ngày nay, với sự bùng nổ của internet và các thiết bị nghe nhìn hiện đại, văn hóa đọc sách có nguy cơ mai một. Hơn nữa, vì công việc bận rộn, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người không có thời gian đọc sách, từ bỏ niềm đam mê đọc sách. Không ít học sinh, sinh viên tỏ ra thờ ơ với việc đọc sách, chưa xem đây là cơ hội tốt để dung nạp, bổ sung thêm kiến thức, nâng cao hiểu biết về xã hội, về tri thức của nhân loại khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Rõ ràng, dù trong thời đại công nghệ thông tin, con người có nhiều cách lựa chọn để cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức phục vụ nhu cầu giải trí cho mình, nhưng sách vẫn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống. Một cuốn sách hay không chỉ đem đến cho người đọc những thông tin cần thiết mà còn như chất xúc tác rèn luyện sự kiên nhẫn, giúp con người cảm thụ, suy ngẫm và có những góc nhìn mới về cuộc sống.

Tuy nhiên, tình trạng lười đọc sách, trong đó có sách văn học, diễn ra trong một thời gian khá dài, ở nhiều thành phần xã hội và ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Theo số liệu cuộc điều tra xã hội học của một nhóm tác giả tại Thành phố Hồ Chí Minh công bố vào cuối năm 2018, ở nước ta hiện nay, có đến 40% số người được hỏi trả lời đọc sách văn học dưới 30 phút mỗi ngày, 19% số người đọc sách từ 30-90 phút/ngày, trên 2 giờ chỉ ở mức 11% và có khoảng 30% số người không có thói quen đọc sách mỗi ngày. Trong đó, nhóm đọc sách ở khu vực thành thị chiếm tỷ lệ cao hơn so với khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, không ít người vẫn có niềm đam mê đọc sách, coi sách là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Ông Trần Trọng Tín (một công chức đã nghỉ hưu hơn 15 năm ở thành phố Kon Tum) chia sẻ: Ngày nào, tôi cũng đọc trên 15 trang sách, không đọc không chịu được. Đọc sách đã trở thành thói quen, nó đã ăn sâu vào tiềm thức từ hồi trẻ đến tận bây giờ. Qua đọc báo, phát hiện có nhiều cuốn sách hay mới phát hành, ở Kon Tum tìm không có, tôi phải nhờ bạn bè, con cháu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn… mua giúp, gửi về để đọc cho bằng được.

Đọc sách đã trở thành thói quen trong nếp sinh hoạt hàng ngày của em Nguyễn Thị Kim Hạnh, học sinh Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Kon Tum). Tâm sự với tôi, em Kim Hạnh cho biết, do nhà ở gần Thư viện tỉnh nên rảnh lúc nào, em tới thư viện đọc sách lúc đó.

Hạnh hay đọc sách viết về Bác Hồ, sách văn học, sách khoa học kỹ thuật... Tìm hiểu trên internet, có cuốn sách nào hay mới phát hành nhưng ở Thư viện tỉnh không có, em nói bố mẹ nhờ người quen ở nơi khác mua về nhà để đọc. “Đọc sách để hiểu biết thêm kiến thức, thu nạp thêm kho tàng tri thức của nhân loại, giúp ích trong việc học tập và cho cuộc sống của bản thân sau này” - Kim Hạnh chia sẻ.

Các bạn học sinh, sinh viên tìm đọc những cuốn sách yêu thích tại Ngày Sách Việt Nam lần thứ VI tổ chức tại Thư viện tỉnh. Ảnh: QĐ

 

Để phong trào đọc sách và làm theo sách lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, rất cần có sự chung tay, giúp sức của các cấp, các ngành và của các tác giả, nhà sách, nhà xuất bản sách. Phát biểu tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ VI do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao – Du lịch, Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức tại Thư viện tỉnh Kon Tum (sáng 17/4/2019), đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh mỗi ngày đọc vài trang sách, mỗi tuần đọc một cuốn sách; xây dựng các tủ sách gia đình, dòng họ, khuyến khích và tôn vinh những tấm gương tiêu biểu về lòng say mê đọc sách; tổ chức quyên góp sách ủng hộ tủ sách ở các xã, trường học vùng sâu, vùng xa, hướng tới xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời; làm cho sách trở thành người bạn đồng hành thân thiết, không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người…

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là "Ngày Sách Việt Nam" nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; tôn vinh giá trị của sách; khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách...

                                                                                Quang Định

 

Chuyên mục khác